Nhờ cánh quạt chong chóng, các phi thuyền tương lai của Mỹ sẽ trở về trái đất nhẹ nhàng và chính xác như trực thăng.
Hình minh họa phi thuyền Orion của Mỹ và Trạm Không gian Quốc tế trên quỹ đạo trong tương lai. Ảnh: NASA. |
Hiện tại các phi thuyền đều trở về địa cầu theo quy trình giống nhau: Chúng lao từ vũ trụ xuống hoang mạc hoặc đại dương. Trước khi phi thuyền chạm bề mặt đại dương hoặc hoang mạc, một chiếc dù khổng lồ bung ra để giảm tốc độ của phi thuyền. Vì thế, trong quá trình phi thuyền lao xuống, con người không thể kiểm soát nó và rủi ro có thể xảy ra. Sau đó người ta phải huy động phương tiện vận tải trên bộ hoặc đại dương để thu hồi phi thuyền.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn những tàu vũ trụ tương lai của họ đáp xuống những vị trí cố định trên đất liền thay vì lao xuống đại dương để loại bỏ khâu thu hồi phi thuyền. Để đạt mục đích ấy, họ quyết định thay dù bằng cánh quạt hình chong chóng. Với cánh quạt, con người có thể điều khiển tàu đáp xuống vị trí nào đó theo ý muốn. Những khoang đổ bộ gắn cánh quạt đang được thử nghiệm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Mỹ, Space đưa tin.
Mặc dù cánh quạt chong chóng đã xuất hiện trên trực thăng trong vài thập kỷ, chúng chưa bao giờ được ứng dụng trong phi thuyền. NASA đã đưa cánh quạt chong chóng vào Orion, phi thuyền tương lai của Mỹ, song phải tới năm 2021 Orion mới bay lên vũ trụ.
Thách thức lớn nhất đối với các chuyên gia kỹ thuật của NASA là cơ chế quay của cánh quạt. Nó phải tự động quay sau khi phi thuyền lao từ vũ trụ xuống bầu khí quyển. Họ muốn sử dụng bộ phận kiểm soát vô tuyến của trực thăng để điều khiển tốc độ quay của cánh quạt từ xa, nhờ đó làm giảm tốc độ rơi của tàu.
Minh Long
(vnexpress.net)