Đối với nhiều người chết là trở về với cát bụi nhưng đối với nhiều nhà sư ở Nhật Bản, sau khi chết thi thể của họ có thể tồn tại nguyên vẹn hàng trăm năm với thời gian. Thậm chí, họ được tôn thành Phật nếu thực hiện thành công thuật tự ướp xác khắc nghiệt, kéo dài ròng rã cả chục năm trời.
Sự ra đời của thuật ướp xác kỳ lạ
Từ hàng ngàn năm trước, thuật ướp xác đã không còn xa lạ với những công dân của thế giới cổ đại. Nổi tiếng nhất là thuật ướp xác của người Ai Cập và Trung Quốc.
Ở Ai Cập, những thi thể trước khi được đưa vào ướp xác thường được mổ để tách lấy phần nội tạng, sau đó được mang đi tẩm ướp các loại hương liệu và hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên nhằm ngăn những thi thể này phân hủy và giữ được nguyên vẹn dưới tác động của môi trường và thời gian.
Trong khi đó, những người Trung Quốc lại sử dụng những cỗ quan tài bằng gỗ bách có kèm thêm một số loại thảo mộc để bảo quản các xác ướp.
Nếu như 2 phương pháp ướp xác của người Ai Cập và Trung Quốc được tiến hành trên thi thể của người đã chết bởi vậy mà người được ướp xác sẽ chẳng thể cảm nhận được đau đớn hay những tác động của hóa chất lên cơ thể thì phương pháp tự ướp xác của những nhà sư Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại. Họ tiến hành ướp xác ngay trên cơ thể người sống và phải tuân thủ một quy trình hết sức gian khổ, kéo dài ngót nghét cả thập kỷ.
Ngọn núi Yudono ở quận Yamagata, phía Bắc Nhật Bản được biết đến là thiên đường của những xác ướp khi tại đây, những nhà khoa học đã tìm thấy hơn 20 xác ướp của những nhà sư trông giống hệt như người còn sống đang ở trong tư thế ngồi bắt chéo hai chân hay còn gọi là tư thế thiền “hoa sen”.
Theo những nhà nghiên cứu dự đoán có khoảng vài trăm nhà sư đã thực hiện thuật tự ướp xác, tuy nhiên hiện mới chỉ tìm thấy xác ướp của một phần nhỏ trong số đó.
Người “phát minh” ra thuật tự ướp xác nối tiếng khắp xứ sở mặt trời mọc chính là nhà sư Kukai sống vào khoảng thế kỷ thứ IX, là người đã sáng lập ra dòng tu bí truyền Shingon trong đạo Phật, dòng tu đã đưa ra các thuyết về sự giác ngộ thông qua việc hành xác.
Sư thầy Kukai đã tự mình thử nghiệm thuật này trước khi truyền lại phương thức tiến hành cho những đệ tử. Một số nhà sư cho biết việc thực hiện quá trình tự ướp xác này chính là để tuân theo nguyên lý: “Tôi chịu đau khổ để bạn được sống”.
Quá trình tự ướp xác kéo dài trong khoảng hơn 3 nghìn ngày và được chia thành 3 giai đoạn chính. Theo đó những nhà sư phải tuân thủ một chế độ ăn uống vô cùng thanh đạm và kham khổ. Mấu chốt được cho là mang lại thành công của những nhà sư trong quá trình khổ luyện chính là giảm tối đa nhu cầu ăn uống và dần dần dẫn đến nhịn ăn.
Hành xác cả nghìn ngày
Giai đoạn đầu tiên trong hành trình tự ướp xác là làm giảm thiểu lượng mỡ và thịt trong cơ thể – nguyên nhân chính gây ra tình trạng thối rữa và phân hủy ở những xác ướp.
Để làm được điều này, những nhà sư phải thực hiện việc ăn kiêng kéo dài trong suốt 1 nghìn ngày. Gọi là ăn kiêng bởi lẽ những nhà sư chỉ được ăn một số loại hạt và những loại quả dại được hái ở khu vực xung quanh chùa như lạc, đậu tương hay quả dâu rừng.
Song song với việc ăn uống đạm bạc là việc thực hiện một loạt những hoạt động thể chất với cường độ mạnh nhằm làm tiêu hao toàn bộ nguồn năng lượng tích trữ và những năng lượng mới sinh. Nhờ đó, lượng mỡ và thịt dần dần bị đẩy ra ngoài thông qua quá trình đốt cháy năng lượng trong lúc vận động. Kết quả là ngày qua ngày, những nhà sư chỉ còn lớp da bọc xương và chỉ đủ sức duy trì sự sống một cách yếu ớt.
Khi cơ thể hầu như không còn chút thịt nào, những nhà sư sẽ bước vào giai đoạn kế tiếp, kéo dài thêm 1 nghìn ngày nữa đó là giai đoạn làm mất nước.
Trong suốt quá trình này, lượng thức ăn vốn đã ít ỏi của những nhà sư được rút xuống mức ít nhất có thể. Thay vì việc ăn quả và hạt như trước đây, những nhà sư chỉ ăn một chút vỏ cây và rễ cây. Lượng nước trong cơ thể họ dần cạn kiệt và chẳng bao lâu sau trông những nhà sư chẳng khác nào quả chanh bị vắt kiệt nước.
Tuy nhiên 2 nghìn ngày ăn uống khổ cực có lẽ chẳng thấm vào đâu so với những đau đớn mà các nhà sư phải trải qua trong 1 nghìn ngày ở giai đoạn cuối cùng, giai đoạn “tẩm độc”. Hàng ngày những nhà sư sẽ uống một loại chè được chế từ nhựa cây dầu bóng, loại cây vẫn được dùng để sản xuất vecni dùng trong công nghiệp đồ gỗ.
Đây là một loại trà độc gây nôn mửa, buồn tiểu và nhanh chóng gây mất nước trong cơ thể. Bằng việc uống loại trà này, lượng nước ít ỏi còn sót lại trong cơ thể những nhà sư sẽ bị đẩy ra bằng sạch.
Đồng thời, với việc uống trà độc liên tục trong cả ngàn ngày, sẽ khiến các chất độc ngấm sâu vào khắp các cơ quan trong cơ thể, tạo thành một cơ thể chứa đầy chất độc khiến những loại sâu bọ và côn trùng muốn phá hoại xác người phải tránh xa. Và, cũng chính nhờ đó mà các xác ướp được bảo quản nguyên vẹn.
Sau khi kết thúc quá trình “hành xác” kéo dài đúng 3 nghìn ngày, những nhà sư sẽ tự giam mình trong một ngôi mộ được làm bằng đá nguyên khối. Thông thường trước khi vào mộ, họ được phép mang những vật dụng cá nhân của mình để chôn cùng.
Một khoảng không gian nhỏ được đẽo bên trong phiến đá chỉ đủ chỗ cho nhà sư ngồi bất động theo tư thế thiền hoa sen. Sau khi nhà sư bước vào ngôi mộ đá, cánh cửa mộ sẽ bị bịt kín lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ cho không khí lưu thông.
Mỗi ngày nhà sư sẽ rung chiếc chuông mà ông mang theo vào trong mộ 1 lần để báo với thế giới bên ngoài rằng mình vẫn còn sống. Nếu một ngày những vị sư khác trong chùa không còn nghe thấy tiếng chuông rung lên nữa thì lúc đó họ biết rằng nhà sư đã qua đời. Khi ấy họ sẽ đến bịt ống thông khí lại và tiếp tục chờ đợi thêm 1 nghìn ngày nữa trước khi bật nắp mộ ra để kiểm tra xem việc ướp xác thành công hay không.
Nếu như sau khi nắp mộ được mở ra và thấy trong ngôi mộ là một xác ướp nguyên vẹn, nhà sư đó lập tức được phong thành Phật và được đưa về chùa để thờ cúng.
Thông thường mắt của những xác ướp sẽ bị bỏ đi, tuy nhiên những xác ướp này vẫn được coi là có thể nhìn thấu thực tại và suy nghĩ của những đang sống. Ngược lại nếu những xác ướp bị thối rữa hoặc mục nát, những nhà sư khác sẽ mang đi chôn cất cẩn thận và chẳng mấy mà tên tuổi và cuộc đời của những nhà sư tự ướp xác không thành cũng đi vào quên lãng.
Dù phương thức tiến hành thuật tự ướp xác là như nhau song ít có nơi đâu lại có tỷ lệ tự ướp xác thành công cao như tại ngọn núi Yudono, điều này khiến nhiều nhà khoa học nghi ngờ rằng chắc hẳn điều kiện thổ nhưỡng hoặc khí hậu ở đây phải có điều gì đó đặc biệt.
Theo lời kể lại thì nhiều nhà sư khi thực hiện thuật tự ướp xác thường uống nước tại một con suối nước nóng trên núi. Do đó, nhiều ý kiến đồng tình rằng trên đỉnh núi này có nguồn nước quý có chứa nhiều khoáng chất đặc biệt.
Thực tế các nhà khoa học phát hiện ra trong nguồn nước trên núi có chứa một loại chất có tên là arsen, một chất độc có khả năng ngăn cản quá trình phân hủy của cơ thể, bởi vậy những xác ướp của những nhà sư trên núi Yudono mới được bảo quản nguyên vẹn đến vậy.
Sau thành công của một số nhà sư, ngày càng có nhiều người muốn thực hiện thuật tự ướp xác. Song, do quá trình thực hiện rất khắc nghiệt nên chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh cấm thực hiện thuật này và hiện cũng không còn hệ phái Phật giáo nào thực hiện việc tự ướp xác này nữa.
Ngày nay, du khách có thể dễ dàng được chiêm ngưỡng những xác ướp với nước da bóng đẹp, còn nguyên vẹn được trưng bày tại nhiều ngôi chùa trên núi Yudono.
Chúng không chỉ là thành quả của cả một quá trình hành xác vất vả của những nhà sư mà còn là minh chứng hùng hồn cho một nghệ thuật ướp xác độc đáo, có một không hai của người Nhật Bản.
Theo Báo gia đình và Cuộc sống
(vtc.vn)