Tổ chức Guinness thế giới vừa công nhận ngôi trường City Montessori (CMS) ở thành phố Lucknow của Ấn Độ với 45.000 học sinh là ngôi trường đông nhất thế giới.
|
Trường City Montessori với 45.000 học sinh, 2.500 giáo viên, 3.700 máy vi tính và 1.000 phòng học |
Với số lượng học sinh “khủng” như vậy nên trường cũng có một đội ngũ giáo viên khổng lồ và số trang thiết bị tương ứng, cụ thể là 2.500 giáo viên, 3.700 máy vi tính và 1.000 phòng học.
Trường CMS được thành lập năm 1959 bởi 2 vợ chồng Jagdish Gandhi và Bharti bằng khoản vay 300 rúp (tương đương 5,5 USD) và chỉ có 5 học sinh.
Hiện tại, trường có 20 cơ sở ở thành phố Lucknow – thủ phủ của tiểu bang Uttar Pradesh. CMS cũng rất nổi tiếng về thành tích học tập và các chương trình trao đổi quốc tế.
“Sự phát triển kì diệu của nhà trường phản ánh những nỗ lực của chúng tôi trong việc làm hài lòng các bậc phụ huynh” – nhà sáng lập Grandhi, người vẫn tham gia vào việc quản lý ngôi trường, hiện đã 75 tuổi nói.
“Học sinh của chúng tôi đạt được kết quả học tập xuất sắc hàng năm. Đạt được kỷ lục Guinness là một niềm vui nhưng trường CMS không chỉ nổi bật về quy mô” – ông nói.
Trường nhận học sinh từ 3 tới 17 tuổi, tất cả đều mặc đồng phục và mỗi lớp có khoảng 45 em, tuy nhiên cả trường chưa bao giờ tập hợp đầy đủ trong một thời điểm vì không có nơi nào có sức chứa đủ lớn.
Ngôi trường đông nhất thế giới này không được nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Học phí của học sinh lớp dưới là 18 USD/tháng và 46 USD/ tháng với học sinh lớn hơn.
“Trong một ngôi trường như thế này, có rất nhiều lợi ích. Bạn có thể kết bạn với rất nhiều người ở các cơ sở khác của trường” – cô bé Ritika Ghosh, 14 tuổi, đã học ở đây 2 năm chia sẻ.
“Nhưng trường lớn cũng khiến bạn phải rất nỗ lực để được chú ý. Nếu không, bạn sẽ chỉ là một trong số hàng nghìn học sinh đang học ở đây. Tất nhiên là có nhiều thách thức và cạnh tranh nhưng đó là cái mà chúng tôi cần phải chuẩn bị cho cuộc sống thực” – cô bé nói.
- Nguyễn Thảo (Theo ABC)
(vietnamnet.vn)