Tinh Hoa

Chân dung đội cá heo tác chiến chống hạm

Hải quân Ukraina vừa khôi phục lại chương trình huấn luyện đặc biệt cho cá
heo và các động vật khác để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, bao gồm cả việc tấn
công các đối tượng bơi trên biển và phát hiện các ngư lôi.

 
Cá heo không chỉ cứu người mà còn tham gia vào hoạt động quân sự

Theo nguồn tin của hải quân Ukraina tại cảng Sevastopol, “mười con cá heo
hiện đang được huấn luyện cho các nhiệm vụ đặc biệt trong bể cá biển lớn của
Ukraina, và quân đội Ukaina đang tập huấn thường xuyên cho các động vật phát
hiện các vật thể dưới đáy biển”.

Các cá heo sát thủ sẽ được huấn luyện để tấn công bằng dao hoặc bằng súng
ngắn được gắn trên đầu. “Chúng tôi đang lên kế hoạch tập huấn cho các nhiệm vụ
chống các đối tượng thuộc đội chiến đấu của địch để bảo vệ các tàu trong cảng và
trong các cuộc đột kích” – nguồn tin trên nói thêm.

Việc huấn luyện cho cá heo được Liên Xô bắt đầu tiến hành từ năm 1965, đến
năm 1973, việc huấn luyện này được triển khai ở Sevastopol. Chúng được huấn
luyện để dò tìm các thiết bị quân sự như thủy lôi cũng như tấn công các lái tàu
và thậm chí còn mang cả thuốc nổ trên đầu để thả vào tàu của kẻ địch.

Sau khi Liên Xô tan rã, bộ phận Hạm đội Biển đen được chia tách làm hai, một
phần về Ukraina và một phần về hạm đội của Nga. Bộ phận huấn luyện cá heo và các
chuyên gia được chuyển về Ukraina.

Nhóm cá heo này sau đó được sử dụng cho các nhiệm vụ dân sự chẳng hạn như
giúp các trẻ em khuyết tật.

Các loại cá heo trong đội chiến đấu này chủ yếu sinh sống ở biển Đen. Sau đó,
trung tâm đã nhận thêm các loại cá heo ở biển Trắng, thuộc vùng biển Arctic và
vùng Viễn Đông của Nga.

Các con cá heo được tập huấn tại Sevastopol thời Liên Xô

Hiện chưa có thông tin nào về việc liệu cá heo có được huấn luyện để giết
người hay không, nhưng các thông tin đề cho rằng trước đó từng có các nỗ lực sử
dụng cá heo vì các mục đích xấu. Tuy nhiên, việc này đã thất bại vì cá heo không
thể tấn công con người cũng như chúng không sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình.

 Theo một số nguồn tin từ Liên Xô cũ, từng có một số loài khác cũng tham
gia vào việc tập huấn, chẳng hạn như hải cẩu, sư tử biển và cá kình để thực hiện
các nhiệm vụ tương tự.

Trong lịch sử, động vật từng được sử dụng trong chiến tranh của con người
dưới nhiều hình thức khác nhau, tính cả từ thời cổ đại. Tuy nhiên, Nga là quốc
gia đầu tiên sử dụng động vật biển có vú để tham gia chiến đấu.

Năm 1915, huấn luyện viên đặc biệt nổi tiếng của Nga là Vladimir Durov đã đề
nghị Bộ Tham mưu của hải quân huấn luyện sư tử biển.

Thiết bị được gắn vào cá heo để thực hiện nhiệm vụ

Kế hoạch này của Durov không bao giờ thành công, đến năm 1917, hai mươi con
vật do ông huấn luyện đều bị đầu độc chết. Sau đó, các dữ liệu về vụ việc đã bị
hủy hết.

Năm mươi năm sau, Liên Xô đã thiết lập chương trình huấn luyện cho động vật
biển có vú tại cơ sở hải quân ở Sevastopol. Khoảng 80 trung tâm khoa học và các
phòng thí nghiệm phát triển đều tham gia chương trình này.

Các huấn luyện viên động vật cho chương trình quân sự của Liên Xô là những
người đầu tiên trên thế giới đưa các động vật biển có vú vào vùng chiến đấu.

Đến năm 1991, trên 100 con động vật đã tham gia vào chương trình này – trong
đó có cá heo, sư tử biển, hải cẩu và cá voi beluga. ‘Đội quân’ đặc biệt này có
thể phát hiện ra ngư lôi, đánh bom tàu ngầm và định vị các gián điệp.

Tại Mỹ, một chương trình dành cho cá heo chiến đấu cũng được thiết lập từ
những năm 1960. Hiện nay, chương trình này vẫn được thực hiện tại một cơ sở huấn
luyện ở San Diego, California.

Các thông tin cho biết có 75 cá heo đã tham gia vào cuộc chiến tranh Vùng
Vịnh lần 1 và lần 2, với nhiệm vụ dò ngư lôi ở vịnh Ba Tư. Mỹ luôn bác bỏ chương
trình này vì có nguồn tin nói rằng chương trình này huấn luyện cá heo giết người
và chuyển mìn tới tàu địch.

(vietnamnet.vn)