Tinh Hoa

Hành trình khám phá hang động lớn nhất thế giới

Trên con đường tiến vào lòng hang Sơn Đoòng, đoàn thám hiểm người Anh bị chặn bởi một bức tường đá vôi cao ngất, ước tính 60 mét. Tít trên cao, họ thấy những tia sáng rọi xuống, nhưng không biết phía bên kia bức tường đá có gì.

Hành trình khám phá hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới – kéo dài nhiều năm và những bức ảnh tuyệt đẹp về hang đã ra mắt thế giới. Cuối tháng này, hang Sơn Đoòng sẽ một lần nữa vang danh khi hãng NHK của Nhật trình chiếu bộ phim khoa học 3D đầu tiên về hang động này đến 60 nước.

Hang Sơn Đoòng thu hút sự chú ý và cả sự kinh ngạc của các nhà khoa học bởi bên trong hang có cả khu rừng nguyên sinh, sông ngầm dài nhất thế giới, và cho đến nay các nhà thám hiểm vẫn chưa biết được đâu là điểm tận cùng của hang.

Hang này là một phần của hệ thống khoảng 150 hang động, ẩn mình trong Công viên quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình. Nhiều hang trong hệ thống còn chưa được thám hiểm đến, chứa trong lòng nó những vẻ đẹp huyền bí.

Ánh sáng rọi xuống những khối đá trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: National Geographic.

Howard Limber trưởng đoàn một nhóm thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, kể rằng việc đến được Việt Nam cũng là cơ duyên. Sau khi xin phép, ông và vợ cùng đoàn thám hiểm được phép vào năm 1990 và từ đó họ bắt đầu hành trình chinh phục các hang động kỳ bí.

Năm 2009, đoàn thám hiểm bắt đầu chinh phục Sơn Đoòng. Họ đã khám phá được hơn 4 km trong hang trước khi bị chặn lại bởi một bức tường bùn và đá vôi cao đến hơn 60 mét. Họ đặt tên cho nó là bức tường vĩ đại của Việt Nam. Phía trên cao, đoàn thám hiểm chỉ nhìn thấy một khoảng trống và ánh sáng nhưng không biết phía bên kia bức tường là gì.

Một năm sau, 7 nhà thám hiểm người Anh cùng một số nhà khoa học và một đoàn thợ bốc vác trở lại để trèo qua tường nếu có thể, đo đạc đường trong hang và đi tiếp, nếu có thể, tới cuối hang. Họ tới vị trí của bức tường đá vôi nói trên thì chứng kiến cảnh gần đó có một đống lớn đá vôi vỡ, có lẽ từ trên trần cao đổ xuống.

Mark Jenkins, một thành viên đoàn thám hiểm, kể trên NatGeo: “Đường đi trước mắt tôi xuất hiện một đống đổ nát khổng lồ, những hòn đá to bằng cả tòa nhà đã lao từ trên trần xuống nền hang. Tôi ngửa cổ xem song khoảng không rộng lớn của hang nuốt chửng ánh sáng le lói từ đèn pin trên đầu tôi, như thể tôi đang nhìn vào bầu trời đêm không sao vậy. Người ta bảo tôi đang đứng ở chỗ đủ không gian cho một chiếc Boeing 747 song tôi chẳng có cách nào dám chắc được. Bóng tôi vây quanh tôi như thể đầu tôi bị trùm bởi túi ngủ vậy.

“Một vệt sáng lớn tràn vào trong hang giống như thác nước. Ánh sáng lọt qua lỗ hổng trên trần rộng ít nhất 90 mét”, Jenkins kể tiếp. “Ánh sáng – len vào sâu bên trong hang – làm lộ rõ độ khổng lồ của hang Sơn Đoòng. Đường trong hang có lẽ rộng tới 90 mét, trần cao gần 250 mét: không gian đủ để chứa một tòa cao ốc cao 40 tầng giống như ở New York. Gần trần hang còn có cả những làn mây nhẹ”.

 
 

Qua chuyến thám hiểm sau này, với dụng cụ đo đạc bằng laser chính xác, các nhà thám hiểm cho biết hang Sơn Đoòng rộng 200m, cao trên 150 m, chiều dài ít nhất 6,5 km. Trong lòng hang có nơi cao đến 250 m.

Hiệp hội hang động hoàng gia Anh đã công nhận và công bố Sơn Đoòng là hang động tự nhiên có vòm động rộng lớn nhất, giành danh hiệu này từ một hang động của Malaysia.

Tuy nhiên, đoàn thám hiểm sẽ không tìm thấy miệng hang nếu như không được sự giúp đỡ của người địa phương. Ông Limbert kể: “Ông Khanh đã làm việc với chúng tôi ngay từ ban đầu. Sẽ không thể tìm được gì nếu không có ông ấy”.

Hồ Khanh viết trên Nat Geo: “Tôi sống ở trong ngôi làng gần hang. Cha tôi Khanh bị chết trong chiến tranh khiến cho tôi từ khi còn nhỏ đã phải tự tìm cách mưu sinh trong rừng già. Trong nhiều năm tôi đã đi săn khắp vùng biên giới Việt-Lào, trú ẩn trong các hang động tránh mưa giông hoặc trốn những trận mưa bom”.

“Phải ba lần thám hiểm tôi mới tìm được Hang Sơn Đoòng này. Ông Khanh tìm thấy cửa động từ lúc còn trẻ nhưng đã quên không biết nó ở đâu. Ông ấy mới tìm lại nó năm 2009 và thông báo cho chúng tôi”, Limbert cho biết.

Chuyên gia Howard Limbert nói: “Chúng tôi có 13 chuyến đi trong 20 năm hợp tác với Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội (bây giờ) và mới chỉ khám phá hơn 100 km hang động được tìm thấy. Đó chỉ là phần nhỏ trong khối núi đá vôi đồ sộ này, cũng như diện tích chúng tôi đặt chân đến chỉ là rất nhỏ so với toàn bộ khối núi. Tiềm năng hang động ở đây vô cùng to lớn. Với tốc độ khám phá như hiện nay, chúng ta sẽ mãi không thể biết hết các hang động ở đây”.

Hương Thu – vnexpress