Tinh Hoa

Philippines gỡ bỏ các cột trụ của TQ ở vùng tranh chấp

Philippines hôm nay (15/6) cho hay, hải quân nước này đã gỡ bỏ những cột trụ “nước ngoài” lắp đặt tại ba bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.


Việc tháo dỡ các cột trụ gỗ diễn ra trong tháng 5, chỉ ngay trước lúc chính phủ Philippines chính thức phản đối các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc ở vùng biển chủ quyền Philippines, phát ngôn viên hải quân Omar Tonsay nói.

Đó là các cột trụ nước ngoài vì không phải do quân đội hay chính phủ của chúng tôi dựng nên. Nên chúng tôi gỡ bỏ chúng vì đó là một phần lãnh thổ Philippines”, ông Tonsay nhấn mạnh.

Ảnh do Bộ Ngoại giao Philippines cung cấp về việc một tàu hải giám Trung Quốc bị phát hiện ở gần Reed Bank

Chính phủ Philippines gần đây đã cáo buộc Trung Quốc dựng cột trụ, thả phao ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Tonsay nói rằng, hải quân không thể xác định ai dựng nên các cột gỗ bị gỡ bỏ trong tháng 5. Các cột trụ này đã được dựng ở Boxall Reef thuộc quần đảo Trường Sa và ở gần Amy Douglas Bank, Reed Bank. Tất cả đều ở khu vực mà cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực này trong thời gian gần đây. Cả Philippines và Việt Nam đều cáo buộc Trung Quốc trở nên gây hấn hơn trong việc tuyên bố chủ quyền trong vùng biển. Trong tháng này, Philippines đã lên án Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và ổn định tại châu Á bằng cách điều động các tàu hải quân tới gần Reed Bank để hăm dọa những bên tuyên bố chủ quyền khác, đồng thời lắp đặt cột trụ và thả phao ở vùng lân cận.

Philippines cũng không ngừng phản đối Trung Quốc về các vụ việc xảy ra từ tháng 2 – tháng 5, cáo buộc hải quân Trung Quốc bắn vào ngư dân của họ, quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí Philippines.

Vì sao phải tranh chấp khi tuân thủ luật pháp quốc tế

Hôm qua (14/6), Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, nước ông cần sự giúp đỡ từ đồng minh lâu dài là Mỹ trong chuyện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói: “Có lẽ, sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế“.

Trong khi đó, phát biểu nhân khởi động Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREP) của Bộ Năng lượng Philippines, Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas đã khẳng định rằng, Mỹ đảm bảo ủng hộ Philippines “trong mọi vấn đề” kể cả các vấn đề về Biển Đông. Ông khẳng định: “Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề. Mỹ và Philippines là những đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông”.

Ông Aquino tỏ ý vui mừng với phát biểu của ông Thomas. Tổng thống Philippines cũng khẳng định việc nước này có quyền tìm kiếm dầu khí trong phạm vi lãnh thổ của họ. Ông viện dẫn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

UNCLOS quy định: “Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế… Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do hàng hải và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm… nhưng phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển”.

Recto Bank cách Palawan 80 hải lý và cách Trung Quốc 576 hải lý. “Vì thế, con số 576 rõ ràng lớn hơn nhiều 200. Vậy tại sao phải có tranh chấp nếu chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Aquino nói. “Họ là một siêu cường, dân số của họ gấp 10 lần dân số chúng tôi, chúng tôi không muốn đối đầu xảy ra. Và có lẽ sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế“.