Tinh Hoa

Trung Quốc lần đầu công bố tình tiết hình sự liên quan đến Bạc Hy Lai

Một báo cáo chính thức của tư pháp Trung Quốc ngày 19/9 lần đầu tiên ám chỉ đến ông Bạc Hy Lai bị cáo giác có dính líu đến hành vi phạm tội cố ý giết người của vợ ông, bà Cốc Khai Lai trong vụ doanh nhân người Anh Neil Heywood bị sát hại.

Vương Lập Quân (phải) và Bạc Hy Lai từng là cặp bài trùng ở Trùng Khánh.

Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nhân vật trung tâm của vụ bê bối chính trị lớn ở Trung Quốc, từ khi bị loại khỏi chính trường hồi tháng 3 vẫn bị quản thúc trong một nơi bí mật. Các thông tin liên quan đến vụ việc này đến giờ chỉ cho biết, ông Bạc bị tố cáo vi phạm kỷ luật đảng nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Vợ ông, bà Cốc Khai Lai bị đưa ra xét xử với tội danh cố y giết người trong vụ án sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood và đã bị kết án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án. Từ đó đến nay, chưa một lần tên ông Bạc Hy Lai được nhắc đến trong vụ án nói trên. Tuy nhiên báo cáo về phiên tòa xét xử cựu giám đốc công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân, vừa kết thúc hôm 18/9, đã đưa ra những chi tiết mới được cho là có liên quan đến ông Bạc Hy Lai.

 

Một ngày sau khi phiên tòa xét xử Vương Lập Quân về tội đào nhiệm, lạm dụng quyền lực, tham nhũng, và các tội danh khác, Tân Hoa Xã đã đưa một loạt thông tin về nội dung phiên tòa.

 

Theo đó, tại một cuộc gặp vào tháng 1/2012, ông Vương đã thông báo cho “người chịu trách nhiệm chính” của đảng Cộng sản ở Trùng Khánh (ám chỉ ông Bạc Hy Lai, do thời điểm đó ông là bí thư thành ủy) về vai trò của bà Cốc trong vụ sát hại doanh nhân Anh Heywood 2 tháng trước.

 

Ngày hôm sau, Vương bị vị lãnh đạo này “xỉ vả nặng nề và tát”. Trong vòng vài giờ, ông đã cho cấp dưới canh giữ bằng chứng quan trọng liên quan đến bà Cốc.

 

Vài ngày sau Vương Lập Quân chạy tới lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vì “cảm thấy bị trong tình thế nguy hiểm”, Tân Hoa xã cho biết, song không nói rõ ông Vương cụ thể lo sợ gì.

 

Ông Vương đã “trò chuyện qua loa với nhân viên lãnh sự Mỹ về bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học, công nghệ và các vấn đề khác”, Tân Hoa xã cho hay và “yêu cầu người Mỹ cung cấp tị nạn, rồi viết đơn xin tị nạn”. Ông Vương nói với họ “tính mạng cá nhân ông bị đe dọa do đang điều tra một vụ án”.
 

 
Hình ảnh trên kênh truyền hình CCTV cho thấy ông Vương Lập Quân tại tòa ngày 18/9

Tuy nhiên ông Vương cuối cùng đã rời lãnh sự quán Mỹ và bị các quan chức Trung Quốc đưa đi. Ông không được thấy xuất hiện trước công chúng kể từ đó, cho tới khi kênh truyền hình CCTV cung cấp hình ảnh ông xuất hiện tại tòa vào ngày thứ ba vừa qua.

 

Mặc dù Tân Hoa Xã không nhắc trực tiếp đến tên ông Bạc Hy Lai, nhưng đây là lần đầu tiên truyền thông chính thức của Trung Quốc ám chỉ ông có liên quan đến vụ sát hại doanh nhân Anh Heywood. 

 

Thông tấn xã chính thức của Trung Quốc cũng trích dẫn lại từ báo cáo phiên xử Vương Lập Quân về những vụ tham nhũng có liên quan đến Bạc Hy Lai. Theo đó một doanh nhân giàu có trong lĩnh vực sản xuất nhựa và bất động sản có quen biết với ông Bạc từ 20 năm qua đã tặng cho một người thân của ông Vương Lập Quân hai căn nhà có trị giá gần 400 nghìn đô la. Đổi lại, ông Vương phải giúp thả ba cộng sự của doanh nhân này đang bị bắt giam tại Trung Khánh. Doanh nhân này đã bị bắt giữ ngay sau hôm có thông báo ông Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi các chức vụ đảng.

 

Trong phiên toà xét xử Vương Lập Quân, hai tội danh tham nhũng và đào nhiệm được cho là có liên quan đến bí mật quốc gia đã được xử kín hôm 17/8/2012. Tuy nhiên chỉ sau khi kết thúc phiên tòa một hôm, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc đã cho đăng tải thêm các chi tiết bí mật cho thấy ông Bạc Hy Lai có dính líu đến phạm tội hình sự.

 

Rất có thể đây là một động thái dọn đường dư luận để chuẩn bị cáo buộc và truy cứu trách nhiệm hình sự Bạc Hy Lai. Như vậy, vụ bê bối chính trị Bạc Hy Lai khó có thể khép lại ở đây.

 

Vũ Quý

Theo AFP, Xinhua