Jin Baisong, cố vấn cấp cao tại Học viện Thương mại quốc tế Trung Quốc – một nhánh của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết nước này có thể dùng quyền chủ nợ lớn nhất (230 tỷ USD trái phiếu) để “áp đặt trừng phạt lên Nhật Bản theo cách hiệu quả nhất”, đẩy khủng hoảng tài chính nước này lên đỉnh điểm.
Theo bài viết của Jin trên China Daily – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này có thể dùng quy định “an ninh quốc gia đặc biệt” của Tổ chức Thương mại thế giới WTO để trừng phạt Nhật Bản. Ông cũng bác bỏ các nhận định rằng chiến tranh thương mại sẽ chỉ khiến cả hai quốc gia bị ảnh hưởng.
Jin Baisong khuyên Trung Quốc trừng phạt kinh tế Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg |
Tạp chí Hong Kong Economic Journal đưa tin Trung Quốc đang phác thảo các kế hoạch cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản. Đây là nguyên liệu rất cần thiết cho các ngành công nghệ cao nước này.
Làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản vì tranh chấp biển đảo đã lan rộng ra 85 tỉnh thành của Trung Quốc, buộc nhiều công ty Nhật đóng cửa và tạm dừng hoạt động. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cảnh báo sẽ hạ xếp hạng hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản nếu tình hình này vẫn tiếp tục. Fitch cho biết Nissan đang gặp rủi ro lớn nhất khi doanh số ôtô tại Trung Quốc đã giảm 26%, theo sau là Honda với 20%. Cả Sharp và Panasonic cũng trong tình trạng tương tự.
Jin cho rằng Trung Quốc có thể hy sinh việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng thấp cho Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản thì lại phải dựa phần lớn vào Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ông nói: “Rõ ràng là Trung Quốc có thể tấn công kinh tế Nhật Bản mà không làm ảnh hưởng quá lớn đến bản thân”.
Các nhà ngoại giao cho rằng phong trào biểu tình chống Nhật sẽ là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc. Ông Christian Le Miere từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nhận định: “Việc này rất khó kiểm soát vì chủ nghĩa dân tộc có thể phản tác dụng với chính phủ”.
Thị trường vũ khí châu Á đã bắt đầu phản ứng với diễn biến mới của hai cường quốc này. Cổ phiếu của công ty North Navigation Control Technology (Trung Quốc), chuyên sản xuất hệ thống tên lửa, đã tăng tới 30% những ngày vừa qua.
Trung Quốc đã tự sản xuất vũ khí trong nhiều năm qua. 6 năm trước, nước này cũng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trái lại, chi phí quân sự của Nhật Bản lại giảm 4% trong thập kỷ qua. Vì vậy, họ đang phải kêu gọi hành động khẩn cấp để tái thiết lực lượng quân đội.
Hà Thu (theo Telegraph)
(vnexpress.net)