– Sau khi trò lừa đảo “nhặt được iPhone 4, không biết dùng nên bán rẻ” xuất hiện hồi đầu tháng 8 tại TP.HCM, mánh khoé này đã ngấm ngầm lan rộng ra các tỉnh phía bắc và Hà Nội. Có rất nhiều người hám rẻ và nhẹ dạ đã trở thành nạn nhân của trò lừa này.
Việc một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu các sản phẩm điện thoại nhái iPhone 4 và 4S để bán tại Việt Nam đã gián tiếp tiếp tay cho kẻ gian có phương tiện lừa đảo rất hiệu quả. |
Kịch bản phổ biến của trò lừa này là nhằm vào những người nhẹ dạ và ham của rẻ, ít có kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm điện thoại cao cấp như iPhone. Kẻ lừa đảo thường vào vai người lao động như buôn đồng nát, bán vé số, bông tăm, kẹo cao su hoặc công nhân, dọn nhà giúp việc… ở quê ra thành phố, tình cờ nhặt được chiếc điện thoại xịn (iPhone 4 hoặc 4S) nhưng không biết cách tắt máy, nhưng thực chất là hàng iPhone nhái của Trung Quốc, giá chỉ vài trăm ngàn đồng.
Nạn nhân được chọn để lừa thường là người chưa quen thuộc với các dòng điện thoại đắt tiền như iPhone, có thể là khách uống cafe, người bán hàng, người có tuổi… Kẻ lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân bằng cách nhờ tắt giúp nguồn vì máy cứ đổ chuông liên tục, hoặc nhờ định giá chiếc điện thoại này vì vừa nhặt được, gia đình nghèo lại đang có người ốm nên muốn bán khoảng 1-2 triệu để có chút tiền trang trải thuốc men…
Do bị lừa bởi vẻ nhà quê, thật thà chất phác cùng hoàn cảnh kể lể khó khăn của các “nữ quái lừa” này, nhiều người cả tin đã mất oan hàng triệu đồng. Kẻ lừa đảo ra vẻ lấm lét sợ sệt, dấm dúi đưa iPhone 4 cho nạn nhân xem qua rồi cầm lại ngay vì “sợ bị người mất máy tìm thấy, đòi lại mất”.
Chiếc iPhone 4S rởm còn được cố tình làm trầy xước trông cho giống hàng thật đã qua sử dụng. |
Nạn nhân do thiếu hiểu biết nên dễ tin là điện thoại iPhone 4 thật, nghĩ mình gặp may vì mua được chiếc điện thoại xịn với giá rẻ nên cũng muốn mua nhanh bán nhanh, chẳng kịp kiểm tra kỹ, có khi còn cho thêm kẻ lừa đảo một đôi trăm ngàn vì thương hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau khi kẻ lừa đảo đã biến mất, nạn nhân khi xem kỹ máy hoặc nhờ người khác kiểm tra mới biết mình bị lừa.
Sau khi xuất hiện ở TP.HCM, Tây Ninh và các tỉnh lân cận hồi đầu tháng 8, trò lừa này đã nhanh chóng lan ra cả miền Trung và xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc như ở Phủ Lý (Hà Nam), Sóc Sơn hay ở cả các quận trung tâm Thủ Đô. Có trường hợp kẻ lừa bán iPhone rởm còn chọn vị trí ở cột ATM, nạn nhân sẵn tài khoản còn tiền và hám rẻ nên rút ra mua luôn.
Xuất hiện nhiều vì dễ lừa, khó bắt
Kẻ lừa đảo cũng thường chọn những phố, ngõ vắng người để dễ “diễn kịch”. Mới đây nhất, lúc 12h trưa 18/9, chị H, nhân viên quán Pi-Cafe trong ngõ 34A Trần Phú cũng được một “chị buôn đồng nát” lạ mặt đạp xe đến thập thò bắt chuyện hỏi han, rồi gạ bán chiếc điện thoại iPhone 4S nhặt được của người đi đường đánh rơi.
Thấy chị H. có vẻ cắn câu, “ả buôn đồng nát” chốt giá thêm bằng kịch bản “ban nãy chị vừa nhờ một cậu ở cửa hàng điện thoại tháo hộ sim ra rồi. Họ trả chị 2,2 triệu nhưng chị chưa muốn bán vì nghĩ cái điện thoại này đắt tiền hơn nhiều”.
Trong lúc đang “chốt giá” 2,5 triệu cho chiếc iPhone 4S và chị H. loay hoay tìm cách xoay món tiền gần bằng cả tháng lương để mua vì nghĩ gặp được món hời, rất may chị chủ quán về đến nơi. Sau khi cầm xem thử thấy nhẹ hơn so với những chiếc iPhone 4 khác, chị chủ liền gọi điện cho chồng để tham khảo và được trả lời rằng chắc chắn là trò lừa đảo. Ngay khi vừa thấy chị chủ quán gọi điện, biết khó lừa nổi, ả “buôn đồng nát” xin cầm lại máy rồi lấy xe đạp đi thẳng.
Trong trường hợp người được mời mua biết chắc là máy iPhone rởm thì cũng chỉ có thể từ chối không mua hoặc cảnh cáo vài câu, vì kẻ lừa đảo vào vai người lao động thật thà, tình cờ nhặt được điện thoại iPhone nên không biết hàng thật hàng nhái thế nào, nếu người xem muốn mua thì họ bán. Kể cả nếu nạn nhân báo công an thì cũng chỉ tịch thu máy điện thoại là đồ nhặt được chứ chưa đủ cơ sở để bắt giữ thủ phạm, trừ trường hợp theo dõi và ghi lại được đầy đủ quá trình lừa đảo (chẳng hạn như bán được chiếc này xong lại rút ra chiếc khác đi bán tiếp).
Chân dung một “nữ quái lừa” trong vai đi bán bông tăm ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), đã bán cho nạn nhân là người rút tiền ở cột ATM một chiếc iPhone 4 hàng nhái với giá 2 triệu đồng. (Ảnh: P.H.K-VNE). |
Chiêu trò lừa đảo này thực ra chỉ là “bình mới, rượu cũ”, còn việc sử dụng điện thoại iPhone 4 để đánh vào tâm lý hám rẻ thì từ lâu cũng đã có những trò lừa tương tự, chẳng hạn như nhặt được dây chuyền vàng, nhẫn vàng, đồng hồ Rolex… ngoài đường, rồi gạ người đi đường mua lại.
Phổ biến hơn cả là trò lừa bán kính râm xịn ở Hà Nội và các vùng lân cận, thường là một gã bặm trợn đi bộ hoặc dắt xe đạp tay cầm kính râm kiểu đắt tiền như Rayban, kính Kơn (kính Mỹ), mời mua kính xịn đang dùng, vì cần tiền nên bán rẻ nhưng thực chất chỉ là hàng nhái. Kể cả người mua biết không phải hàng xịn, trả bừa 50-100 ngàn cho qua chuyện thì vẫn bị hớ, vì theo các dân buôn kính, loại kính nhái này bán theo… cân, giá thành mỗi chiếc chỉ vào khoảng 10-20 ngàn đồng.
Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an khuyến cáo:
Người tiêu dùng cần phải cảnh giác với các thủ đoạn lừa bán iPhone rộ lên thời gian qua. Trên địa bàn TPHCM, Tây Ninh…, gần đây xuất hiện một số đối tượng lừa đảo với chiêu thức tinh vi, nhiều người đã bị chúng cho sập bẫy với thủ đoạn lừa bán iPhone xịn giá rẻ. Theo cơ quan công an, các đối tượng này (chủ yếu là phụ nữ, giả bán vé số, ở quê đến TP…) tìm cách tiếp cận người đi đường, khách uống cà phê…, đưa ra một chiếc iPhone rồi bảo rằng vừa nhặt được và nhờ tắt nguồn. Sau đó, họ bảo không biết sử dụng và ngỏ ý muốn bán với giá chỉ 1,5-3 triệu đồng. Nhiều người tưởng thật, cho rằng mình gặp may liền móc tiền trả để lấy “iPhone”. Sau khi mua về, máy luôn gặp trục trặc, mang tới tiệm kiểm tra thì họ mới phát hiện đó là iPhone Trung Quốc hoặc tân trang, giá chỉ bằng phân nửa số tiền họ đã bỏ ra. Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết sau khi mua “iPhone”, nhiều người còn cho thêm người “nhặt được của rơi” vài trăm ngàn đồng. Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo này, người dân nên cảnh giác khi mua bán ngoài đường, nơi công cộng, nhất là đừng ham cái bẫy giá rẻ mà bọn lừa đảo giăng ra. (Theo Chánh Trung – NLĐ) |
(vietnamnet.vn)