Hơn 150.000 người biểu tình tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để phản đối các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu mà chính phủ ban hành theo điều kiện của gói cứu trợ tài chính.
Tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), 100.000 công chức nhà nước đã tiến hành phong tỏa quảng trưởng Plaza de Colon và các tuyến đường gần đó. Nhiều người biểu tình, trong đó có giáo viên, y tá, nhân viên cứu hỏa, từ khắp Tây Ban Nha đã tập trung về Madrid để tham giam biểu tình theo lời kêu gọi của công đoàn và các tổ chức xã hội khác
Biểu tình lớn còn diễn ra tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) và nhiều thành phố khác của quốc gia với sự tham gia của hơn 50.000 người. Tại Lisbon, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với lực lượng an ninh bên ngoài trụ sở quốc hội. Người biểu tình còn ném cà chua vào văn phòng của Quỹ tiền tệ quốc tế và xô xát với các nhân viên công vụ. Có tin cho biết, một người đã tìm cách tự sát những đã được cứu sống.
“Họ đang nhấn chìm đất nước”
Mặc dù chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nói rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ giúp kinh tế phục hồi song làn sóng phản đối vẫn diễn ra rầm rộ.
Một người biểu tình cho biết lương của anh ta giảm đến 30%, Bên cạnh đó, việc cắt giảm quá tay đối với dịch vụ y tế là hành động thảm họa. Một người khác nói: “tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ công việc của mình”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos nói: “sự hy sinh này là tuyệt đối không thể tránh khỏi nếu nhìn thẳng vào những khó khăn kinh tế mà chúng ta đang trải qua. Chúng ta đang đặt nền tảng cho sự phục hồi”.
Trước đó, hồi tháng Bảy, Madrid thông báo kế hoạch giảm lương và tăng thuế lên tới 60 tỷ euro (80 tỷ USD), theo thỏa thuận với các nhà lãnh đạo khu vực eurozone để nhận được gói cứu trợ tài chính dành cho khối ngân hàng.
Madrid cũng chấp nhận một khoản vay khác lên tới 100 tỷ euro và dự kiến sẽ thông báo
thêm một loạt các biện pháp cải cách kinh tế mới vào cuối tháng Chín.
Đối với Bồ Đào Nha, quốc gia này đã được nhận khoản vay trị giá 78 tỷ euro, đổi lại phải tiến hành một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, người làm công phải chi trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ an sinh xã hội.
Tuy nhiên, dư luận chỉ trích các biện pháp cắt giảm chủ yếu đánh vào tầng lớp lao động chứ không ảnh hưởng nhiều đến những người giàu có./.
Cẩm Thi
Theo Reuters, BBC