Diễn viên Nguyễn Chánh Tín muốn phóng viên ghi lại chính xác ý kiến của ông như trên khi được hỏi về ảnh hưởng của những bộ phim siêu nhảm tới làng điện ảnh Việt.
Ở một nền điện ảnh mà mỗi năm chỉ sản xuất được hơn chục phim để trình chiếu thương mại, thì việc có thêm một phim nhảm bị dư luận chê trách như “Nàng men chàng bóng” là một cú sốc. Khoan nói chuyện các nhà làm phim có nỗ lực hơn hay không từ sau thất bại mới nhất của đồng nghiệp, chỉ tính trước mắt, doanh thu phòng vé của bộ phim trở nên bấp bênh hơn nhiều trong bối cảnh phim Hollywood, phim Hàn và phim Trung Quốc khuynh đảo thị trường.
Nam diễn viên “Ván bài lật ngửa” Nguyễn Chánh Tín nay chuyển vào hậu trường làm công việc đạo diễn, biên kịch và sản xuất phim.
Điều này có nghĩa các nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn khi bỏ tiền sản xuất phim Việt, làm mất đi nhiều cơ hội cho các nhà làm phim. Từng vấn đề riêng của mỗi dòng phim Việt đang bộc lộ hơn bao giờ hết. Nếu phim hài nhảm kiểu “Nàng men chàng bóng” dễ “chết” vì bị lên án, thì những đại diện của dòng phim lịch sử như “Khát vọng Thăng Long”, “Thiên mệnh anh hùng” lại không tìm thấy lối ra do chi phí đầu tư tốn kém vượt khả năng thu hồi vốn và có lãi. Trong khi dòng phim kinh dị như “Bẫy cấp ba”, dù chi phí thấp và dễ có khách, thì lại gặp khó khăn trong kiểm duyệt.
Chia sẻ những băn khoăn này với Nguyễn Chánh Tín, người đang mướt mồ hôi với cả ba vai trò biên kịch – đạo diễn và sản xuất bộ phim “Hiệp sĩ guốc vông” để kịp lịch công chiếu vào dịp giáng sinh và năm mới, ông nói:
“Phim nhảm có khi do góc nhìn của nhà sản xuất, họ nghĩ là ổn nhưng khi ra thị trường thì bị phản ứng. Chuyện này là bình thường trong kinh doanh. Chỉ có điều nếu đó là một phim Nhà nước thì cần xem lại vì đã xài tiền đóng thuế của người dân một cách vô ích”.
– Nhưng sản xuất phim trong bối cảnh phim Việt bị chê bai dữ dội như hiện nay có làm ông mất tự tin?
– Phim nhảm thì ai làm người nấy chịu. Chuyện sản xuất và làm phim ai cũng có quan niệm riêng, nên vụ việc vừa qua không ảnh hưởng gì tới tôi cả. Những phim tôi làm trước đây như “Chết lúc nửa đêm” hay “Dòng máu anh hùng” đều được khán giả đón nhận. Tôi nghĩ bộ phim sắp tới của tôi cũng không có gì để dư luận phải gọi là “thảm họa”.
Phim Việt cứ nhảm là…ăn khách?
– Nhiều nhà làm phim đang dùng hài nhảm như một công thức bảo đảm ăn khách cho bộ phim của mình. Xin được hỏi công thức của ông là thế nào?
– Công thức để làm phim ăn khách thì mỗi người một cách. Tôi cho rằng một phim đảm bảo được chất lượng nội dung và nghệ thuật là một phim có tính nhân văn, xây dựng, được thể hiện hấp dẫn bằng hình ảnh, nội dung hài hước hay hành động, thông qua cách sắp xếp, bố cục làm sao cho khán giả bị lôi kéo, bất ngờ, mà không bị chê là nhảm nhí.
– Không thể phủ nhận phần lớn phim hài nếu không quá nhảm nhí thì đều ăn khách. Ông có nghĩ khán giả sẽ chọn coi bộ phim hành động mà ông đang làm hay không?
– Phim của tôi vẫn có hài đấy chứ. Còn nếu nói khán giả chỉ chọn coi phim Việt thuộc thể loại hài hước thì cũng không đúng. Những phim chúng tôi từng làm như “Bẫy rồng”, “Dòng máu anh hùng”…đều đông khách cả. Bạn chỉ có thể nói phim hài thường ăn khách vào dịp Tết mà thôi. Hơn nữa, công chúng hiện nay có điều kiện xem các phim nước ngoài thuộc rất nhiều thể loại, thông qua rạp chiếu và các kênh truyền hình như HBO, StarMovies. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là khán giả luôn ủng hộ phim VN, các nhà phát hành cho biết như vậy khi họ nhìn qua doanh thu phòng vé.
– Trong bối cảnh các nhà phát hành thích nhập và chiếu phim ngoại hơn vì lãi lớn, ông có gặp khó khăn gì trong khâu phát hành cho bộ phim do ông sản xuất?
– Chính vì vậy mà chúng tôi hợp tác với một nhà phát hành lớn ngay từ khâu sản xuất.
Khải Trí thực hiện (vietnamnet.vn)