Tinh Hoa

Doanh nhân Hy Lạp đi… cọ toa-lét


Ảnh minh họa: Bloomberg

Xuất hiện trong một bài viết trên trang Bloomberg, anh Karachalios đã có quãng thời gian 17 năm làm công việc kinh doanh dược phẩm ở Hy Lạp, được công ty dành cho một chiếc ôtô và một tài khoản chi tiêu riêng. Giờ thì anh đang là một lao công dọn vệ sinh trường học ở Thụy Điển. Cuộc khủng hoảng nợ công đã đẩy anh xa xứ và lưu lạc tới đây.

“Công việc trước đây của tôi không tồi. Giờ thì tôi cọ toa-lét”, anh Karachalios, 40 tuổi, buồn bã nói.

Anh Karachalios rời bỏ quê hương, gửi lại đứa con gái nhỏ mới 6 tuổi cho cha mẹ già của anh nuôi dưỡng. Anh chỉ là một trong rất nhiều nghìn người Hy Lạp phải ra nước ngoài kiếm sống trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên mức cao kỷ lục 24% và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ đe dọa xói mòn tăng trưởng.

Tại Thụy Điển, quốc gia có nhiều việc làm và một nền kinh tế ổn định hơn, đã có 1.093 người Hy Lạp đến tìm việc làm trong năm 2011, cao gấp đôi so với năm 2010. Theo dự kiến, con số này còn tăng cao hơn nữa trong năm nay.

“Tôi đang cố gắng tìm cách để tồn tại. Cuộc sống ở Hy Lạp khó khăn quá. Tôi muốn ở lại nhưng chẳng có việc làm”, anh Karachalios nói.

Kinh tế Hy Lạp hiện đang bước sang năm suy thoái thứ ba liên tục. Theo dự báo, GDP nước này năm nay sẽ suy giảm 6,9%, bằng với mức suy giảm của năm ngoái. Từ năm 2008 đến nay, số người thất nghiệp ở Hy Lạp đã tăng gấp 3 lần lên mức cao kỷ lục 1,22 triệu người tính đến tháng 6 vừa rồi, trên dân số 10,8 triệu người.

Karachalios cho biết, anh đã sụt mất khoảng 10 kg từ khi chuyển đến Thụy Điển. Người đàn ông thường quen với những bộ vest lịch lãm này giờ đây mặc quần bò và đi ủng, đúng chất của một lao công.

Ở Hy Lạp, Karachalios hưởng lương 2.500-3.000 Euro (3.143-3.772 USD) sau thuế mỗi tháng. Còn ở Thụy Điển, anh được trả 80 Krona cho một giờ làm việc. Nếu làm 40 giờ một tuần, anh sẽ được nhận khoảng 1.907 USD/tháng.

Nói về những khó khăn mà Hy Lạp đang gặp phải, anh Karachalios cho rằng, Đức và Pháp đang tìm cách “siết” Hy Lạp về kinh tế để chiếm lấy các mỏ dầu của nước này ở vùng Aegean. Ngoài ra, anh cũng đổ lỗi cho tình trạng tham nhũng và trốn thuế đã gây ra thách thức cho đất nước.

Hiện có khoảng 1,4 triệu người nước ngoài ở Thụy Điển, tương đương với 15% dân số của nước này. Thụy Điển vẫn tự hào là một quốc gia cởi mở với người nhập cư, nhưng đảng phản đối người nhập cư của nước này đã nhận được 5,7% số phiếu bầu trong năm 2010, một tỷ lệ ủng hộ của cử tri cao kỷ lục.

Cho đến nay, các nhà chức trách châu Âu vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nào để đưa khối Eurozone thoát khỏi sự vây hãm của cuộc khủng hoảng nợ công. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tung một chương trình mua trái phiếu không giới hạn để hỗ trợ các quốc gia trong khối hạ lãi suất vay vốn trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình này còn phải chờ thời gian chứng minh.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ Financial Times, nhà đầu tư lừng lẫy George Soros kêu gọi Chính phủ Đức nắm vai trò đầu tàu đưa khu vực Eurozone ra khỏi suy thoái và khủng hoảng bằng cách thiết lập một cơ quan tài khóa chung và bảo lãnh cho trái phiếu chung của cả khối này.

Nếu Đức không làm được điều đó, thì theo ông Soros, Berlin tốt hơn hết nên rời khỏi liên minh tiền tệ này để cứu tương lai của châu Âu, bởi lập trường hiện nay của Đức như đòi các nước nhận viện trợ tài chính phải thắt chặt chi tiêu và chủ trương hạn chế lạm phát khiến việc giải quyết những thách thức của Eurozone trở nên khó khăn hơn.

“Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của nước Đức. Nếu họ nhất quyết đòi hỏi chính sách thắt lưng buộc bụng và giữ lập trường chống lạm phát hiện nay, thì mọi chuyện có lẽ sẽ tốt hơn trong dài hạn nếu Đức rời Eurozone”, ông Soros nói.

Phương Anh
Theo Bloomberg, Financial Times

(dantri.com.vn)