(Xây dựng) – Sau khi thoát khỏi cái chết giữa đại dương bao la và được chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Vừa qua, thuyền viên Nguyễn Văn Tuấn (1993) ở thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa), người duy nhất sống sót sau vụ chìm tàu TH-91278 TS xảy ra ngày 27/7 trên biển Cô Tô, Quảng Ninh đã trở về nhà trong niềm vui khôn xiết của người thân.
Nguyễn Văn Tuấn và người vợ trẻ. Tàu chìm trong sóng dữ Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ hướng ra biển, mấy ngày nay luôn tấp nập người thân, bạn bè và chính quyền các cấp đến thăm hỏi, động viên. Thuyền viên trẻ Nguyễn Văn Tuấn vẫn còn chưa hết bàng hoàng, kinh hãi khi thuật lại những giờ phút tuyệt vọng, cận kề cái chết giữa mù mịt biển trời với sóng dữ và mưa lớn. Theo lời kể của Tuấn, sáng ngày 27/7, trên vùng biển ngoài khơi đảo Cô Tô, do hoạt động của rãnh thấp gây mưa, thời tiết ngày càng xấu với mưa to và sóng bắt đầu lớn dần. Theo lệnh thuyền trưởng, tàu của Tuấn đang hoạt động khai thác tại đây đã quay mũi chạy vào đảo Cô Tô để trú ẩn, nhưng chạy được một lúc thì hỏng máy phải thả trôi, sau khi khắc phục, tàu tiếp tục nương sóng hướng mũi vào bờ. Lúc này mưa càng lớn, biển trời đen thẫm một màu với màn mưa xối xả cùng những con sóng mạnh ngầu bọt trắng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm đi biển lâu năm, mọi người vẫn yên tâm vì cho rằng sóng chưa đủ lớn để có thể nhấn chìm tàu nên tất cả đều chui vào ca bin cùng tránh mưa. Sau một đêm thức trắng để câu mực, Tuấn và các thuyền viên đã thấm mệt nên đều chìm sâu vào giấc ngủ. Đang ngủ, Tuấn bỗng nghe những tiếng động mạnh răng rắc cùng với cảm giác ngả nghiêng, chao đảo và ngay sau đó là lạnh do nước ngấm. Mở bừng cặp mắt cay xè vì nước biển, Tuấn hoảng hốt vùng dậy, biết tàu bị chìm vì sóng dữ, quan sát nhanh lối ra, Tuấn lao tới đạp cửa ca bin, thoát ra ngoài rồi trồi lên mặt nước. Hai mươi giờ vật lộn với sóng gió Lúc này, mưa vẫn rơi xối xả. Sau một lát vùng vẫy trong hoảng loạn, may mắn vớ được một chiếc can nhựa trên tàu đang nổi dập dềnh trên mặt nước, Tuấn bắt đầu tĩnh trí lại, quan sát xung quanh và mừng rơn khi thấy thuyền trưởng Đặng Văn Toanh cũng đang ôm can nhựa bơi phía trước. Hai chú cháu vớt được sợi dây thừng, buộc hai chiếc can lại với nhau, bơi mấy vòng quanh khu vực tàu chìm, vừa dõi mắt tìm vừa la hét, gọi tên các bạn nghề, hy vọng có người còn sống. Nhưng tất cả đã chìm sâu trong làn nước, trước mắt họ chỉ có biển trời đen kịt một màu với sóng, gió và mưa như trút nước. Sau hơn nửa ngày vật lộn trên biển, mệt lả và lạnh buốt do ngấm nước. Hai chú cháu đành ôm can nhựa, nằm ngửa mặt “thả trôi” theo hướng vào đảo, mắt mở to quan sát với hy vọng mong manh nhìn thấy một con tàu cứu nạn. Nhưng lúc này, thời tiết vẫn rất xấu, sóng lặng hơn nhưng mưa vẫn không ngớt, biển cả bao la và vắng ngắt, không một bóng tàu thuyền, chỉ có một vài cánh hải âu chao lượn trên sóng. Mặc dù mới lần đầu tiên đi biển, nhưng nhờ sức trẻ, Tuấn vẫn bền bỉ vật lộn với hy vọng còn sống trở về. Giữa sóng to gió lớn, hình ảnh người vợ trẻ với đứa con đầu lòng sắp chào đời luôn hiện lên trong tâm trí, thôi thúc Tuấn phải bằng mọi giá vượt qua cái chết. Cảm giác cô đơn, sợ hãi cùng thân thể rã rời vì mệt, vì đói khát và lạnh buốt càng đè nặng khi đêm xuống đã khiến hai chú cháu Tuấn cảm thấy tuyệt vọng, muốn buông xuôi. Nhưng với khát vọng sống để trở về, hai con người nhỏ bé cùng nương tựa vào nhau, huy động chút sức tàn, lực kiệt còn lại, nỗ lực vượt qua cái chết trong màn đêm đen kịt nơi biển khơi. Đáng tiếc, sau gần trọn đêm trôi nổi trên sóng dữ, thuyền trưởng Toanh, do gặp phải cú sốc quá nặng vì thương xót người bố của mình (ông Đặng Văn Oanh) cùng các bạn nghề chắc đã mất tích nơi biển cả, lại thêm nỗi đau vì toàn bộ gia tài, cơ nghiệp là con tàu với ngư lưới cụ trên một tỷ đồng (phần lớn vây ngân hàng) đã mất trắng, nên đã trở nên tuyệt vọng, luôn miệng khóc than thảm thiết, gọi tên bố và vợ con, mặc cho Tuấn cố gắng động viên, an ủi. Sáng hôm sau (28/8), tuy chỉ còn cách bờ đảo Cô Tô khoảng hai hải lý, nhưng hai chú cháu đã gần như cạn kiệt sức lực, Tuấn vẫn cố gắng bơi vừa kéo chú Toanh. Bơi được một lúc, vì quá mệt Tuấn đành buông xuôi, ôm chặt chiếc can nhựa, nổi dập dềnh trên mặt nước trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh. Đang chìm vào cảm giác mê man, như có linh tính mách bảo, Tuấn chợt bừng tỉnh thì chỉ thấy chiếc can nhựa nổi bên cạnh, chú Toanh đã không vượt qua được thử thách nghiệt ngã khi chỉ còn cách bờ chưa đầy một hải lý.
Những vết xây xát trên cơ thể sau hai mươi giờ lênh đênh trên nước. Sau ít phút vùng vẫy, la hét tìm gọi người bạn nghề xấu số, Tuấn lại chìm vào cơn mê man, rồi may mắn được lực lượng cứu hộ trên đảo Cô Tô phát hiện và cứu hộ kịp thời. Trở lại quê hương, trong ngôi nhà ấm cúng bên người vợ trẻ sắp sinh đứa con đầu lòng và những người thân. Bên cạnh niềm vui đoàn tụ, Tuấn vẫn canh cánh nỗi đau về các bạn nghề đã bỏ thân nơi biển cả. Nhắc đến thuyền trưởng Toanh, chàng ngư dân trẻ lại không nén được đau thương, nước mắt tuôn đầm đìa trên khuôn mặt sạm nắng. Được hỏi về tương lai, Tuấn thở dài “dân biển chúng em còn biết làm gì ngoài nghề khai thác, nhưng có lẽ em phải nghỉ một thời gian rồi mới tính”. Mặc dù Tuấn trả lời như vậy, nhưng chúng tôi biết, cũng như những ngư dân khác không chỉ riêng miền quê biển Hậu Lộc này – những đứa con của biển như Tuấn rồi sẽ nhanh chóng vượt qua đau thương, sợ hãi để rồi lại cưỡi sóng ra khơi, kiên cường bám biển. Đào Nguyên |
Theo Báo Xây Dựng