Hiện nay, có rất nhiều cụm từ có nghĩa một đằng nhưng lại ám chỉ vấn đề hoàn toàn khác trong máy tính. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc của một số khái niệm phổ biến để thấy rõ điều này nhé!
Booting hay Boot (Vượt lên, khởi động)
Thuật ngữ được dùng để miêu tả việc khởi động máy tính từ trạng thái nghỉ. Từ này có nguồn gốc từ thành ngữ To pull oneself up by the bootstrap, dùng để miêu tả nỗ lực của ai đó vượt lên chính mình. Cuối thế kỷ 19, “Booting” hay “Boot” còn được dùng để miêu tả nhiệm vụ bất khả thi.
Nhiều người tin rằng nguồn gốc xa hơn nữa của thuật ngữ “Boot” là trong cuốn sách Baron Munchhausen’s Narrative of his Marvellous Travels and Campaigns in Russia. Trên bìa của cuốn tiểu thuyết là hình ảnh một người tự nắm tóc của mình để kéo lên khỏi đầm lầy.
Bug (Con rệp, lỗi)
Trước thế kỷ 19, từ Bug trong tiếng Anh để chỉ con rệp. Vậy bạn có biết tại sao nó có thêm nghĩa là “lỗi” trong chuyên ngành kỹ thuật không?
Vào đầu năm 1946, một máy tính cơ bản mang tên Mark II Aiken Relay Calculator được chế tạo tại đại học Harvard. Nhưng đột nhiên thiết bị gặp trục trặc khi hoạt động. Cuối cùng người ta phát hiện nguyên nhân sự cố là do một con “bug” (bọ rệp) chui vào hệ thống. Kể từ đó, “bug” ra đời để ám chỉ những lỗi hay khuyết tật trong kỹ thuật. Trước đó, “bug” cũng được Thomas Edison sử dụng để miêu tả những khó khăn và lỗi trong phát minh của mình.
Fanboy (Fan cuồng)
Thời gian gần đây, người ta thường sử dụng từ “fanboy” hay “chủ nghĩa fanboy”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hoàn toàn về câu chuyện. Vậy nên việc sử dụng ngày càng phổ biến của “fanboy” đôi khi lại không phù hợp và chính xác.
Từ lóng “fanboy” được sử dụng lần đầu tiên cách đây cả thế kỷ. Vào năm 1919, người ta mượn thuật ngữ này để miêu tả những người yêu thích môn đấm bốc. Thời gian sau, những người yêu thích truyện tranh và tự hào về khả năng nhớ nhiều nhân vật cũng tự nhận mình là “fanboy”. Từ đấy, “fanboy” bắt đầu được sử dụng rộng rãi và đi vào từ điển chính thống.
Theo định nghĩa của từ điển Oxford thì “fanboy” ám chỉ người nam giới cực kỳ cuồng nhiệt truyện tranh, âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết khoa học… Dần dần, giang hồ dùng “fanboy” để nói đến những người chỉ biết hoặc chỉ muốn yêu thích một thể loại, ý tưởng, hình thức, loại sản phẩm hay công ty nào đó.
Hive (tổ ong, ám chỉ các khóa trong registry)
Chắc hẳn bạn từng nghe tới khái niệm Windows Registry (nơi mã hóa dưới dạng số những thiết lập, cài đặt và tùy chọn của Windows). Nó thật rắc rối và rất… khó hiểu. Vậy có liên quan gì giữa “hive” (tổ ong) và “registry”?
Theo chuyên gia phát triển Raymond Chan (nhân viên Microsoft) thì một lập trình viên tham gia phát triển Windows NT đặc biệt ghét ong. Người này chịu trách nhiệm về mảng xây dựng Registry và cảm thấy Registry rất lằng nhằng, phức tạp và cũng đáng ghét như… tổ ong. Anh ta liền đặt rất nhiều tên gọi như file của Registry được gọi là “hive”, dữ liệu được mã hóa trong các “cell” (các ô, vết trên tổ ong)…
Nerd (Người đam mê tin học)
“Nerd” thường được sử dụng để miêu tả những người lập dị, ít nói và rất đam mê công nghệ. Có nhiều giải thích về nguồn gốc của từ này. Ai đấy cho rằng “Nerd” xuất hiện đầu tiên trong cuốn sách If I Ran the Zoo (Nếu tôi điều hành sở thú này) với “nerd” là một trong những thành phần đầu tiên của sở thú.
Có giả thuyết khác cho rằng “nerd” được đọc chệch từ “knurd” (viết ngược của drunk – say rượu), để miêu tả những kẻ chỉ biết ngồi nhà và nghiện ngập.
Spam (Thịt giăm-bông hộp, thư rác)
“Spam” là thuật ngữ tin học rất phổ biến, nhất là với những ai thường xuyên sử dụng internet. Thậm chí nhiều hãng cung cấp mail còn để riêng một mục Spam để lọc những thư rác vào đó.
“Spam” xuất phát từ chương trình ăn uống Monty Python’s Flying Circus của đài BBC sản xuất năm 1969. Lấy bối cảnh sau chiến tranh thế giới thứ 2, chương trình miêu tả cảnh người đi ăn nhà hàng bị “chôn vùi” trong những hộp thịt giăm-bông được tặng. Và ngày nay, “spam” được dùng để chỉ việc phải nhận email không mong muốn (thư rác).
Wiki
Bạn hay tham khảo dữ liệu trên trang Wiki? Nếu vậy thì có thể bạn sẽ biết tới Ward Cunningham – nhà phát triển đầu tiên của WikiWikiWeb (trang wiki đầu tiên trên thế giới). Tên gọi trên được Cunningham đặt dựa trên chuyến hành trình tới Hawaii của mình trên con tàu Wiki-Wiki.
“Wiki-wiki” có nghĩa là “rất nhanh”. Và hiện nay, “wiki” được dùng để miêu tả những nền tảng mở trên internet, nơi mọi người có thể thay đổi nội dung mà không cần phải xin phép người quản trị.