Cách thành phố Hoà Bình tròn 100km giữa chốn rừng thiêng xóm Co Lai, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc có một mó nước kỳ lạ.
Mó nước này người địa phương gọi là Mó Hốc. Người dân địa phương kể rằng, hễ ai đi qua đứng nghiêm trang trước mó nước rồi gọi: “Ông ơi, tôi khát nước quá, cho tôi xin tý nước uống đi”…
Trong khi đọc phải giậm chân mạnh 3 lần xuống đất. Sau hai phút, nước từ trong mó chảy ra. Nước chảy khoảng nửa tiếng rồi thôi. Người xin nước phải uống nước ở đó rồi mới được đi. Nếu gọi mà không uống thì về nhà sẽ bị ốm. Đã bao đoàn nghiên cứu có cả chuyên gia Liên Xô trước đây cũng không thể giải thích được hiện tượng bí ẩn này. Thực hư chuyện này ra sao?
Nước “nuôi” bản
Ông Đinh Công Sơn, Trưởng bản Co Lai dẫn chúng tôi ra Mó Hốc. Đứng từ xa nhìn lại, Mó Hốc nằm dưới chân núi đá cao sừng sững, dựng vách thành thẳng đứng. Mó nằm cạnh đường. Trước đây ở khu núi đá này, rừng nghiến, rừng đinh cổ thụ mọc phủ kín cả lối đi.
Giờ đây trên đỉnh núi chỉ còn cây bụi rậm rạp. Phía trước mó nước cũng chỉ còn vài cây nhỏ. Lại gần mó nước này cũng giống như bao mó nước khác ở miền núi đá. Nước từ trong lòng núi rỉ ra mát lạnh. Trên một khoanh đất rộng trước mặt, nước chảy thành vũng, cỏ mọc tốt um tùm. Tiến lại gần cửa mó nước chỉ là những cái hang nhỏ to bằng cột nhà sàn, người không chui vừa. Xung quanh cũng có nhiều hang đá nhỏ đã được bào mòn. Điều này chứng tỏ nước từng phun ra rất nhiều lần ở đây.
Để chứng tỏ điều mình kể, ông Sơn bảo: Mùa này nước ra ít lắm. Phải sau đợt mưa lũ tới đến tháng 11 âm lịch hàng năm thì nước nhiều lắm. Rồi ông đứng trịnh trọng gọi nước. Một lúc sau nước từ từ chảy ra. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ uống. Đến đúng mùa vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch thì mỗi lần gọi, nước chảy ra ngập cả đường, xe máy đi qua còn khó. Nhưng chỉ sau 30 phút là cạn. Cùng đi với chúng tôi là ông Xa Văn Thanh. Mọi người gọi ông là già làng nhưng ông Thanh mới ngoài 50 tuổi.
Ông bảo, Mó Hốc có từ bao giờ chưa ai khẳng định được, chỉ biết rằng người Mường, người Tày định cư ở đây đã có rồi. Ngay cả đời cụ kị nhà ông Thanh cũng bảo thế. Cái mó nước đó lạ lắm, bất cứ một người dân nào khát nước đi qua, chỉ cần đọc câu thần chú “ông ơi, tôi khát nước quá, cho tôi xin tý nước đi”, trong lúc nói kết hợp với việc giậm chân mạnh xuống đất 3 lần. Cứ làm như thế 2 lần rồi đợi vài phút là nước từ trong núi đá cứ thế tuôn trào ra. Ai uống nước xong cũng cám ơn trời đã ban tặng rồi đi. Từ bao đời nay, con cháu người Mường luôn bảo ban nhau câu thần chú nhiệm mầu đó.
Lời thần chú nhiệm mầu
Vì sao mó nước đó lại hiểu tiếng người ngay cả già làng cũng từng nhiều lần thắc mắc, các cụ đều bảo đó là do Giàng ban tặng cho cư dân Mường nơi đây. Ngày xưa nơi này rừng già còn trải dài vô tận, cây cổ thụ vài người ôm mọc sát chân nhà sàn. Thú hoang nhiều vô kể, đêm đêm hổ báo còn vào gầm sàn bắt trộm trâu bò của bà con. Sống ở nơi miền rừng, nên người dân nơi đây rất biết ơn đại ngàn. Rừng cho cây để làm nhà, cho củi đun, rừng giữ đất giữ nước. Suối nguồn quanh năm tuôn chảy nên người Mường mới có câu “lợn bưng nước vác”.
Lời khẩn cầu của bà con người Mường khi đó như thấu đến tận nơi trời xanh. Đêm hôm đó, Giàng đã báo mộng cho già làng một việc rất lạ. Sáng ra già làng kể lại giấc mơ đêm qua cho bà con. Giàng không cho mưa mà chỉ già làng ra đứng trước cái mó nước ở đầu bản, cạnh đó có gốc cây đinh cổ thụ. Khi nào đi đến nơi chỉ cần đọc câu thần chú “ông ơi, tôi khát nước quá, cho tôi xin tý nước uống đi” và Giàng cũng không quên dặn lại là khi đọc thần chú phải giậm chân mạnh 3 lần xuống đất.
Ấy thế mà vào một năm nọ, suốt cả năm ông trời không cho mưa. Khắp mặt đất là một màu héo úa của cây cối. Suối cạn khô, trơ đá cuội. Trâu bò đói khát lăn ra chết hàng loạt. Người dân héo hon vì khát. Nếu tình trạng hạn hán mà kéo dài thêm một thời gian nữa, chắc không ai sống nổi. Khi đó bà con trong bản mới họp nhau lại tổ chức dâng lễ cầu khấn mong ông trời thương tình cho mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm…
Không biết có phải là giấc mơ bí ẩn đó dẫn đường, chỉ lối hay không, chứ khi đó bà con sắp chết khát cả nên già làng cùng bà con nhanh chóng đến đúng địa điểm có gốc cây đinh hương gốc to bằng cả gian nhà như Giàng bảo. Với một tấm lòng thành kính, già làng đọc đúng câu thần chú đó. Những giây phút nặng nề trôi qua, hàng trăm người dân chăm chú trông vào hốc đá nhỏ bằng cột nhà sàn dưới chân núi.
Lời của già làng vừa dứt, bỗng nhiên bà con nghe thấy tiếng nước chảy trong lòng núi. Nước di chuyển kêu ong óc như suối nguồn. Và chỉ lát sau nước từ trong núi đá cứ ào ào tuôn chảy ra như nước lũ. Nước từ trong lòng núi đá, qua các khe lỗ cứ tuôn chảy suốt như thế hàng canh giờ mới dừng. Hôm đó bà con được uống nước thỏa thích và vẫy vùng trong làn nước trong xanh, mát lạnh từ lòng đá chảy ra. Mó nước này được bà con đặt tên là Mó Hốc.
Từ hôm đó, hễ ai khát nước là lại ra Mó Hốc thành tâm cầu khấn là nước trong lòng núi lại tuôn ra. Nhờ có Mó Hốc mà bà con người Mường, người Tày nơi đây đã qua được cơn hạn hán. Suốt từ đó cho đến nay, trời đất đã trải qua bao lần biến chuyển, bao thế hệ người Mường sinh ra và lớn lên ở đất này đều được dạy bảo câu thần chú nhiệm mầu đó.
Cho đến tận ngày nay, Mó Hốc vẫn tiếp tục cho nước, nếu như người dân cần. “Câu chuyện về Giàng báo mộng không biết thật hư thế nào. Đến hôm nay, chúng tôi ra Mó Hốc gọi, nước vẫn cứ tuôn ra như suối ngàn… Đây quả là một điều lạ lẫm với bất kì một ai khi đến đất này”.
Rùa thiêng ngự trị?
Anh Châu, người lái máy xúc của đơn vị thi công đường vào bản Nghê đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm đó, anh Châu có nhiệm vụ múc chân đường cũ đi để đổ đá và cát vào lu đường. Khi anh đưa máy tới trước Mó Hốc, bỗng nhiên anh thấy nước ở trong lòng núi đá cứ phun ra ầm ầm ngập ngang cả máy xúc.
Sợ quá, anh bỏ máy đó chạy thục mạng. Khi tới bản Nghê, anh mới dám dừng lại. Gặp già làng, anh mới hiểu do máy nổ mạnh nên đập vào vách núi khiến Mó Hốc lại phun trào. Hôm đó, anh Châu phải sửa một cái lễ nhờ già làng ra cúng. Mặc dù đã lễ tạ thần núi nhưng đơn vị của anh Châu phải vất vả lắm mới làm xong đoạn đường qua Mó Hốc. Suốt những ngày làm tại đó, Mó Hốc liên tục phun nước ra khiến đoạn đường thường xuyên ngập nước.
Những năm trước chuyên gia Liên Xô thi công Thủy điện Hòa Bình. Nghe địa phương kể về Mó Hốc bí ẩn, họ đã cử 1 đoàn gồm nhiều kĩ sư địa chất, mang theo đủ các phương tiện hiện đại. Trước khi già làng đọc thần chú, qua lời phiên dịch, mấy chuyên gia Liên Xô không tin là có chuyện “hô phong hoán vũ” như vậy. Hôm đó có cả ông Đinh Công Khiên (bố của ông Chi), Trưởng Công an xã cùng đông đảo cán bộ xã Đồng Nghê chứng kiến.
Ông Sơn, Trưởng bản Co Lai cho biết: Đến giờ chúng tôi cũng không thể biết được tại sao hiện tượng nước phun ra từ lòng núi và chỉ nghĩ rằng đó là Giàng đã ban cho xóm. Chúng tôi đang vận động bà con đến cuối năm nay quyên góp tiền để xây dựng một ngôi miếu nhỏ phía trước Mó Hốc để tạ ơn các thần linh, để con cháu người Mường, người Tày nơi đây đời đời phải tôn thờ Mó Hốc linh thiêng.
Khi già làng vừa đọc dứt câu thần chú, cả đoàn chuyên gia ngỡ ngàng. Họ còn hiên ngang đứng trước Mó Hốc bị nước phun vào ướt sũng, mặc dù trước đó đã được mọi người cảnh báo phải đứng xa nơi đó ra. Được tận mắt chứng kiến sự kì lạ của tự nhiên này, họ mới tin đó là sự thật. Họ bắt tay vào nghiên cứu địa chất, rồi khảo sát nguồn nước… Và họ cũng chỉ ngờ rằng trong Mó Hốc có 1 con rùa khổng lồ.
Khi mọi người đọc câu thần chú và giậm chân, con rùa đó giật mình rụt cổ lại. Và nước từ trong lòng núi sẽ tràn ra. Họ chỉ giải thích vậy và lấy mẫu 2 chai nước về lại Hòa Bình. Từ đó cho đến nay họ cũng chưa gửi thêm một lời kết luận nào về Mó Hốc bí ẩn này. Hi vọng các nhà khoa học Việt Nam sẽ sớm nghiên cứu để có thể giải thích được hiện tượng kỳ thú này.