Chỉ cách khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng chưa đến chục cây số, nhưng ở xóm Gò, ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh là một không gian hoàn toàn khác.
Những ngôi nhà mái lá giữa xóm Gò, xung quanh là ruộng bồn bồn – nguồn thu nhập chính của người dân.
Đối lập với sự phồn hoa, với những khu nhà cao tầng, những sân golf, tenis… là một xóm nghèo lụp xụp bên bãi rác Đa Phước ngày đêm hôi thối. Đã thế, do không có đường ra bên ngoài nên bao năm nay, xóm Gò như một ốc đảo bị lãng quên…
Mười năm ngóng một cây cầu
Đón tôi ở “cổng” vào xóm Gò là người đàn ông có cái tên ngồ ngộ Bảy Cu đang ngồi trên xuồng chờ chở khách với chai rượu trên tay. Nhánh sông rộng chưa đến 10 mét nhưng thiếu chiếc xuồng này dân xóm Gò coi như nội bất xuất, ngoại bất nhập.
“Không có ông Bảy Cu thì gay, có lần sắp nhỏ đi học về, đứng cả đám bên mé sông, ổng đi uống rượu có ai chở đâu. Trời tối mịt, mưa to, sắp nhỏ ướt hết, có đứa khóc thét lên. Tui ngồi nhà tự nhiên nóng ruột, đội mưa nhờ bà Nhị, nhà gần bờ sông chèo xuồng ra đón sắp nhỏ về” – chị Kiên, người dân xóm Gò cùng lên thuyền với tôi kể. Chị tiếp: “10 năm nay bọn tui mong Nhà nước xây cho cây cầu. Hồi đầu năm, tui nghe nói cầu sắp xây và bằng giá nào phải khánh thành trước năm học mới cho sắp nhỏ đi học. Tui ngóng mỏi cổ muốn chết. Chừ sắp vào năm học rồi mà chưa thấy đặt cục gạch nào…”.
Người dân xóm Gò mới có điện và được dùng nước sạch cách đây vài năm. “Mùi văn minh” đã thoảng qua ốc đảo nhưng cuộc sống nơi đây vẫn còn rất lạc hậu so với bên ngoài. Không có cầu nên chẳng nhà nào mang được đá, gạch, ximăng… để xây lấy ngôi nhà cho khang trang. Con đường đất nhỏ xíu, đang vào mùa mưa bùn sình nhầy nhụa được đặt tên là Xương Cá, cứ cách vài trăm mét mới có đường mòn… “xương dăm” rẽ vào một ngôi nhà mái lá. Tôi phải cởi dép, đi chân đất, xắn quần, bùn bắn lên tận đầu gối. Theo thói quen như ở bên “thành phố”, tôi gởi chiếc xe máy cà tàng trước hiên nhà chị Kiên rồi nhờ chị trông hộ.
Chị cười lớn: “Ở đây nếu có trộm cũng chịu không lấy nổi cái xe ra khỏi xóm Gò đâu”. Chị khoe: “Nhà tui có 2 chiếc. Một chiếc xịn hơn để bên kia sông, gửi người ta trông, khi nào ra phố đi chợ thì dùng. Mỗi tháng gần trăm ngàn đồng tiền gửi xe. Một chiếc để bên này, thỉnh thoảng đưa sắp nhỏ ra bờ Cống Lớn đi học. Nói là đưa chứ trời mưa riết như thế này chỉ có nước để nó ngồi trên xe, ông xã dắt xe, mình đẩy”. Tôi hỏi vậy chứ trong xóm có em nào vào đại học không. Chị chỉ tay về ngôi nhà có vẻ “khá” trong xóm, ngôi nhà duy nhất lập bằng mái tôn, nói: “Đó, nhà bà Tư Linh đó. Nghe đâu thằng con bả học cao lắm. Cao nhất xóm rồi, năm nay nó học lớp 11”.
Tôi đi quanh xóm Gò cả buổi nhưng chẳng thấy mống thanh niên nào. Thắc mắc thì chị Kiên cười buồn: “Đám thanh niên lớn lên không chịu nổi cái buồn, cái nghèo của xóm Gò nên bỏ lên thành phố làm công nhân hết rồi. Ở mãi đây đời kiếp nào mới lấy được vợ. Ai đâu buổi tối muốn đến nhà cô nào chơi lại xách đèn pin đi hàng cây số. Xung quanh sông nước, rắn rít thế này cũng chẳng có chỗ nào hẹn hò. Mé sông thúi hoắc ai thèm ngồi”. Lại theo thói quen, tôi hỏi chị Kiên có quán tạp hóa hay quán ăn nào để kiếm cái lót dạ bữa trưa.
Chị lắc đầu ái ngại: “Làm khỉ khô gì có quán xá hả cô! Ở đây một tuần “sang sông” đi chợ một lần, mua toàn bộ thịt thà rau củ để ăn dần. Đất xấu, cũng chẳng trồng được cây gì khác ngoài bồn bồn nên đến rau tươi cũng chẳng có”. Chỉ cho tôi vài luống mía khô đét, lá rũ xuống trước nhà, chị thở dài:“ Đó, thời tiết mưa mưa nắng nắng thế này, đến mía còn không sống nổi…”.
Bãi rác Đa Phước rộng 78ha, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn rác. Chính thức nhận rác từ cuối năm 2007, theo tính toán của phòng Xử lý Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hồ Chí Minh, Đa Phước sẽ giải quyết được mối lo về rác của toàn thành phố trong vòng 21 năm, nhưng lại trở thành… mối nguy cho 108 hộ dân xóm Gò. “Dân tui đang than trời bởi từ ngày rác đổ về đây, môi trường nước và không khí bị ô nhiễm trầm trọng”, chị Kiên nói.
Hơn 13 giờ, nắng gay gắt, mùi thối từ con rạch bốc lên sặc sụa, nước nổi bọt vàng đục nhưng bà Huỳnh Thị Nhị vẫn lội bì bõm nhổ bồn bồn. Bà cầm con cá chết chuyển màu trắng nhởn, trương phềnh trên mặt nước lên, chua chát nói: “Đấy cô xem, cá còn chết thế này đây”. Nhà bà Nhị ở sát mé sông Rạch Chiếu, đối diện với bãi rác Đa Phước, là nạn nhân đầu tiên của sự ô nhiễm.
Bà kể: Trước đây bà vẫn dùng nước sông ăn uống tắm rửa nhưng vài năm nay, từ ngày bãi rác Đa Phước đi vào hoạt động, nước rỉ rác chảy ra rạch, bà không dám dùng nước sông nữa, kể cả rửa chân vì chỉ nhúng nước là đã ngứa ngáy khó chịu. “Mấy bữa nước lớn, gió thổi từ bển qua là bên này dân hứng hết mùi. Nhà tui cứ tầm 3 giờ chiều là ruồi muỗi bắt đầu bu đầy. Tui phải tranh thủ nấu cơm. Có hôm 5 giờ, ruồi nhiều quá, cả nhà phải chui vô mùng mà ăn, sợ nhai trúng ruồi”.
Không có cầu, hằng ngày, người dân chỉ biết trông cậy vào ông Bảy Cu chở qua rạch Cống Lớn. |
Hết dịch ruồi đến nạn muỗi
Trong căn nhà nhờ nhờ tối của bà Nhị, mấy chiếc giường lúc nào cũng phủ mùng. Thằng Phương cháu bà ngồi trong mùng coi tivi. Trong mùng bà để 2 cái quạt máy bật số lớn nhất để đuổi muỗi, 1 cái vợt bắt muỗi. Bà Nhị ngồi dựa cột nhà tiếp chuyện với tôi, tay quạt liên tục vì muỗi chích.
Tôi đem những chuyện mắt thấy tai nghe ở xóm Gò đến gặp ông Mai Thanh Điền, cán bộ xã Phong Phú, nhưng chỉ nhận được những tiếng thở dài: “Năm 2010, lúc bãi rác chưa hoàn thành hệ thống che đậy thì xảy ra dịch ruồi. Người dân phải chui vô mùng ăn cơm, ruồi bu đen chỉ chực có cái lỗ nào hở là túa vào mùng. Sau khi chúng tôi phun 2 đợt thuốc và bên bãi rác hoàn thành lớp đậy rác thì bây giờ ruồi đã đỡ nhưng nảy sinh nạn muỗi. Bây giờ tầm 7 giờ tối là người ta phải trèo vô mùng. Tôi nghe bên Cty Đa Phước có nói đến dự án hành lang cây xanh để giảm ô nhiễm từ bãi rác. Xóm Gò cũng thuộc một phần của dự án. Nhưng tôi nghe lâu rồi mà chưa có động tĩnh gì cả”.
Bao giờ cho hết “dự kiến”?
Đến gặp ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Chủ tịch xã Phong Phú thì thông tin cũng chẳng vui hơn: “Cầu thì coi như đã có. Xã đã lên kế hoạch và bàn giao việc thi công cây cầu cho bên Huyện đoàn huyện Bình Chánh. Còn chuyện tác động môi trường từ bãi rác Đa Phước, chúng tôi cũng đang phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường kiểm tra mức độ ô nhiễm nước và không khí. Mới cách đây 2 tuần, phòng tài nguyên xuống xóm Gò lấy mẫu nước. Phải chờ kết quả mới có biện pháp được”.
Ông Lê Hoàng Dũng – Thường vụ Huyện đoàn huyện Bình Chánh, phụ trách thi công dự án cầu bắc qua xóm Gò, giải thích cặn kẽ hơn: “Vốn để xây cầu dự kiến khoảng 4,3 tỉ đồng được chia ra làm 3 phần. Một từ ngân sách nhà nước, một từ nguồn vốn của đoàn viên thanh niên, một từ quyên góp từ nhân dân, các tổ chức xã hội. Tuy nhiên đến nay, phần vốn quyên góp từ nhân dân và các tổ chức mới chỉ có được 50%, còn thiếu khoảng vài trăm triệu đồng nữa. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định khởi công trong năm nay, vừa xây vừa kêu gọi đóng góp thêm”.
Ông Dũng hình dung: Người dân xóm Gò sẽ có một cây cầu dự kiến rất đẹp dài 60 mét, dự kiến hoàn thành trong năm nay và dự kiến kinh tế xóm Gò sẽ rất phát triển khi cây cầu hoàn thành… Tôi mang những “dự kiến” của ông Dũng về kể thì bị chị Kiên mắng: “Chúng tôi không cần đẹp, không cần hoành tráng. Tiền ít thì làm cầu nhỏ lại. Chúng tôi chỉ cần nhanh để có phương tiện mà đi lại. Chuyện chúng tôi sắp có một cây cầu, sắp giảm được ô nhiễm từ dự án hành lang cây xanh chi đó nghe miết đến nhàm rồi…”.
Hôm ấy bà Nhị tình nguyện lấy xuồng chở tôi về thành phố. Thuyền chúng tôi ra giữa rạch cũng là lúc bên kia, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã lấp lánh ánh đèn. Bà Nhị chèo xuồng mà mắt cứ nhìn xa xăm về phía Phú Mỹ Hưng. Tưởng bà đang “mơ xa” nhưng không phải. Bà bảo: “Tôi nào mơ ước được ở trong cái khu sang trọng ấy. Bây giờ tôi chỉ mơ được một ngày đi qua cầu, được ăn một bữa cơm không phải ngồi trong mùng tránh muỗi, vậy thôi…”.
Theo Lao Động