Người Ấn đang lên cơn sốt với một chương trình truyền hình thực tế phô bày những bất công trong xã hội, mà cha đẻ của ý tưởng này lại là một tài tử điện ảnh hào hoa.
Aamir Khan, một ngôi sao điện ảnh Ấn Độ, cũng chính là chủ của chương trình truyền hình ăn khách “Truth Alone Prevails”. Ảnh: Satyamevjayate |
“Truth Alone Prevails” là một chương trình có một không hai. Ngay từ lần phát sóng đầu tiên hồi tháng 5, chương trình hàng tuần nói về nhiều vấn đề đa dạng của cuộc sống, từ ảnh hưởng của thuốc trừ sâu trong thực phẩm, bạo hành gia đình tới thực trạng nạo phá thai ở nữ giới này đã nhận được hơn 470 triệu lượt xem. Những người sản xuất đã nhận được hàng chục triệu tin nhắn, email và bình luận để chia sẻ thắc mắc, ý kiến và mối lo ngại của khán giả.
Tại hai bang của Ấn Độ, “Truth Alone Prevails” đã dấy lên hồi chuông báo động về chất lượng y tế sau khi một chương trình nói về sai lầm trong quá trình khám chữa bệnh được phát sóng. Tốc độ phản ứng của người xem đã khiến “Satyamev Jayate” (tên tiếng Hindi của “Truth Alone Prevails”) giống với một sản phẩm của công chúng thay vì một chương trình truyền hình.
Điều khiến người ta ngạc nhiên, là chủ của “Truth Alone Prevails”, một chương trình mang tính chính trị và xã hội, lại là Aamir Khan, một siêu sao trong ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ. Ở tuổi 47, Khan có vẻ đẹp hào hoa lãng tử của Brad Pitt và sự nhiệt thành của George Clooney. Giống như các tài tử Bollywood khác, ông xuất hiện trên rất nhiều bộ phim bom tấn, múa và hát dưới mưa.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Khan đã chuyển sang làm những công việc mang nhiều ý nghĩa hơn. Ba năm trước, ông gặt hái thành công lớn với “Ba chàng ngốc” (“3 Idiots”), một bộ phim hài về nói tình trạng giáo dục đang ngày càng đi xuống ở Ấn Độ. Hiện tại, sau khi từ chối lời đề nghị tham gia các chương trình trò chơi truyền hình, Khan đã tạo ra những điều đáng kinh ngạc và hoàn toàn mới mẻ ở đất nước này.
Công thức của “Truth Alone Prevails” rất đơn giản. Khan sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu một vấn đề nổi cộm của xã hội; rồi một đoạn video ngắn được trình chiếu, nội dung hướng tới chủ đề chính của chương trình. Ngay sau đó, những chiếc đèn bật sáng và nhân vật có mặt trong đoạn video sẽ xuất hiện trên sân khấu, ngồi đối diện với Khan. Và câu chuyện của họ bắt đầu. Điểm đặc biệt là Khan không bao giờ cố gắng thu hút khán giả bằng vị thế của một ngôi sao, thay vào đó, ông chỉ lắng nghe. Chính nhân vật khách mời, vốn là một người bình thường, sẽ dẫn dắt câu chuyện.
Mỗi câu chuyện được chia sẻ lại mang tới hình ảnh của một Ấn Độ hiện tại, với những thực trạng đáng lo ngại, có thể là về một gia đình mà người mẹ bị bắt cóc; hay một cô bé 12 tuổi bị người bạn của bố mẹ em cưỡng bức; hoặc một phụ nữ phải phá thai tới 6 lần trong 8 năm vì sự ép buộc của gia đình nhà chồng. Ngay cả với một người có phong thái vui vẻ và đậm chất châm biếm như Khan, những câu chuyện đôi lúc cũng không khỏi khiến ông rơi nước mắt.
Người Ấn Độ thường không thoải mái khi phải nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc như vậy. Ngược lại, chương trình của Khan lại nói về chúng một cách thẳng thắn và táo bạo hết sức có thể. “Tôi và nhóm cộng sự cùng ngồi lại, thảo luận về cách mọi người tiếp cận các vấn đề và cảm giác của họ. Và những gì chúng tôi vẫn hy vọng đã trở thành sự thật. Khán giả phản ứng với chương trình theo đúng cái cách cả nhóm vẫn mog đợi”, Khan nói. Tuy nhiên, ông cũng cho biết đã có những lúc cảm thấy mệt mỏi với chương trình. “Có rất nhiều nỗi buồn, sự căng thẳng và bất công.” Khan thậm chí chưa chắc chắn liệu ông có đủ sức mạnh để làm tiếp “Truth Alone Prevails” mùa thứ hai hay không, nhưng ông thực sự đã gặp “rất nhiều ví dụ về lòng cam đảm và bài học về giá trị của cuộc sống”.
Những người chỉ trích cho rằng chương trình của Khan quá mang tính thuyết giáo và không thực sự thiết thực. Tuy nhiên, phần lớn khán giả Ấn Độ dường như có chung quan điểm với Shekhar Gupta, tổng biên tập báo Indian Express, rằng việc chương trình nhấn mạnh tới công bằng xã hội sẽ bù đắp những thiếu sót của nó. “Điều quan trọng nhất là ông ấy giúp mọi người bày tỏ về những bất công mà họ từng phải chịu đựng”, Gupta nói. “Chương trình của Khan chính là một tấm gương phản ánh xã hội, và điều đó rất cần được ghi nhận.”
Thành công của “Truth Alone Prevails” phản ánh sự thay đổi của đất nước Ấn Độ trong những thập kỷ vừa qua. Từ đầu những năm 90, tầng lớp trung lưu đã nổi lên, và những người thuộc tầng lớp này ngày càng sẵn sàng thể hiện tiếng nói trước tình trạng bất công trong xã hội. Chính điều đó đã mang lại cho “Truth Alone Prevails” sự hấp dẫn giống như một tôn giáo. Như một blogger đã viết, “mọi người cần ai đó để học tập, để cho họ thấy con đường đúng đắn”.
Phản ứng này minh chứng cho một sự thật kỳ lạ của chương trình, đó là mặc dù nội dung của “Truth Alone Prevails” luôn hướng tới những vấn đề bất công, bạo lực và tội tệ trong xã hội, nhưng chính điều đó đã giúp khán giả thay đổi quan điểm theo một chiều hướng tích cực hơn.
Điều mang lại thành công cho “Truth Alone Prevails” chính là sức ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ, những người ngày càng có nhiều hiểu biết về các vấn đề chính trị và xã hội. Ấn Độ có thay đổi được hay không là phụ thuộc vào khả năng nắm bắt của các tầng lớp trong xã hội và sự tự do thể hiện quan điểm. Đó cũng chính là những điều mà Khan, bằng sự nổi tiếng của bản thân, cùng chương trình của ông, đang nỗ lực thực hiện.
Quỳnh Hoa (Theo The Wall Street Journal)