Người dân xem ông như “thần” bởi đã có hàng ngàn người bị rắn độc cắn đều được ông chữa khỏi.
|
Ông Mừng nói chưa tìm ra mối lương duyên nào để truyền
bài thuốc. Ảnh: Vĩnh Quý
|
Ông là Đinh Mừng, 76 tuổi, ở thôn Thượng Phong, xã Lê Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình), một người đã dùng bài thuốc từ lá, thân, rễ, củ cây rừng để chữa rắn độc cắn cho hàng ngàn người dân.
Một lần nên duyên
Trong căn nhà nhỏ lợp bằng lá cọ, người đàn ông có nước da ngăm đen rắn rỏi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời qua 4 lần đổi họ và gần 10 năm phiêu bạt đã đưa ông đến với nghề thuốc. Thời thơ ấu, cậu bé Mừng được cha mẹ cho học hết lớp 7 và hướng cho học sư phạm nhưng cậu lại không thích làm nghề giáo mà muốn làm một nghề gì đó khác biệt.
Năm 17 tuổi, chàng trai Đinh Mừng đã quyết định xin cha để ra đi bắt đầu cuộc đời phiêu bạt của mình. Mang theo một ít tiền bạc, từ Thanh Hóa chàng trai trẻ lang thang ra tận Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi chẳng mấy chốc tiêu sạch tiền, phải làm thuê làm mướn đủ việc để kiếm sống ở vùng biên giới Việt-Trung. Được một thời gian, Mừng lại theo một đoàn thương buôn sang tận Trung Quốc dù trong đầu không biết lấy một từ tiếng Hoa. Ấy thế mà, ông cũng sống được ở đất bạn gần một năm trời mới về lại Việt Nam.
Vẫn chỉ hai bàn tay trắng, Cao Mừng lại tiếp tục lên đường sang Lào, Thái Lan với ý định chưa học được nghề lập thân quyết không về quê. Chưa đầy nửa năm sau đó, Đinh Mừng đành phải quay về vùng miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) sinh sống. Lang thang từ vùng này sang vùng nọ chán chê, Đặng Mừng quyết sang Lào một chuyến dài hơi…
Trong một lần tình cờ trên đường đi làm, gặp một cô gái Lào bị rắn độc cắn, ông đã bỏ việc của mình để giúp cô gái tìm thầy thuốc chữa giúp. Giữa cái sống – chết chỉ trong gang tấc, người thầy thuốc Lào đã cứu sống cô gái thoát khỏi bàn tay của “thần chết” một cách thần kỳ… Từ đó, mong muốn được học nghề từ ông thầy thuốc Lào cứ thôi thúc ông và cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của gia đình cô gái bị rắn độc cắn, tâm nguyện của ông cũng thành hiện thực.
Bốn năm trời sống và làm việc bên “thần y” chữa rắn cắn, Đinh Mừng đã chịu khó tìm tòi nhiều phương pháp chữa bệnh để đúc kết cho riêng cho mình kinh nghiệm chữa rắn cắn, ngoài những gì mà người thầy thuốc Lào truyền đạt cho ông.
|
Ông Mừng và câu chuyện về bài thuốc bí truyền chữa rắn cắn. |
|
Khắc tinh của độc rắn
Người dân vùng cao huyện Tuyên Hóa không ai không biết đến ông, cả những người ở Minh Hóa, Quảng Trạch đều tìm đến ông mỗi khi bị rắn cắn. Dù là độc của các loại rắn cực độc như hổ chúa, cạp nong, cạp nia, rắn lục… đều bị ông khuất phục, trả lại sự sống cho nạn nhân. Gần 50 năm cứu chữa cho hàng ngàn người dân bị rắn cắn chỉ có một người làm ông day dứt mãi do không thể cứu chữa được bởi người nhà đưa đến ông khi quá muộn. Đó là anh C.V.V trú ở xã Kim Hóa (huyện Minh Hóa).
Có những trường hợp tìm đến ông sau khi đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi như anh Trần Văn Nguyệt ở thôn 2, xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) bị rắn hổ mang chúa cắn. Bị nọc độc tấn công, chân anh Nguyệt bị thối thịt, chỉ còn trơ hai ống xương cẳng chân. Người nhà đưa về ông Mừng chữa chỉ một tháng rưỡi đã khỏi hẳn, da thịt được ông Mừng dùng thuốc nuôi liền lại, đi đứng bình thường. Khi ra về, anh Nguyệt còn để lại đôi nạng gỗ ở nhà ông Mừng.
Bà Ngô Thị Sâm ở thôn Đức Phú, xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) kể: “Cuối năm vừa rồi, tôi làm cỏ ngoài vườn bị một con rắn mạc lăng cắn phải mà không biết là rắn độc. Người tôi nhanh chóng mê man rồi cứng đờ đi. May mà thằng con trai biết tiếng ông ấy nên chở đến xin cứu. Chỉ 2 ngày sau, tôi có thể đi lại và ăn uống bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra cả”.
Nhiều người đã được ông cứu chữa khi bị rắn cắn vẫn thường xuyên trở lại thăm “ân nhân”. Họ quý mến, xem ông như một người ông, cha, anh… bởi ông dành nhiều tâm huyết cho việc cứu chữa cho người bị nạn. Anh Phan Văn Thảo ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) bị rắn hổ chúa cắn trong khi đang đi làm rẫy vẫn luôn nhớ mãi ơn cứu mạng của ông Mừng. “Nằm ở nhà ông để chữa bệnh, dẫu là lúc đêm khuya, buổi rạng sáng hay cả giữa buổi ngủ trưa nghỉ ngơi nhưng cứ mỗi lần tôi mở mắt tỉnh giấc là ông liền có mặt bên tôi kiểm tra vết thương, theo dõi tình trạng sức khỏe. Ông cẩn thận dùng các loại lá cây hái trên rừng để đắp lên vết thương làm sao cho chóng lành và không bị nhiễm trùng…”, anh Thảo cho biết.
Với phương châm “cứu người là trên hết”, mỗi khi có người đến cầu cứu là ông liền xắn tay áo, kêu gọi vợ con lao vào phụ giúp cứu người cho kịp. Bởi trong bốn năm học thầy, điều đầu tiên mà ông học được đó chính là “cái tâm” của việc cứu người. Nhờ cái tâm ấy, gần 50 năm qua ông đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người bị rắn cắn bằng chính tấm lòng mình qua những bài thuốc.
Trong căn nhà tồi tàn, ông nói, điều trăn trở là ông chưa tìm được một người có tâm huyết để truyền lại bài thuốc bí truyền của mình. Ở tuổi 76, trăn trở ấy ngày một lớn hơn lên nhưng có lẽ ông cũng cần một “cái duyên” như ông đã từng bén duyên với thầy của mình.
Chia tay ông trong buổi chiều mờ sương của miền Tây Quảng Bình, ánh mắt đăm chiêu và giọng đượm buồn của ông làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng trong mối đồng cảm cùng nỗi trăn trở của người thầy thuốc đặc biêt. Vẫn còn đó giữa cuộc đời, có một con người bình dị nhưng những việc làm của người ấy rất đỗi lớn lao.
Vĩnh Quý