Tinh Hoa

Tỷ phú bí ẩn ‘phá bĩnh’ thương vụ Heineken – Tiger

 Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người bị coi là “kỳ đà cản mũi” trong thương vụ Heineken thâu tóm hãng sản xuất bia Tiger, đã có lịch sử kiếm tiền bằng cách “chiến đấu” với các hãng bia nước ngoài.


Theo Bloomberg, hiện ông Charoen lại đang áp dụng lại chiến thuật này và công ty của ông có khả năng kiếm bộn khi nhảy vào “ngáng đường” thương vụ Heineken mua lại APB, công ty sản xuất bia Tiger.

Phận nghèo đeo đẳng

Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi không may mắn được sinh ra trong gia đình giàu có hay được thừa kế tài sản như nhiều thương gia khác. Bố ông là một người bán hàng rong trên phố với món bánh nướng bình dân.

Do đó, thuở ấu thơ là những tháng ngày hết sức cơ cực với cái bụng ít khi được lấp đầy và gia đình cũng không đủ tiền để ông có thể chi trả cho việc học hành của ông. Thế nên, Charoen Sirivadhanabhakdi đành phải bỏ học giữa chừng khi mới học hết lớp 4.

Tuy nhiên, là người có ý chí vươn lên, Charoen đã vượt qua hoàn cảnh không thuận lợi, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và không một chút vốn liếng kinh nghiệm. Dù trải qua bao năm đi rạc cả chân để bán những chiếc bánh nướng nhưng người cha cũng không thể dạy con những chiêu thức kinh doanh trong thương trường đầy khắc nghiệt.

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi từng bị cái nghèo đeo đuổi.

Cách đây một thập kỷ, Singha là hãng đồ uống chiếm lĩnh phần lớn thị phần Thái Lan. Tuy nhiên, bằng khả năng kinh doanh thiên phú, Charoen đã dần dần chia nhỏ và chiếm được thị phần của Singha. Từ đó, ông xây dựng được những thương hiệu đồ uống của mình trên thị trường là Berli Jucker Public Co. và Thai Beverage, nhà sản xuất nhãn hiệu bia Chang Beer bán chạy nhất Thái Lan. Công ty này kiếm được hơn 250 triệu USD lợi nhuận một năm.

Khi đã gây dựng được danh tiếng ở quê nhà, tỷ phú Charoen bắt đầu vươn ra xa các thị trường khác trên thế giới. Năm 2006, công ty của ông bắt đầu được niêm yết tại Singapore và ông còn dự định giới thiệu nhãn hiệu bia trong các nhà hàng Thái trên toàn cầu.

Ông thực hiện việc quảng bá sản phẩm ra nước ngoài bằng cách tham gia vào các hoạt động khác như trở thành nhà tài trợ chính thức cho câu lạc bộ bóng đá Liverpool của Anh. Ngoài ra, Charoen cũng không ngại đầu tư vốn vào các lĩnh vực khác như sản xuất chè xanh và kinh doanh khách sạn. Hiện nay, “bộ sưu tập” khách sạn của ông gồm cả khách sạn Plaza ở New York và Bangkok…

Theo xếp hạng mới nhất của tạp chí Forbes của Mỹ, ông hiện là tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan, chỉ sau cha đẻ thương hiệu Red Bull nổi tiếng Chaleo Yoovidhya. Còn trên thế giới, ông xếp thứ 184 với tổng tài sản ước tới 5,5 tỷ USD.

Thừa kinh nghiệm ‘chinh chiến’ với các hãng bia nước ngoài

Ngoài những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống của mình, cái tên Charoen Sirivadhanabhakdi gần đây gây xôn xao dư luận bởi những nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm cản đường hãng bia Hà Lan Heineken thâu tóm thương hiệu Tiger.

Tháng trước, tỷ phú này khởi động một cuộc chiến với Heneiken xung quanh APB. Các công ty thuộc quyền quản lý của gia đình Charoen đã đề xuất mua cổ phần trong APB, công ty có trụ sở ở Singapore và Fraser & Neave (F&N), một công ty kiểm soát 40% của APB.

Sự “phá bĩnh” của tỷ phú này buộc Heineken, công ty của Hà Lan, phải vội vã đưa ra mức giá chào mua 7,5 tỷ SND (6 tỷ USD), tương đương 50 SND một cổ phiếu, để có được toàn bộ cổ phần còn lại của APB. Cách đây ít hôm, công ty của con rể Charoen đã đưa ra mức giá chào mua 55 SND một cổ phiếu để F&N nhượng lại 7,3% cổ phần của APB.

“Đây là một động thái thông minh của tỷ phú Thái Lan này. Tôi cho rằng, đề xuất mua lại mới nhất từ nhà Charoen sẽ buộc Heineken phải đưa ra mức chào giá cao hơn”, nhà phân tích Goh Han Peng thuộc công ty DMG & Partners Securities nhận định.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ lịch sử làm ăn của ông Vua đồ uống Thái Lan này sẽ còn phải ngỡ ngàng hơn trước những chiến lược thông thái của ông.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã có lịch sử kiếm tiền bằng cách “chiến đấu” với các hãng bia nước ngoài. Vào năm 2005, Charoen buộc hãng bia Carlsberg phải trả 120 triệu USD để giải quyết tranh chấp pháp lý với một hãng bia nằm dưới quyền kiểm soát của ông.

Trong cuộc chiến này với hãng bia Đan Mạch, Charoen ban đầu thậm chí đòi đối thủ này phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới hai tỷ USD sau khi Carlsberg chấm dứt một liên doanh với công ty sản xuất bia mà ông kiểm soát.

Gần đây, không chỉ định kiếm tiền từ Tiger, Charoen còn muốn kiếm tiền từ Bintang, một loại đồ uống bán chạy hàng đầu ở Indonesia.

Theo Đất Việt, VnE

(vietnamnet.vn)