Để làm sống lại “một Hà Nội thời bao cấp”, người đàn ông tên Phạm Quang Minh đã phục dựng lại một cửa hàng ăn uống mậu dịch đúng chất cổ ở số 37 phố Nam Tràng, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Căn nhà nhỏ màu vàng nằm lặng lẽ trong một con phố nhỏ khá lắt léo gần Hồ Tây thu hút ánh nhìn của người đi đường với tấm biển hiệu “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” cùng hình ảnh chiếc xe đạp treo “vắt vẻo” trên bức tường. Một không gian đậm đặc chất cổ!
Sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội thời kỳ bao cấp, ấn tượng về những tháng ngày gian khó ấy chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí bác Quang Minh, chủ nhân của ngôi nhà. Tự lúc nào không hay, nó trở thành niềm thôi thúc ông tái dựng lại không gian của thời kỳ ấy để thế hệ thanh niên bây giờ “tìm hiểu xem thế hệ ông bà, cha mẹ chúng đã sống như thế nào”.
Bước vào không gian này, không ít bạn trẻ tỏ ra thích thú, say sưa ngắm nhìn những chiếc chụp đèn tráng men “cổ lỗ sỹ,” chiếc quạt con cóc, quạt tai voi hoen gỉ, chiếc tivi đen tráng to như một cái thùng sắt chứa đồ, những bát tráng men sứt mẻ – dấu tích của một thời khó khăn.
Việc kiếm tìm, sưu tập lại chiếc bàn là Liên Xô, dải tem phiếu, cục đá khắc tên chủ nhân từng được người ta dùng để xếp hàng mua thực phẩm… thời bao cấp, cách đây vài ba thập kỷ không phải là điều dễ dàng. Bác Minh đã phải lật tìm trong ký ức, lần giở lại những mối quan hệ để tìm gặp những người đã sống qua thời kỳ bao cấp với hy vọng họ còn giữ lại những vật dụng của thời kỳ ấy. Trong những chuyến kiếm tìm, không phải lúc nào cũng thành công, có những lúc Bác Minh ra đi rồi lại trở về tay không, có những lúc tưởng như kế hoạch của mình sẽ phải dừng lại. Tuy nhiên, mong muốn lưu giữ lại những mảnh ký ức xưa đã thôi thúc bác hòan thành tâm nguyện.
Những chiếc dải tem phiếu, chiếc xe đạp Vĩnh Cửu và những chiếc mũ cói, mũ lá,… được treo vắt vẻo trên tường trong ngôi nhà khiến ai đến cũng ngỡ ngàng. Không ít bạn trẻ tỏ ra thích thú, say sưa ngắm nhìn những chiếc chụp đèn tráng men “cổ lỗ sỹ,” chiếc quạt con cóc, quạt tai voi hoen gỉ, chiếc tivi đen tráng to như một cái thùng sắt chứa đồ, những bát tráng men sứt mẻ – dấu tích của một thời khó khăn. Đặc biệt những ai trạc tuổi bác Minh, những ai đã trải qua một thời tem phiếu đến cửa hàng đều không khỏi bùi ngùi.
Đến với không gian này, bạn thực sự được sống lại với một thời khăn khó, được sống với quá khứ. Người trẻ cũng sẽ hiểu hơn được giá trị cuộc sống và những gì cha ông họ đã trải qua.
Theo:TTXVN