Tinh Hoa

Bong bóng kinh tế Trung Quốc phát nổ, nguy cơ rất thật

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vai trò tiên phong khi nền kinh tế thế giới đang kiệt quệ. Tuy nhiên, 1 số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc đang có những dấu hiệu quá nóng. Nếu chính phủ nước này không có những điều chỉnh thích hợp sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng do sự phát nổ của bong bong.


Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng GDP trong quý 1 đầu năm 2011 là 11.5%, vượt xa mức dự đoán 8% trước đó. Nhiều người tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ mau chóng vượt qua nền kinh tế đang ốm yếu của Mỹ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của 1 số chuyên gia, đi kèm với sự tăng trưởng, Trung Quốc đang từng bước tiến lên trên bậc thang có nguy cơ bong bong kinh tế phát nổ. Nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng Jame S. Chanos đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc đang hướng tới sự đổ vỡ chứ không phải phát triển bền vững. 

Có nhiều bằng chứng được đưa ra cho luận điểm nói trên như: sự mất cân bằng trong việc đầu tư sản xuất, bong bong tài chính và thị trường bất động sản kèm theo lạm phát gia tăng.

Điều đầu tiên được nhắc đến là sự bất hợp lý trong việc đầu tư sản xuất. Chính tỉ trọng mất cân bằng này đang tạo ra những bước phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong thời gian qua. Tổng số vốn đầu tư vào sản xuất chiếm 47-48%. Khi sự phát triển quá ồ ạt về lượng sẽ không bền vững. Trung Quốc sẽ vấp phải giới hạn bởi người dân cần phải sinh sống và chi tiêu. Không thể mang tất cả tài sản vào đầu tư sản xuất. điều này dẫn đến việc cắt giảm đầu tư sản xuất dẫn tới việc tăng trưởng bị chững lại. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 bài học đắt giá cho Trung Quốc. Kinh tế Nhật Bản đã chững lại sau khi tỉ lệ vốn đầu tư cho sản xuất chiếm 35%GDP; con số này ở Hàn Quốc là 38%.

Ngoài ra lượng hàng hoá xuất siêu quá lớn tác động lên giá trị đồng nội tệ. Đồng Nhân Dân Tệ dưới sức ép của thế giới đang mạnh lên dẫn đến mối quan hệ giữa đầu tư sản xuất và tiêu dùng ngày càng trở lên xấu đi. Lường trước được vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu cung ứng cho thị trường trong nứơc. Tuy nhiên nguồn lợi quá lớn từ việc xuất siêu khiến chính phủ không thể mạnh tay trong vấn đề này. Theo ông Hứa Tiểu Niên, 1 chuyên gia kinh tế của Trung Quốc phát biểu về vấn đề trên: “Nếu như tôi là một tỉnh trưởng, nếu như tôi là một thị trưởng, tiền đồ của tôi phụ thuộc vào cái gì? Tiền đồ của tôi phụ thuộc vào GDP, phụ thuộc vào thu thuế, phụ thuộc vào vấn đề tạo việc làm. Cho nên, người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp giống như các vị tổng giám đốc”

Vấn đề thứ 3 được các nhà kinh tế nhắc đến chính là nguy cơ của nghành tài chính nước này. Khi nguồn vốn có hạn mà nhu cầu lại lớn sẽ không thể tránh khỏi việc đầu cơ nâng giá. Để tránh tình trạng trên, bất chấp sự tăng giá sẽ làm trầm trọng hơn tình hình lạm phát thì ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng lãi suất và yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn dự trữ. Một nhà phân tích tại Ngân hàng hoàng gia Scotland đã khuyên khách hàng cảnh giác với rủi ro dòng tiền ồ ạt đổ vào Trung Quốc, cùng với lạm phát leo thang, có thể dẫn tới kết cục tai hại.

Một hiện thực tại Trung Quốc khiến đất nước này đang rơi vào tình trạng xuất hiện bong bóng kinh tế chính là tình trạng đầu cơ bất động sản. Giá nhà đất tại 100 thành phố lớn của Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kì năm ngoái. Chỉ trong vòng 8 năm, giá trị bất động sản của Trung Quốc tăng 10 lần. Trong khi năm 2002, giá 1 căn hộ tại khu thương mại phố Đông, Thượng Hải có diện tích 120m2 chỉ ở mức 200.000 NDT nhưng hiện nay 1 căn hộ tương tự lên tới 2-3triệu NDT.

So với thời điểm năm 2007, mặt bằng giá nhà bình quân ở Trung Quốc đã tăng 140%, riêng tại Bắc Kinh tăng đến 800%. Đó là một tỷ lệ tăng trưởng vượt quá xa mức thu nhập thực tế của giới có thu nhập trung bình tại đất nước này khiến cả thế giới phải quan tâm. Nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng James S. Chanos cảnh báo bong bóng bất động sản của Trung Quốc to “gấp 1.000 lần của Dubai”. Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, năm ngoái, nhà ở tại nước này đã được bán với số tiền kỷ lục 560 tỷ USD, tăng 80% so với một năm trước đó.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhưng vẫn chưa đủ để giúp Trung Quốc tránh khỏi tương lai đen tối này. Kinh tế thế giới hiện nay sau khủng hoảng nhà đất tại Mỹ, khủng hoảng nợ công Châu Âu, sự trì trệ của nền kinh tế Nhât Bản sau vụ động đất, sóng thần hôm 11/3 sẽ không thể chịu đựng được bất kì cú sốc nào nữa từ Trung Quốc.

Theo Bích Thủy (Tầm Nhìn)