Không được “cơm bưng nước rót” miễn phí, đến cái khăn lau tay cũng là khăn giấy chứ không phải khăn ướt ướp lạnh, khách VIP “sốc” nặng khi bay với VietJetAir
Anh Nguyễn T., một quan chức thuộc một đơn vị có trụ sở tại Hà Nội, một hôm kêu mấy nhà báo tới uống cà phê để xả nỗi ấm ức có tên “hàng không giá rẻ”.
Không có suất ăn miễn phí
Số là anh có công chuyện ở TPHCM, nhân viên đặt vé VietJetAir cho anh với lời cam kết “hãng này bay an toàn, đúng giờ và dễ thương lắm sếp ạ”. Quen với nếp của khách VIP là ra máy bay bằng xe riêng và trễ hơn khách thường. Do đó khi tới quầy làm thủ tục, anh bị chậm giờ, nhân viên đã đóng quầy. Đập bàn đập ghế không ăn thua, cuối cùng phải nhờ sếp sân bay đứng ra xử lý, anh T. mới được bay.
Khách hàng được phục vụ dừa tươi trên máy bay |
Ấm ức vì không được đối xử đặc biệt, anh “đóng vai” mẹ chồng, đi xét nét các “nàng dâu” tiếp viên VietJetAir… Đỉnh điểm là khi chờ đợi được mang khăn lạnh để lau mặt thì tiếp viên trả lời chỉ có khăn giấy. Muốn uống cốc nước mát thì phải bỏ ra 10.000 đồng mua chai nước suối. Khi đói, anh phải chọn món ăn theo thực đơn và trả tiền chứ không được phục vụ ăn miễn phí. “Tôi mà biết là hàng không giá rẻ thì tôi đã không đi. Siêu tiết kiệm đến cái giấy ướt cũng không có” – anh T. nói.
Vì quá bực dọc, anh T. quên mất sự an toàn và đúng giờ của VietJetAir, cũng quên biết là tiền vé chỉ bằng 1/4 chiếc vé VIP anh vẫn thường đi. Thậm chí, anh cũng chẳng có nhu cầu tìm hiểu những nguyên tắc của hàng không theo mô hình giá rẻ mà thế giới rất quen thuộc (Low Cost Carrier) với chức năng cung cấp sản phẩm cốt lõi là đưa hành khách tới nơi đúng giờ với các mức giá vé thấp và linh hoạt.
Tiết kiệm có khoa học
Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, sự tiết kiệm của các hãng hàng không thế hệ mới như VietJet Air không phải là tiết kiệm tới mức… bần tiện mà đều có cơ sở khoa học.
Ví dụ như sử dụng khăn giấy khô, tiếp viên chỉ cần một động tác là xong, nhờ thế có thể tiết kiệm nhân công, giảm được giá vé cho “mọi người cùng bay”. Còn nếu dùng khăn ướt thì khi dọn dẹp, tiếp viên phải thêm một số động tác như gom lại, phân loại để cho vào túi rác. Hơn nữa, khăn ướt là sản phẩm không tự hủy, không khuyến khích trong xu hướng bảo vệ môi trường.
VietJetAir không bán vé kèm suất ăn miễn phí vì như vậy, hành khách không có nhu cầu ăn uống mà vẫn phải trả tiền, còn khách muốn ăn lại phải dùng suất ăn có sẵn, không được lựa chọn. Để tiết kiệm tuyệt đối, ngay cả tấm thẻ lên máy bay cũng được VietJetAir in bằng giấy A4 thông thường thay vì in bằng bìa cứng sang trọng…
Nhưng trong số những người nghe anh T. giãi bày lại suy nghĩ khác. Một nhà báo nghe chuyện xong nói rằng có hàng ngàn yếu tố để cấu thành được chiếc vé máy bay giá rẻ cho mọi người cùng bay. Từ người có tiền đến người ít tiền, thậm chí người nghèo khó cũng có thể bay nếu may mắn “săn” được vé khuyến mãi.
“Tôi không quá nghèo, từng là khách VIP trên nhiều chuyến bay nhưng tôi vẫn thường xuyên bay của VietJetAir vì cảm nhận được sự thoải mái và thân thiện trên mỗi chuyến bay. Trên thế giới, hàng không giá rẻ rất phổ biến và thành công. Nhiều doanh nhân, chính trị gia, người nổi tiếng cũng lựa chọn hàng không giá rẻ làm phương tiện di chuyển chính” – một doanh nhân cho biết.
Anh T. có chiều suy ngẫm khi tiễn chúng tôi ra về. Không biết anh có thay đổi quan niệm không, bởi để làm quen với một phong cách tiêu dùng mới, làm thượng đế của một hãng hàng không mà người giàu, nghèo bình đẳng như nhau cũng cần có sự trải nghiệm thực sự sâu sắc.
(Theo Người Lao Động)