“Tôi có thể dành nhiều thời gian đứng trước gương hơn là với hầu hết con gái…”
Bị trêu ghẹo vì trông… bình thường
Bốn năm trước đây, Kim Min Jeong, 20 tuổi, từng là một trong những nữ sinh “lười biếng”, không quan tâm tới ngoại hình của mình. “Khi còn học cấp 1 và cấp 2, tôi không quan tâm tới vẻ ngoài của mình. Tôi học trong lớp và sau đó chơi bóng đá, bóng ném ở ngoài trời. Chúng tôi không quan tâm xem tóc của mình có bị rối hoặc người có bị đẫm mồ hôi sau khi chơi xong hay không”.
Tuy nhiên, điều này nhanh chóng thay đổi khi cô bước vào trung học. Ban đầu, Min Jeong bị các bạn nữ cùng trường chòng ghẹo vì không trang điểm, không mặc quần áo thời trang và tóc không tạo kiểu. Cô được gọi bằng một từ vốn bị ghét nhất: bình thường. “Bị gọi là bình thường giống như bị nói rằng bạn xấu xí”, Min Jeong cho biết, “bình thường là hòa tan, là không nổi bật”.
Chỉ 6 tháng sau, Min Jeong bắt đầu dùng tới những phương pháp mà bạn đồng môn sử dụng: trang điểm, tóc mượt, quần áo mới, một hộp gương nhỏ. Những người trước kia từng ghẹo Min Jeong giờ đã chấp nhận cô. Đám con trai trong trường bắt đầu để mắt tới cô. Còn những người bạn thân của cô ngạc nhiên về sự thay đổi này.
“Tôi nhanh chóng bị ám ảnh về chuyện soi gương cứ 3 phút một lần ở trong lớp. Tôi biết điều này không bình thường, nhưng không thể cưỡng lại. Tôi cảm thấy hòa hợp với các bạn đồng môn. Tôi luôn phải xinh đẹp”.
Bé gái Hàn Quốc “tranh thủ” soi gương trong một lễ hội văn hóa tại Hàn.
Thậm chí, ám ảnh này còn lây sang cả những bé gái. Bà mẹ có cô con gái 11 tuổi ở thủ đô Seoul tâm sự: “Con gái tôi đã bắt đầu trang điểm và tóc tai”, “nó có một chiếc gương cất trong hộp bút chì. Con bé nói nó cần phải soi gương trong khi nghỉ giải lao. Khi ở tuổi con bé, tôi không cần gương”.
“Nạn nhân” không chỉ là nữ giới
Đối với Park Min Woo, 24 tuổi, nam sinh viên Đại học Yonsei, chiếc gương có khi là bạn thân nhất của cậu. “Tôi có thể dành nhiều thời gian đứng trước gương hơn là với hầu hết con gái… Tôi mang theo một chiếc gương bỏ túi tới bất cứ đâu, nó cũng quan trọng như điện thoại”.
Cậu bạn trông khá ưa nhìn này tiết lộ: “Tôi luôn lo sợ về việc trông xấu xí”.
Cũng chính vì thế mà những người như Park cũng thích cách mà các cửa hàng mua sắm đặt kính xung quanh: “Bạn sẽ biết chính xác bạn trông ổn thế nào trong bộ quần áo mới ở bất cứ chỗ nào trong cửa hàng”.
Một nam thanh niên Hàn Quốc tự trang điểm cho mình.
Nhiều người cho rằng làn sóng Hallyu đã khơi mào cơn sốt về ngoại hình. Vào đầu những năm 1990, khi sự thay đổi về chính trị diễn ra ở Hàn Quốc thì cũng là lúc văn hóa của nước này tự do hơn. Nhạc Pop bắt đầu thịnh hành, ca sĩ phải đẹp từ đầu tới chân. Các nữ ca sĩ thần tượng nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mới về sắc đẹp của xứ sở kim chi.
Về phần mình, Park cũng đưa ra giả thuyết cá nhân để giải thích cho việc vì sao trai Hàn đặc biệt quan tâm tới ngoại hình: “Tôi thực sự nghĩ rằng Hàn Quốc đang cố gắng duy trì vị trí cao trong lĩnh vực thời trang ở châu Á. Chúng tôi muốn được biết tới như là một quốc gia có những người đẹp”.
Kim, sinh viên Đại học Hanyang (Seoul), lại tự hỏi vì sao ngoại hình được đề cao tới vậy trong xã hội Hàn: “Tôi cảm thấy phải áp lực khi phải trông ưa nhìn. Nhưng giờ tôi thấy nó là một áp lực cực lớn. Tôi thấy một phần là bởi lúc nào người Hàn cũng tiếp xúc với các nhóm nhạc thần tượng K-Pop trên ti vi”.
Dù thế, Kim cũng thú nhận: “Sau điện thoại thông minh và ví, có thể gương là vật sở hữu đáng giá nhất của tôi”.
My Lan
Theo Yonhap