Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy một con cá nước mặn bị ung thư da với những triệu chứng giống hệt như bệnh melanoma ở người.
|
Bề mặt da của cá hồi san hô có những vết sẫm màu bất thường, biểu hiện của ung thư da melanoma. |
Cá hồi san hô sống ở ngoài khơi nước Úc nằm trực tiếp dưới lỗ hổng Ozone Nam cực, cũng là lỗ hổng ozon rộng nhất thế giới. Vì thế mà cường độ tia cực tím chiếu xuống khu vực này cũng nguy hiểm hơn bất cứ nơi nào khác, khi mà vành đai bảo vệ tự nhiên là tầng ozone đã mất đi.
Nhà nghiên cứu Michael Sweet của Đại học Newcastle (Anh) tin rằng đây chính là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến cho cá nước mặn sống ở rặng san hô này bị ung thư da. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ các yếu tố khác như ô nhiễm nước biển.
Sweet và các đồng nghiệp đã tiến hành kiểm tra 136 con cá san hô trong khu vực và tìm thấy 20 cá thể cá, tương đương với 15% có những vết sẫm bất thường trên da. Những vết sẫm này có đủ kích thước từ bé đến lớn (từ chiếm 5% bề mặt da cho đến toàn bộ cơ thể).
Điểm đáng chú ý là ung thư da melanoma chỉ xuất hiện ở bề mặt da chứ chưa ăn sâu hơn. Nên về cơ bản, những con cá này vẫn khỏe mạnh, Sweet cho hay trên LiveScience.
Những vết sẫm màu này trông giống hệt với vết ung thư da ở người. Một khi melanoma di căn, cá san hô sẽ có nhiều biểu hiện ốm yếu, lờ đờ, bơi chậm hơn và ăn ít hơn.
Hiện các nhà khoa học không thể xác định có bao nhiêu cá thể cá hồi san hô tự nhiên đã mắc bệnh ung thư da, và ngoài khu vực ngoài khơi nước Úc, liệu còn khu vực nào khác có thể phát sinh bệnh.
Cho tới trước đây chỉ có cá sống trong phòng thí nghiệm mới bị ung thư da, do các nhà khoa học chủ động chiếu tia cực tím lên chúng và sử dụng chúng làm đối tượng nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư da ở người.
Y Lam
(vietnamnet.vn)