Báo cáo doanh thu quý gần đây nhất của Microsoft đã tiết lộ những mối đe dọa lớn mà họ đang phải đối mặt.
Microsoft đang ở giữa một cuộc cải tổ lớn: Họ đang sản xuất máy tính bảng riêng, mạo hiểm với nguy cơ có thể làm mất lòng các đối tác sản xuất thiết bị; kế hoạch dùng Bing để chiến đấu với Google không thành công; Microsoft cũng phải vật lộn rất khó khăn để thu hút khách hàng đến với điện thoại Windows Phone.
Dưới đây là 7 mối đe dọa lớn nhất đã được Microsoft nhắc đến trong báo cáo doanh thu quý vừa qua.
1. Các sản phẩm “đám mây” không thành công bằng phần mềm PC
Microsoft đang phát hành khá nhiều dịch vụ đám mây: Office 365, Xbox LIVE, Dynamics CRM Online (đối thủ của Salesforce.com), Bing, Skype, Azure (cạnh tranh với Amazon Web Services) và một số dịch vụ nhỏ hơn khác.
Tuy nhiên, Microsoft đang lo ngại các dịch vụ điện thoại đám mây sẽ không phổ biến bằng các sản phẩm phần mềm PC. Microsoft tuyên bố trong báo cáo như sau: “Mặc dù chúng tôi tin tưởng rằng chuyên môn, khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sự đa dạng của các dịch vụ đám mây mà Microsoft cung cấp sẽ đem lại cho chúng tôi một nền tảng vững chắc để cạnh tranh, chúng tôi không chắc chắn chiến lược của mình có đủ để hấp dẫn người dùng hay không, hay có tạo ra được doanh thu cần thiết để thành công.”
Cơ hội cho Microsoft: Microsoft đang có những hành động đầu tư thông minh vào điện thoại đám mây. Hãng đã mở cửa Azure – hệ điều hành “đám mây” của Microsoft – hỗ trợ Linux; cho phép Skype hoạt động như một bộ phận của Microsoft; duy trì hỗ trợ cho Android và iOS v.v
2. Hai công ty Microsoft sợ nhất: Apple và Google
Windows – sản phẩm chính của Microsoft – đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Trong báo cáo hàng năm phát hành năm 2011, Microsoft đã thừa nhận: “Hệ điều hành Windows đang đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm phần mềm thương mại, từ các nền tảng và thiết bị đối thủ, chủ yếu là của Apple và Google”.
Cơ hội cho Microsoft: Người dùng doanh nghiệp của Microsoft sẽ không vội từ bỏ máy tính Windows để chuyển sang sử dụng máy Mac, iPad hay máy tính bảng Android. Phần lớn người dùng mới chỉ trong quá trình nâng cấp lên Windows 7. Microsoft vẫn còn thời gian để tùy chỉnh Windows 8 trở nên tốt hơn, trước khi họ bước vào cuộc mạo hiểm có thể đánh mất những khách hàng quan trọng.
3. Microsoft mất khả năng cạnh tranh trên thị trường doanh nghiệp
Microsoft đã bỏ ra nhiều năm để xây dựng phần mềm cao cấp cho các trung tâm dữ liệu. Gã khổng lồ phần mềm đã hai lần nhắc đến HP như một đối thủ cạnh tranh, IBM được nhắc tên 10 lần, Oracle 9 lần. Cả ba đối thủ này đều sản xuất phần cứng và phần mềm tích hợp. Oracle và IBM cũng cung cấp rất nhiều phần mềm doanh nghiệp cạnh tranh với Microsoft. Ngoài ra, Microsoft còn phải lo ngại về các nhà cung cấp sản phẩm phần mềm doanh nghiệp như CA Technologies, VMware, Adobe, Cisco, và SAP. Hai đối thủ khác là Linux và Red Hat cũng được Microsoft nhắc tên.
Cơ hội cho Microsoft: Miễn là các doanh nghiệp còn muốn dùng thiết bị chạy Windows, họ sẽ tiếp tục mua Windows Server và phần mềm chạy trên đó. Hiện nay, đây là mảng kinh doanh mạnh nhất của Microsoft. Dù sao đi nữa, sản phẩm của Microsoft vẫn được đánh giá có giá rẻ nhất trong một số lĩnh vực như cơ sở dữ liệu.
4. Microsoft coi Apple và Google là mối đe dọa dành cho Xbox
Microsoft cảnh báo: “Ngoài Nintendo và Sony, chúng tôi còn cạnh tranh với cả Apple và Google trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nội dung cho khách hàng”.
Cả Apple và Google đều không sản xuất máy chơi game, nhưng họ sản xuất những thiết bị cho phép tải nội dung giải trí lên TV. Xbox là máy chơi game video của Microsoft, là cuộc đặt cược lớn nhất của công ty vào mảng kinh doang giải trí trực tuyến.
Cơ hội cho Microsoft: Xbox cũng là một sản phẩm nổi bật của Microsoft. Một máy chơi game Xbox vẫn là lựa chọn giá rẻ hơn so với việc mua cả bộ set-top boxe
5. Các nhà phát triển bị thu hút bởi đối thủ cạnh tranh
Microsoft biết rằng tất cả những kế hoạch lớn của hãng phải nhằm tạo ra phần mềm tốt. Microsoft cần nhiều nhà phát triển viết ứng dụng cho Windows 8 và Windows Phone 8. Tuy nhiên, họ không thể đạt được điều này khi các nhà phát triển thấy ít người mua thiết bị Windows và Windows Phone.
Cơ hội cho Microsoft: Microsoft có rất nhiều tiền và nhiều nhà phát triển đang làm việc tại hãng. Microsoft cũng có những phần mềm rất nổi tiếng như Microsoft Office và Halo.
6. Sản phẩm mới có thể thành công nhưng vẫn sẽ làm giảm lợi nhuận
Microsoft cảnh báo: “Các sản phẩm và dịch vụ mới có thể không sinh ra lợi nhuận, và thậm chí nếu chúng sinh ra lợi nhuận thì lợi nhuận của các mảng kinh doanh này có nguy cơ không cao bằng những gì chũng tôi đã đạt được trong quá khứ.”
Cơ hội cho Microsoft: Microsoft có một trong những phòng thí nghiệm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn nhất thế giới. Trong những năm tài chính 2012, 2011 và 2010, Microsoft đã chi tương ứng 9,8 tỷ USD, 9 tỷ USD và 8,7 tỷ USD cho hoạt động R&D. Microsoft sẽ cód đủ tiền để tiếp tục khám phá công nghệ mới tiếp theo.
7. Windows 8 không thành công
Microsoft viết trong báo cáo của mình: “Vào mùa thu năm 2012, chúng tôi sẽ phát hành Windows 8, phiên bản mới của hệ điều hành máy tính sẽ đem đến trải nghiệm người dùng khác biệt, thông qua phần mềm, phần cứng và các dịch vụ được tích hợp tốt. Thành công của Windows 8 phụ thuộc vào những nhân tố như: mức độ khách hàng tiếp nhận giao diện và chức năng mới; các đối tác sản xuất thiết bị có tạo ra được thiết bị phần cứng để tận dụng tốt nhất tính năng của Windows 8 hay không; các nhà phát triển có viết nhiều ứng dụng chất lượng cho Windows 8?”.
Cơ hội cho Microsoft: Hầu hết các ứng dụng Windows 7 vẫn chạy trên Windows 8, điều này có lẽ cũng đủ để giữ chân hàng triệu người dùng Windows tiếp tục gắn bó với hệ điều hành này.
Theo ICTnews/SAI
(vietnamnet.vn)