Tinh Hoa

Trung Quốc đòi mua tên miền Tam Sa

– Sau lễ khánh thành trái phép cái gọi là “Thành phố Tam Sa” hôm 24/7 vừa qua, mới đây Trung Quốc quyết định mua một số tên miền quốc tế bắt đầu với từ khóa “sansha” (Tam Sa) nhằm khẳng định sự tồn tại của thành phố này trong không gian mạng toàn cầu, hãng tin Straits Times đưa tin.Tuy nhiên, Trung Quốc được nói là đã thất bại trong việc lựa chọn tên miền quốc tế là “sansha.com” vì bị trùng với một công ty nổi tiếng chuyên sản xuất giày múa ba lê của Pháp (Công ty Sansha) – đơn vị đã đăng ký tên này từ lâu.
“Điều này thú vị thật đấy! Chúng tôi không hề nghĩ rằng có một ngày nào đó trang web của mình lại được Trung Quốc quan tâm nhiều đến thế”, Vanessa Novak – quản lý chi nhánh sản xuất giày múa của công ty Pháp có cơ sở ở New York bật cười khi nói chuyện qua điện thoại với phóng viên tờ Straits Times.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty Sansha, Lynn Campbell cũng khẳng định: “Tên miền không phải để mua bán”.

Do đó, tuyên bố của Trung Quốc về tên miền giành cho “Thành phố Tam Sa” chắc chắn sẽ không thể trở thành hiện thực.

 Hình ảnh trang web của Công ty Sansha – một thương hiệu nổi tiếng của Pháp chuyên sản xuất giày múa bale với tên miền là “sansha.com”


“Thành phố Tam Sa” được Trung Quốc tuyên bố thành lập trái phép nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
Hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nước có tranh chấp trong khu vực, đồng thời bị Mỹ lên án là “hành động đơn phương mang tính gây hấn” trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ngày càng leo thang.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn ngang nhiên khẳng định những hành động này là nhằm “bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển quốc gia”.

Thậm chí, Bắc Kinh còn không ngần ngại đưa cả quân đội ra đồn trú trên đảo tranh chấp khiến cộng đồng khu vực và quốc tế vô cùng bất bình.
“Chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu “xuống nước” trong vấn đề Biển Đông bằng bất cứ giá nào”, một nhà phân tích chiến lược ngoại giao thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Nam Dương, Trung Quốc nhận định.
Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc liên tiếp hành động một cách ngang ngược nhằm mưu đồ giải quyết các tranh chấp trên biển Đông – vùng biển giàu dầu khí theo cách riêng của Bắc Kinh, đi ngược lại với lợi ích khu vực, và vi phạm luật pháp quốc tế.
Hết đụng độ tàu cá Philippines ở bãi tranh chấp Scarborough/ Hoàng Nham, cho ngư dân đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc còn ngang nhiên mời thầu khai thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, điều quân đội đồn trú, v.v.

 Lễ khánh thành cái gọi là “Thành phố Tam Sa” được Trung Quốc tổ chức hoành tráng vào hôm 24/7 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa


Trong khi đó, trên lĩnh vực ngoại giao, Bắc Kinh lại dùng ảnh hưởng gây áp lực lên đồng mình Campuchia nhằm cản trở mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng đàm phán tại Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN diễn ra ở thủ đô Phnom-Penh hồi đầu tháng 7/2012.
Thậm chí, để biện minh cho hành động ngông cuồng của mình, chính quyền Bắc Kinh xuyên tạc lý do thành lập “Thành phố Tam Sa” là vì phía Việt Nam khiêu khích trước bằng việc tuyên bố luật biển và khẳng định chủ quyền cũng như quyền phán tài đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Tất nhiên là mỗi nước đều có cái lý riêng cho tuyên bố của mình và sẽ có ý thức chuẩn bị trong trường hợp xấu nhất. Thế nhưng tôi không cho rằng một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra trên Biển Đông trong thời điểm này và nhiều năm tới cũng vậy. Tất cả các bên đều hiểu được muốn giải quyết mâu thuẫn bằng  một cuộc chiến thì sẽ phải trả cái giá đắt đến thế nào”, một giáo sư thuộc Đại học Quảng Châu nói.Hạ Giang

(vtc.vn)