Hãng tin Reuters hôm 26/7 đưa tin, trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, các quan chức theo chủ nghĩa cực đoan của nước này còn thúc giục chính quyền Bắc Kinh cần hành động “mạnh tay” hơn nữa.Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ban hành chính sách tối cao của Trung Quốc cho biết, các quan chức trong Quân Đội Giải phóng Nhân dân, các chuyên gia tình báo và cả những người đứng đầu cơ quan hàng hải của nước này đều đang cố gắng thuyết phục Bắc Kinh về việc tăng cường các biện pháp cứng rắn nhằm đảm bảo “chủ quyền” trên biển Đông cùng với nguồn dầu khí dồi dào dưới đáy biển.
Hầu hết các quan chức Trung Quốc đều lên án cái mà Mỹ gọi là chiến lược “then chốt” ở Châu Á nhằm “kích động các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, gây thêm thách thức đối với Trung Quốc.”
Cái mà Trung Quốc gọi là “Thành phố Tam Sa” được coi là một trong những hành động góp phần làm leo thang căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền giữa các nước trên Biển Đông |
Trong một bài viết đăng trên chuyên trang của Ủy ban năng lượng Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong ra hồi tháng 6/2012, ông Xu Zhirong – phó Giám đốc Cơ quan Giám sát Hàng hải Trung Quốc ngang nhiên nói: “Hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực toàn diện từ các nước láng giềng mà đứng đầu là Việt Nam và Philippines.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang bao vây từ phía ngoài và tạo thêm nhiều thách thức mang tính hăm dọa đối với Bắc Kinh trên con đường “háo hức” trở lại Châu Á.”
Hầu hết các nhà phân tích chính sách an ninh ngoại giao và người dân Trung Quốc đều cho rằng chính quyền Bắc Kinh ngày càng cương quyết trong việc cự tuyệt nỗ lực của các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc mưu đồ tăng cường chia rẽ khối đoàn kết khu vực nhằm làm giảm hiệu quả của các cuộc đối thoại trực tiếp hoặc khiến nó diễn biến theo hướng có lợi cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN diễn ra ở thủ đô Phnom Penh hôm 9/7 vừa qua là một minh chứng cho thấy thái độ “thiếu thiện chí” và “phớt lờ lợi ích chung” của chính quyền Bắc Kinh đối với vấn đề tranh chấp trong khu vực, khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Tại hội nghị, các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực kêu gọi Trung Quốc về việc thống nhất một bộ các quy tắc ứng xử (COC) nhằm giải quyết mâu thuẫn đang căng thẳng giữa các bên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ đáp lại bằng sự “thờ ơ”, “lãnh đạm”, thậm chí còn lên tiếng chỉ trích hội nghị ASEAN không phải là nơi để bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Theo đó, các nhà ngoại giao đến từ những nước còn lại nghi ngờ rằng có thể Bắc Kinh đã “giật dây” Campuchia – nước chủ nhà tổ chức hội nghị và là đồng minh thân cận của Trung Quốc để góp phần làm cho mọi nỗ lực trên bàn đàm đều bị vô hiệu hóa.
Bắc Kinh luôn từ chối đàm phán đa phương về Biển Đông, họ cùng từ chối thảo luận vấn đề này ở Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và các đối tác |
Mặt khác, trên lĩnh vực quân sự, Trung Quốc cũng không ngừng hành động một cách ngông cuồng và hiếu chiến.
Gần đây, Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc đã chính thức phê duyệt lệnh điều quân ra đồn trú ở Biển Đông, khánh thành cái gọi là “Thành phố Tam Sa” hay việc cử đoàn tàu chiến số lượng lớn tới Biển Đông tập trận bắn đạn thật…
Tân Hoa Xã, hãng tin nhà nước Trung Quốc trắng trợn nói, “việc đồn trú ở “Tam Sa” là cần thiết đối với hoạt động quốc phòng nhằm bảo vệ thành phố, hỗ trợ các hoạt động cứu hộ thiên tai và nhiều trường hợp khẩn cấp khác.”
Cái mà Trung Quốc gọi là “Thành phố Tam Sa” nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm một sân bay quân sự cỡ nhỏ, một cảng biển, một bệnh viện, bưu điện, siêu thị và một trạm quan sát mới được chính quyền Bắc Kinh cho xây dựng, hãng Xinhua đưa tin.
Cũng theo nguồn tin này, mỗi tháng sẽ có 2 lượt tàu từ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc được điều ra “Thành phố Tam Sa” để phục vụ nhu cầu đi lại cũng như cung cấp nguồn nước ngọt cho khoảng 613 người dân sinh sống tại đây.
Biện minh cho hành động ngông cuồng của nước mình, ông Xu Zhirong đổ lỗi cho những căng thẳng gần đây trong khu vực là kết quả trực tiếp cuả việc chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược triển khai 60% tàu chiến thuộc hải quân Mỹ tới Châu Á Thái Bình Dương thay vì 50% vào cuối năm ngoái.
Động thái này của Washington được cho là nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và liên tiếp có hành động “gây hấn” trong tranh chấp chủ quyền với các quốc gia Châu Á và Đông Nam Á.
</f ont>Gần đây, Trung Quốc lại không ngừng đụng độ với Philippines ở đảo tranh chấp Hoàng Nham/ Scarborough và gây mâu thuẫn với Việt Nam về quyền thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, những diễn biến này khiến thế giới và khu vực quan ngại sâu sắc về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán bằng giải pháp hòa bình.
Trong khi đó, một trong số những quan chức quân sự hiếu chiến nhất Trung Quốc, Thiếu tướng Chu Trương Hồ, Giáo sư chuyên về Quốc phòng và là một học giả có tiếng trong nước đã lên tiếng phủ nhận hoàn toàn tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng trong tranh chấp với Trung Quốc.
Thậm chí, ông Chu còn ngang nhiên chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines là “vô lý và phi pháp” khi đi ngược lại với những “dẫn chứng lịch sử” của Trung Quốc về vùng tranh chấp giữa các bên.
Những lý lẽ ngang ngược này của ông Chu được đưa ra trong Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh vào đầu tháng 7/2012.
Trong một phát biểu khác được Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn cuối tuần trước, ông Chu còn nói: “Các nước có liên quan đã không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh hải trong khu vực cho tới khi phát hiện trên Biển Đông có một trữ lượng dầu khí khổng lồ.”
Thiếu tướng này nổi lên là một nhân vật hiếu chiến từ năm 2005 khi đề xuất Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ trong trường hợp các lực lượng quân đội Mỹ dám can thiệp vào tranh chấp ở Đài Loan.
Ngoài Chu Trường Hồ, các quan chức khác như Chủ tịch Viện quan hệ quốc tế Trung Quốc, Thôi Lập Như – người được đánh giá là có liên hệ mật thiết với các tổ chức tình báo Trung Quốc và Thiếu tướng La Viện – một quan chức quân đội đã nghỉ hưu, người được biết đến với những quan điểm cực đoan, hiếu chiến cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cần siết chặt hơn nữa các biện pháp “cứng rắn” để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc gần đây lại tuyên truyền giọng điệu rằng các nước trong khu vực nên chấp nhận một thực tế là “Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh”, để từ đó tái thiết lập những mối quan hệ phù hợp hơn trong bối cảnh mới.
Hình ảnh trên một tàu chiến của Trung Quốc |
Stephen Hadley, Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush kể lại, trong một chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 7, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã tự hào khẳng định “Trung Quốc đang ngày càng phát triển và có sức ảnh hưởng lớn đối với thế giới.”
Tại cuộc họp với Ủy ban Atlantic được tổ chức ở thủ đô Washington (Mỹ) vào cuối tuần trước, ông Hadley đã bày tỏ quan điểm lo ngại trước thái độ “tự mãn” của Trung Quốc và cho rằng điều này đang gây cản trở trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản.
“Trung Quốc đang ngày càng khó kiểm soát”, ông Hadley nói.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do Trung Quốc đã và đang hành động một cách ngông cuồng, bất chấp luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của các nước trong khu vực.
Với thái độ ngang ngược cùng hành động thô lỗ như thế, Bắc Kinh có hay rằng họ đã và đang tự cô lập chính mình ở Châu Á cũng như tự biến mình thành một “kẻ khó ưa” trong mắt bạn bè quốc tế?Hạ Giang
(vtc.vn)