Tinh Hoa

“Loạn” phòng khám Tung Quốc: Không ai có lỗi?


 – Sở Y tế HN khẳng định đã
cấp phép đúng quy trình, khâu quản lý, xử phạt cũng đúng quy định. Còn Bộ Y tế
cũng khẳng định chỉ cấp giấy phép hành nghề cho bác sỹ Trung Quốc sau khi đã
“thẩm định kỹ”, việc quản lý hoạt động phòng khám sau đó thuộc thẩm quyền của Sở
Y tế. Như vậy, không có ai có lỗi trong việc để “loạn” phòng khám Trung
Quốc suốt thời gian qua?

Bộ “đá” xuống Sở, Sở “đá” xuống phòng khám rồi… mất hút?!

Ngay khi vụ việc các phòng khám Trung Quốc gây bức xúc lớn trong dư luận được
báo chí phản ánh, VietNamNet đã tìm tới Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) để liên hệ
phỏng vấn thì được ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng, cung cấp những thông tin
liên quan đến vấn đề cấp phép, quản lý, hậu kiểm, trách nhiệm của cơ quan chức
năng khi để xảy ra các vấn đề ở phòng khám gây bức xúc trong nhân dân.


Phòng khám 59
Khương Trung bị phát hiện sử dụng bác sỹ TQ không phép, kê đơn sai
quy định và hiện đã bị Sở Y tế tạm thu hồi giấy phép hoạt động

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn,
trước khi triển khai luật Khám chữa bệnh (trước thời điểm 1/1/2011) thì việc cấp
phép hành nghề cho người nước ngoài và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động cho cơ sở y tế thuộc về các Sở Y tế.

Từ 14/11/2011 trở đi, việc cấp phép hành nghề cho người nước ngoài thuộc thẩm
quyền của Bộ Y tế. Còn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở
y tế vẫn thuộc về các Sở Y tế.

Sai phạm liên tiếp nhưng xử phạt
nhẹ tay?

Trả lời về việc phòng khám đa khoa Maria liên tiếp vi phạm các
quy định trong hành nghề nhưng chưa lần nào bị xử phạt “mạnh tay”,
đủ sức răn đe, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội
cho biết: “Việc xử phạt phải tuân theo nghị định 96, không thể cứ
muốn phạt thế nào là phạt được thế ấy.

Chiểu theo các quy định của pháp luật Việt Nam, các lỗi vi phạm
trước đây của phòng khám Maria chỉ ở mức bị phạt hành chính chứ chưa
đến mức bị đình chỉ hoặc tước giấy phép hoạt động, do đó, Sở Y tế
không thể tự ý muốn đình chỉ là đình chỉ.

Ngày 20/7 vừa qua, Sở đã mời các phòng khám lên làm việc, yêu cầu
chấn chỉnh hoạt động. Sau đó, nếu còn vi phạm, Sở sẽ tước giấy phép
hoặc đình chỉ hoạt động”.

Do đó, khi được hỏi về
trách nhiệm của cơ quan quản lý khi các phòng khám có sai phạm, ông Sơn nhấn
mạnh: “Việc quản lý trên địa bàn vẫn thuộc UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành và
các Sở Y tế phải tham mưu cho công tác quản lý”.

Ông Sơn cũng nói thêm: “Tất nhiên là Bộ Y tế cũng phải cùng tham gia vào công
tác này (công tác quản lý, hậu kiểm – PV)”.

Khi mang vấn đề “trách nhiệm” ra để truy vấn Sở Y tế thì lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội
cho biết việc cấp phép cho phòng khám đa khoa Maria (cũng như các phòng khám
khác trên địa bàn) là “đúng quy trình”, quản lý và xử phạt theo đúng khung quy
định của pháp luật.

Còn việc để ra các sai phạm
nghiêm trọng, trách nhiệm trước tiên thuộc về người sử dụng lao động, tức người
đứng đầu phòng khám!

“Theo quy định thì kinh doanh khám chữa bệnh là kinh doanh có điều kiện,
người đứng đầu cơ sở đó phải chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật. Sở Y tế
cũng có trách nhiệm quản lý, hậu kiểm nhưng nếu không nâng cao trách nhiệm của
người đứng đầu thì rất khó kiểm soát”
, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y
tế Hà Nội phân trần.

Tuy nhiên, nếu theo lời ông Hiền mà tìm đến lãnh đạo phòng khám để “truy” trách
nhiệm thì kết quả là… mất tăm hơi, bởi trên thực tế, trưởng phòng khám đa khoa
Maria suốt hơn một năm qua chỉ là cái tên nằm trên giấy, hoàn toàn không hay
biết gì về hoạt động của phòng khám!

Cho đến khi xảy ra sự cố làm chết người thì toàn bộ những cá nhân có liên quan
đã kịp thời khăn gói trốn thoát khỏi sự truy tìm của cơ quan chức năng!

Cả Bộ lẫn Sở thi nhau than khó!

Trong khi những lời giải đáp không thỏa đáng thì cơ quan quản lý thi nhau than
khó trong việc quản lý phòng khám Trung Quốc. 

Trong báo cáo mới nhất
(ngày 16/7) của vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) về thực trạng hoạt động, những
thách thức và giải pháp trong việc quản lý các phòng khám Trung Quốc tại Việt
Nam, lãnh đạo Vụ Y dược cổ truyền lại than “khó”.

Vụ này nêu ra một loạt những điều kiện “gây khó” cho cơ quan quản lý như: Việt
Nam – Trung Quốc chung biên giới nên ngày càng có nhiều người Trung Quốc sang
Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, gây khó cho cơ quan chức năng khi phải
truy cứu trách nhiệm (?!)

Cũng do hai nước gần nhau nên dược liệu, thuốc thang nhập lậu theo hành lý xách
tay chưa được quản lý chặt chẽ; người Trung Quốc lợi dụng lòng tin của người
Việt Nam vì Trung Quốc vốn nổi tiếng với nền y dược học cổ truyền; vv …

Đến lượt Sở Y tế Hà Nội lại tiếp tục than khó vì cho rằng khối lượng công việc
của ngành y tế quá lớn, riêng ngành y tế khó làm tốt, lực lượng thanh tra không
nhiều, việc đi kiểm tra hết các cơ sở là hết sức khó khăn!

Trước những lời “than thở” này, một thầy thuốc đông y có tiếng hiện đang công
tác tại Hội đông y Việt Nam (đề nghị không đưa tên) cho biết nếu nói vậy thì
ngành nào cũng than khó cả, do đó, không thể đổ lỗi cho những cái khó đó để biện
minh cho việc quản lý yếu kém, gây bức xúc trong dư luận.

Cần xử phạt hành chính cao nhất
và kết hợp hình thức phạt bổ sung

Trước tình trạng các phòng khám Trung Quốc đang “làm loạn” ở 2
thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, Bộ Y tế ngày 24/7 đã có
công văn đề nghị UBND Hà Nội và TP.HCM chỉ đạo cơ quan quản lý phòng
khám tư ở 2 thành phố này cần phải thực hiện mạnh tay hơn trong xử
lý vi phạm để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc như trường hợp tử vong
tại phòng khám Maria.

Theo đó, ngoài việc xử phạt hành chính ở mức cao nhất cần kết hợp
với các hình phạt bổ sung khác như tước chứng chỉ hành nghề đối với
người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động không
thời hạn hoặc có thời hạn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh của công ty đầu tư cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo quy
định của pháp luật.

Ngọc Anh

(vietnamnet.vn)