Tinh Hoa

Trung Quốc chính thức xác nhận có tàu sân bay

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang gần hoàn thiện. Ảnh: Xinhua

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), quân đội có số lượng binh sĩ lớn nhất thế giới, luôn bí mật về các chương trình quốc phòng của họ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chiếc tàu sân bay đầu tiên là một bí mật không được giữ kín của Bắc Kinh, vì thông tin về nó đã được biết đến rộng rãi từ lâu.

Tướng Trần Bỉnh Đức chính thức xác nhận về sự tồn tại của chiếc tàu sân bay này với tờ Nhật báo Thương mại Hong Kong bằng tiếng Hoa số ra hôm nay. Tuy nhiên ông từ chối cho biết rõ khi nào chiếc tàu sẽ sẵn sàng được đưa vào phục vụ trong quân đội.

Trong khi đó, trợ lý của ông là thiếu tướng Qi Jianguo cho hay chiến hạm đang được hoàn thiện tại cảng Đại Liên sẽ không gây ra mối đe doạ cho nước khác. “Tất cả các nước lớn trên thế giới đều có tàu sân bay riêng, nó là biểu tượng của một nước lớn. Tàu sân bay của Trung Quốc chắc chắn sẽ không tiến vào lãnh hải của nước khác”, tướng Qi nhấn mạnh.

Trung Quốc hiện dính vào hàng loạt tranh chấp trên biển với láng giềng. “Chúng tôi đang đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ các vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), Hoa Đông, Hoàng Hải và Eo biển Đài Loan”, ông Qi ám chỉ đến những vùng biển mà Trung Quốc có tranh chấp với nước khác. Nhưng viên tướng này một mực khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ chỉ theo nguyên tắc “quốc phòng” trong chiến lược quân sự của mình.

Nhiều nguồn tin cho rằng, chiếc tàu sân bay đầu tiên có chiều dài 300 mét của Trung Quốc đang gần hoàn tất và có thể sẽ chạy thử từ cuối năm nay. Nhưng điều này không có nghĩa nó sẽ sớm có thể phục vụ trong quân đội Trung Quốc, vì nước này sẽ cần thời gian tới vài năm để học cách vận hành và tập cho máy bay cất hạ cánh trên boong.

Nguyên bản chiếc tàu sân bay Trung Quốc được Liên Xô khởi công đóng từ năm 1985. Sau khi chuyển giao cho Ukraina, con tàu nằm “đắp chiếu” do thiếu kinh phí hoàn thiện và cuối cùng phải bán thanh lý bộ khung sườn cho Trung Quốc. Năm 2002 nó được kéo và cảng Đại Liên và thay vì biến thành khách sạn nổi như kế hoạch, nó được quân đội Trung Quốc hoàn thiện để trở thành một tàu sân bay như thiết kế nguyên thuỷ.

Tạp chí quân sự Mỹ Jane’s Fighting Ships cho rằng Varyag đã được đổi tên thành Shi Lang, một đô đốc thời Minh – Thanh từng chỉ huy đánh chiếm đảo Đài Loan năm 1681. Tàu sân bay Shi Lang hoàn thiện từ Varyag của Ukraina được đánh giá có khả năng chứa tối đa 50 chiếc máy bay phản lực và 18 trực thăng.

Thực chất chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc lai tuần dương hạm, không thể so sánh với các tàu sân bay tiêu chuẩn của Mỹ hay châu Âu hiện nay. Chiến hạm này khi mua chỉ có khung sườn nên đã được Trung Quốc nội địa hoá đáng kể, phức tạp nhất là bộ phận động cơ của tàu.

Khi hạ thuỷ Shi Lang, Trung Quốc sẽ thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên có tàu sân bay kể từ Thế chiến II. Tuy nhiên sự kiện này được đánh giá là mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự. Giới quân sự Mỹ cũng cho rằng tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh sẽ không gây ra mối đe doạ nào đối với Mỹ, nhưng sẽ khiến các nước trong khu vực nâng cao nhận thức về một biểu tượng mới trong sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Đình Nguyễn