Dù bận với chương trình học tập căng thẳng, với những hoạt động giao lưu, với những lo lắng về cơm áo gạo tiền, với nỗi nhớ nhà da diết vì phải sống và học tập xa quê hương nhưng những du học sinh Việt Nam vẫn một lòng hướng về Tổ quốc, gửi trọn niềm tin yêu Hoàng Sa và Trường Sa kiên cường, bất khuất giữa bão giông.
Trong lá thư gửi tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam, độc giả An Khánh, một du học sinh đang học tập tại Indonesia viết: “Nếu như mỗi ngư dân Việt Nam là một cộc mốc sống trên biển đảo quê hương thì mỗi du học sinh Việt Nam dù ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ đều là một sứ giả để nói với các bạn quốc tế rằng Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc”.
“Nếu bài viết này được đăng, toàn bộ số tiền nhuận bút ít ỏi, tác giả xin nhờ ban biên tập của báo chuyển tới “Quỹ Góp đá xây dựng Trường Sa” do Quân chủng Hải quân tổ chức gần đây. Xin trân trọng cảm ơn!!!”.
BBT xin đăng nguyên văn những dòng thư xúc động của du học sinh này.
Cũng như mọi hôm, tôi vẫn thường vào facebook để xem thông tin cập nhật về những người bạn. Đập vào mắt tôi là một bức hình tổ quốc Việt Nam thân yêu cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ trong tim mỗi người dân đất nước này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn gắn liền với tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nhìn vào bức tranh này, bạn sẽ tự hỏi tác giả của nó có lẽ chỉ là một em học sinh cấp I hoặc cấp II nào đó? Nó được vẽ trong một cuộc thi được tổ chức với chủ đề về quê hương đất nước? Chất liệu của nó là gì?
Tác giả của bức tranh này là Nguyễn Thị Lệ Chi, một du học sinh tại Indonesia. Chi hiện đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, em đang theo học một năm tại một trường đại học ở thành phố Surakarta, Indonesia.
Ở đây, chúng ta không đề cập tới tính nghệ thuật của bức tranh. Nhiều người cho rằng đó là một bức vẽ bình thường mà bất kỳ học sinh nào cũng có thể làm được. Nhưng đối với tôi, bức tranh này vô cùng có ý nghĩa khi ta xét tới hoàn cảnh và điều kiện ra đời của nó.
Bức tranh trên được Chi vẽ trong dịp tham gia hội trại hè thanh niên quốc tế tình nguyện tại thành phố Semarang, thuộc tỉnh trung Java. Nhóm của Chi có tổng cộng 9 người, trong đó có 3 người Hàn Quốc, 3 người Indonesia và 1 người Tây Ban Nha. Một trong những hoạt động của trại hè là làm vải batik, một sản phẩm truyền thống nổi tiếng của người dân Indonesia.
Chi cho biết, để hoàn thành bức tranh trên, em phải mất 5 tiếng đồng hồ và cũng trải qua nhiều công đoạn phức tạp làm vải batik. Được hỏi vì sao lại vẽ hình ảnh bản đồ của Việt Nam, Chi cho biết mỗi người được phép vẽ về một lĩnh vực mà mình yêu thích. Nhưng em lại nghĩ về quê hương, về đất nước thân yêu nơi có người mẹ đang ngóng chờ ngày con trở về. Em muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế về hình ảnh một đất nước Việt Nam.
Như vậy, ít nhất đối với bản thân tôi đây không phải là bức tranh bình thường. Bức tranh nhỏ bé này đã kịp thời chuyển đến một thông điệp rõ ràng tới bạn bè quốc tế rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Đối với du học sinh, internet là người bạn thân thiết, mang lại những thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế và xã hội trong nước. Trong những ngày này, chủ đề Biển Đông cũng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của độc giả, trong đó có những du học sinh như chúng tôi. Xem truyền hình ở nước bạn, thấy ông Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia chạy đua với thời gian đi tới từng nước để giải quyết những bất đồng trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông mới thấy được đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà nó còn là sự quan ngại chung của toàn khu vực và trên thế giới.
Nếu như mỗi ngư dân Việt Nam là một cộc mốc sống trên biển đảo quê hương thì mỗi du học sinh Việt Nam dù ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ đều là một sứ giả để nói với các bạn quốc tế rằng Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Chúng ta hãy tận dụng những cơ hội quý giá này để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
An Khánh / giaoduc.net