Tinh Hoa

Trung Quốc : Con hổ giấy?

 

Theo nhận định của Le Nouvel Observateur, Là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc cũng là một trong những đội quân tham nhũng nhất, vô kỷ luật nhất và thiếu kinh nghiệm nhất.

Theo bài viết, nếu như mức tăng trưởng kinh tế luôn ở mức hai con số, thì ngân sách cho quân đội cũng tăng nhanh với tốc độ đến chóng mặt. Kích cỡ của quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi trong vòng 20 năm nay, không những về quân số mà cả về trang thiết bị. Nắm trong tay toàn bộ hệ thống vũ khí tối tân thế hệ mới nhất – chủ yếu được mua từ Nga, giờ đây, Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Sự lớn mạnh của quân đội Trung quốc khiến cho Lầu Năm Góc phải lo âu. Hoa Kỳ buộc phải định hướng lại chính sách quốc phòng, chuyển từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương. Le Nouvel Observateur nhận xét, quân đội Trung Quốc đã có cả một sự nhảy vọt phi thường. Các tướng lĩnh Trung Quốc ngày nay ngày càng có những lời lẽ hiếu chiến. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tỏ ra nghi ngờ về sự rùng mình thay da đổi thịt quá nhanh chóng này, về khả năng thật sự của quân đội Trung Quốc trong việc sử dụng các loại vũ khí tối tân, mua được nhờ vào thặng dư thương mại, và khả năng bảo dưỡng.

Ngược lại, điều làm cho đảng Cộng sản Trung Quốc lo âu nhất chính là nạn tham nhũng. Nhiều hồi chuông báo động đã được gióng lên. Theo tướng Lưu Nguyên, ủy viên chính trị của Tổng cục Hậu cần, quân đội Trung Hoa đang nằm kề miệng vực. Theo ông “không một quốc gia nào có thể đánh bại được Trung Quốc và không có gì có thể phá hoại Đảng của chúng ta. Không có gì hết, ngoài trừ nạn tham nhũng: nó có thể dẫn chúng ta đi đến thất bại trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra”.

Lưu Nguyên là vị tướng đầu tiên dám tố cáo công khai những gì mà các đồng sự của ông chỉ nhìn nhận riêng với nhau. Những lời chỉ trích của tướng Lưu Viên không phải là những lời nói suông, bởi vì ngay trong chính Tổng cục Hậu cần, ông đã từng “tai nghe mắt thấy” về tệ nạn này. Ông tố cáo mọi thủ đoạn được sử dụng trong quân đội: biển thủ công quỹ, lạm dụng chức quyền và công vụ. Thậm chí, có cả đe dọa, âm mưu, đảo chính trong nội bộ. Một số các sĩ quan còn đi xa hơn khi sử dụng đến trò bắt cóc các sĩ quan trung thực của Đảng và cưỡng ép cấp trên phải che chở cho họ. Kể cả mọi cách thức theo kiểu mafia đều được sử dụng ngay trong lòng quân đội. Đối với tướng Lưu Nguyên, công cuộc chống tham nhũng là “vấn đề sống còn”. Bởi vì, ông e sợ sẽ xảy ra trường hợp “bất tuân thượng lệnh” trong trường hợp có chiến tranh.

Le Nouvel Observateur cho biết, bất chấp chiến dịch quét sạch tham nhũng được thực hiện vào năm 2006, trước sau vẫn y như cũ. Các nguồn tài trợ cho quân sự vẫn tiếp tục bị các quan chức đục khoét. Một quan chức ngoại giao mỉa mai nhận xét: “Chưa có một đội quân nào trên thế giới lại có nhiều xe hơi hạng sang như Porsche, siêu xe V8 hay 4×4 đến như thế, và nhất là lại được sử dụng cho mục đích tư”. Đối với một nữ nhà báo, xuất thân từ một gia đình quân đội, “việc này chưa có nghiêm trọng. Mua bán chức tước mới là nghiêm trọng nhất. Hàm sĩ quan có giá từ 10 đến 20 ngàn đô-la. Phải cần đến hàng trăm nghìn đô-la cho hàm tướng. Chúng tôi tự hỏi trong trường hợp có chiến sự, không biết các vị tướng lĩnh con rối này sẽ hành sự như thế nào nữa”.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia quốc tế, tham nhũng đang thao túng trong lòng quân đội Trung Quốc có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả to lớn. Thứ nhất, vi phạm sâu sắc đến chất lượng của các lực lượng quân đội. Thứ hai, cản đường tiến bước của nhiều đối tượng xuất chúng, xuất thân từ những gia đình trung lưu. Tệ hại là nó còn gây ra những mối oán hận và làm suy yếu tinh thần đồng đội. Cuối cùng, nghiêm trọng hơn nữa là tham nhũng khơi màu thói chạy theo lợi nhuận theo dây chuyền, bởi vì để “thu hồi lại vốn đầu tư”, họ cần phải bán lại sự ủng hộ cho những cấp thấp hơn. Và nạn mua quan bán chức này có thể leo đến tận cấp tướng sư đoàn, theo như quan sát của một chuyên gia Đài Loan.

May mắn thay là ở những vị trí cao hơn, việc tuyển chọn sẽ gắt gao hơn. Ông Scott Harold, chính trị gia bình luận rằng, ở cấp độ này, cần phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nữa. Không chỉ có quen biết rộng mà còn phải có khả năng thật sự. Ở những vị trí cao hơn, việc đề cử sẽ còn nghiêm ngặt hơn là do các nhà lãnh đạo chính trị phải cùng đồng thuận.

Giải thích cho việc vì sao Trung Quốc khó khăn trong việc chống tham nhũng, ông George Friedman, một chính trị gia cho rằng nguyên nhân chính là do cấu trúc thượng tầng. Quân đội Trung Quốc vốn được kiến trúc để bảo vệ Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không phải để dấn thân ra ngoài. Nhiệm vụ hàng đầu của quân đội chỉ là để bảo vệ an ninh trong nước, theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc xin giấu tên.

Ông nói : “Do vậy, quân đội không chịu trách nhiệm trước công lý về các thủ đoạn vặt vãnh của họ, nơi dẫn đến một loạt các vụ sa ngã khác nhau. Họ cũng không cần phải là con át chủ bài trong chiến lược hoặc trong cấu trúc chỉ huy, cũng như việc không cần phải thích hợp với nhiều vũ khí khác nhau…. Việc này không khuyến khích cho sự phát triển một quân đội chuyên nghiệp. Hiện tượng này vẫn duy trì mặt ” ăn bám” và “suy tàn”.

Nhận định được một chuyên gia châu Âu về quốc phòng đồng chia sẻ. Ông này nhắc lại chính việc thiếu kinh nghiệm tác chiến đáng kể của quân đội, mà Trung Quốc đã gặp thất bại chua xót trong cuộc chiến biên giới cuối cùng với Việt Nam vào năm 1979.

Theo AFP

(dantri.com.vn)