Một lúc sau nữa, bà ta lên tiếng quát mấy cô bé ngồi trong cùng: “Ăn thì ăn lẹ lên, thứ bảy đông khách cứ ngồi đấy mà tám”. Quả thực tôi có cảm giác mình cũng đang bị đuổi.
Nhân dịp có chuyến công tác dài ngày tại TP.Hồ Chí Minh, độc giả Vũ Việt Anh đã có được những trải nghiệm thú vị về cuộc sống tại mảnh đất phồn hoa này. Theo độc giả Việt Anh, văn hóa phục vụ, bán hàng giữa Sài Gòn và Hà Nội có rất nhiều điểm chung… Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Dịp Tết dương lịch năm 2011, tôi có một chuyến du lịch tại Sài Gòn, chuyến du lịch cá nhân đã đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị nhưng cũng nhiều thất vọng với Sài Gòn.
Thực sự người ta hay nói nhiều về văn hóa phục vụ tại Hà Nội, dĩ nhiên cái xấu thì cần phải loại bỏ và tẩy chay không nên cổ vũ nhưng dường như chỉ trích văn hóa Hà Nội hơi có phần quá đà và hội đồng. Nhân dịp này, tôi cũng xin có vài câu chuyện nhỏ về văn hóa bán hàng tại Sài Gòn.
Cảnh buôn bán tại chợ Xanh – Hà Nội (Ảnh: Internet)
Khi đến Sài Gòn, tôi nghỉ tại khách sạn Mai Anh số 324 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Bên cạnh khách sạn này là một con ngõ nhỏ với rất nhiều quán ăn bình dân. Do muốn thử tất cả các món nên tôi lần lượt vào từng quán trong nhiều ngày ở tại đây.
Người Sài Gòn bán hàng dường như có vẻ lạnh lùng hơn, tôi thấy vậy, ít thấy người ta đon đả mời chào sáo rỗng như kiểu ngoài Bắc. Nhưng không sao, tôi thực sự là một khách hàng dễ tính. Khi thấy trên bàn thiếu thứ gì đó hoặc hơi bẩn, gọi anh nhân viên nhưng tôi thấy hơi lạ là người phục vụ vẫn mải xem ti vi để mặc tôi muốn làm gì thì làm.
Tôi thực sự choáng một lần vào ăn hủ tiếu. Hôm đó vào ngày thứ bảy, buổi sáng quán khá đông khách, chừng ba bốn bàn đều kín. Tôi tập trung ăn sáng cho xong sớm vì còn phải đi nhiều nơi trong ngày. Đang cắm cúi thì nghe tiếng bà chủ mắng khách là một thằng nhỏ ăn hủ tiếu bằng giọng miền Nam đặc sệt: “Ăn có bát hủ tiếu 10 nghìn mà bày đặt xin lắm thứ”. Giọng bà ta rất khó chịu khi thằng bé xin thêm nước lèo. Một lúc sau nữa, bà ta lên tiếng quát mấy cô bé ngồi trong cùng: “Ăn thì ăn lẹ lên, thứ bảy đông khách cứ ngồi đấy mà tám”. Quả thực tôi có cảm giác mình cũng đang bị đuổi.
Khi tôi sang Quận 12 để thăm nhà bà dì và nhờ thằng em họ dẫn đi chợ mua sầu riêng. Tôi thích ăn thứ quả này, lúc đó không phải mùa sầu riêng nên bà dì tôi cảnh báo là sẽ đắt hơn bình thường. Sau khi hỏi giá tôi hơi choáng và buột miệng cho rằng, giá này còn đắt hơn cả ngoài Hà Nội thì nhận được lời trách của người bán: “Trời ơi! sầu riêng của người ta là hạt lép, ăn không ăn thì thôi bày đặt chê đắt rẻ”. Lúc đó tôi ngượng chín người đành rút hầu bao.
Hôm một mình ra phố đón giao thừa tại đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1, khoảng 2 giờ sáng tan cuộc tôi tìm đón taxi trở về và không tin vào mắt mình khi khu vực xung quanh đường hoa nào là rác thải vứt bừa bãi, khu vực cấm dẫm lên cỏ thì cỏ bị dẫm nát hết, mọi thứ rất lộn xộn và bẩn thỉu… Tôi chỉ thấy duy nhất một điều là hoa không bị phá như ngoài Hà Nội lúc Hà Nội tổ chức lần đầu. Tôi nghĩ có lẽ ở đây tổ chức nhiều rồi nên người ta đã ý thức được phần nào và hoa trong này cũng sẵn và rẻ.
Một ngày khác đi mua quần áo, tôi dở việc nên có cầm theo một chiếc máy tính bảng khá đắt tiền. Tôi ghé vào một tiệm nằm trên đường Hồ Văn Huê, sau khi chọn được chiếc áo ưng í tôi thanh toán. Cô chủ tiệm lạnh lùng cầm cả cục tiền trên tay nhưng vẫn gọi chồng và đưa tôi ra chỗ anh ta để lấy tiền thừa trả lại. Sau khi nhận tiền và áo tôi được xe ôm chở về một đoạn thì sực nhớ mình để quên chiếc máy tính bảng ở đó. Dĩ nhiên là tôi ra về tay trắng vì sau khi lục tìm và xin xỏ, chủ quán một mực kêu không thấy trong khi quán lúc đó chỉ tôi là khách. Dù làm thế nào, giải thích thế nào vợ chồng cô chủ tiệm vẫn không nghe và tôi đành phải chấp nhận mất món đồ vì tính đãng trí của mình.
Vì có người nhờ nên tôi sang quận 2 mua một món hàng có giá trị khá lớn, một mình giữa chốn Sài Gòn tôi cũng hơi đắn đo, lưỡng lự. Sau khi được đích danh ông giám đốc khuyên bảo, mời mọc, nào là tụi em trong này bán hàng không chỉ lo bán được hàng mà sẽ chăm sóc dịch vụ sau bán hàng rất tốt. Thái độ làm việc rất nghiêm lúc chứ không như ngoài Hà Nội, bán hàng xong bỏ mặc khách nên anh cứ yên tâm và còn nhiều lời hứa khác nữa.
Mọi chuyện không như tôi tưởng, sau khi mình mua hàng tôi mới nhận thấy mình bị lừa vì chất lượng sản phẩm không như ý và tôi chỉ muốn tống khứ nó trước khi trở lại Hà Nội. Tôi có đến công ty nhờ những người này trợ giúp bán lại với giá rẻ nhưng không được. Tôi cầu cứu ông giám đốc qua điện thoại. Mọi cuộc điện thoại đều tắt ngúm trong nhiều ngày và nhân viên thì lắc đầu bảo không thuộc trách nhiệm của em. Tôi thực sự thất vọng. Nhưng rất may mắn cho tôi đã gặp được một người gốc Bắc làm trong ngành và anh ta giúp đỡ tôi bán lại với giá rẻ. Tôi mất một số tiền lớn vì đã trót nghe lời ngon ngọt của chính ông giám đốc. Tới đây thì tôi thất vọng toàn tập với cung cách làm ăn của người Sài Gòn.
Cảnh mua bán sầm uất tại chợ Bến Thành – TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)
Ngày cuối cùng tôi vào chợ Bến Thành mua ít đồ về làm quà. Tôi được một cặp trẻ bán cà phê mời chào khá đon đả. Lần thứ nhất tôi lắc đầu, lần thứ hai tôi chẹp miệng ghé vào xem thử, sau khi xem tôi hỏi giá trước vì sợ bị chém và cũng choáng với mức họ đưa ra. Tôi biết thứ cà phê này có bán ở siêu thị ngoài Hà Nội và thi thoảng tôi cũng mua. Tôi lắc đầu, không dám chê đắt rồi bỏ đi. Do chưa mua được món đồ của mình nên tôi cứ quanh quẩn tìm và lần thứ 3 lại đi qua tiệm đó. Tôi nhận được nguyên một cái bĩu môi và những cái nhìn không mấy thiện cảm của những người bán hàng trẻ kèm theo một câu giỡn “Việt kiều đấy”. Lúc đó, tôi thực sự chỉ dám cười nhạt trong bụng.
Tôi biết viết bài này nhiều người sẽ phản đối hoặc ít ra họ cho rằng tôi gặp toàn người gốc Bắc nên mới bị lừa như vậy. Nhưng tôi xin cam đoan rằng những người trên toàn nói giọng Nam đặc sệt và quá nửa trong số đó là người sống ở Sài Gòn. Dĩ nhiên không phải ai mà tôi gặp cũng đều thế hết nhưng tôi thấy văn hóa bán hàng trong này cũng không khác gì so với Hà Nội.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả.
Theo: GD