“Đứng trước tình hình bệnh nhân nguy kịch, 18 y bác sĩ chỉ làm theo bản năng, không theo sách vở”, một bạn đọc chia sẻ.
Ca cấp cứu bệnh nhân nguy kịch vì chảy máu âm đạo, không biết nhiễm HIV vào ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khiến ê-kíp bác sĩ có thể bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ. Hiện tại, 18 y bác sĩ phải theo dõi sức khỏe 3-6 tháng với các xét nghiệm định kỳ liên tục. Họ cũng phải uống thuốc dự phòng và tuân thủ chế độ phòng ngừa, phòng trường hợp có thể nhiễm bệnh. Trong khi tình trạng sức khỏe của các vị y bác sĩ chưa có kết quả cuối cùng, nhiều người thể hiện sự lo lắng cho họ. “Qua đây cho thấy mấy ai hiểu hết nỗi nhọc nhằn của bác sĩ. Hình ảnh của họ quyết tâm cứu người trước lưỡi hái tử thần khiến tôi rất xúc động. Mong rằng cả 18 người đều bình an, khỏe mạnh” là chia sẻ của độc giả Lê Trần. Anh nói thêm, mỗi khi cứu sống một cuộc đời hay mạng người, y bác sĩ giống như chiến thắng được trận đánh lịch sử vinh quang. Nhiều người chỉ trích họ vì sao không tuân theo quy tắc bảo hộ an toàn trong khi cứu chữa cho bệnh nhân. Nhưng khi người thầy thuốc đã lựa chọn nghề y, đứng trước tình hình bệnh nhân nguy kịch, họ chỉ làm theo bản năng, không theo sách vở. Binh Huyền tâm sự, trước sự sống, cái chết của bệnh nhân, bác sĩ không thể chờ đủ xét nghiệm mới cứu người. Trong trường hợp họ gặp phải những bệnh nhân nhiễm HIV hay bệnh lây nhiễm, sẽ đối diện với nguy cơ bị bệnh cao, sống trong lo âu. Áp lực về bệnh trạng, sự bất ổn tâm lý sẽ đeo bám y bác sĩ mỗi ngày. Với Nguyễn Nhiễm, cô từng gặp nhiều trường hợp y bác sĩ phải uống thuốc phơi nhiễm HIV. Chính họ cũng rất mệt mỏi và căng thẳng với bản thân. Người nhà, bạn bè cũng rơi vào hoàn cảnh lo lắng cho họ. Đứng ở vị trí của người nhà bệnh nhân, nhiều bạn đọc phân trần, người phụ nữ đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, không thể nói cho y bác sĩ biết rõ bệnh trạng nhiễm HIV. Còn người nhà có thể do quá hoảng hốt, bối rối, không nhớ phải khai báo. Hoặc họ sợ, tự ti khi bác sĩ biết rõ sẽ không tận tình cứu chữa. “Tuy nhiên, sự lo lắng không đáng có của người nhà bệnh nhân đã khiến 18 người rơi vào hoàn cảnh đáng lo ngại hơn. Nếu họ nói sự thật, bác sĩ đã có biện pháp vừa cứu người, vừa bảo vệ chính họ”, Trực Nguyễn nói. Internet phát triển mạnh ở Việt Nam đã nhiều năm, đáng tiếc hệ thống quản lý chưa tận dụng được ưu thế để quản lý người bệnh là góp ý của Phương Nguyễn. Nếu người bệnh bị nhiễm HIV có thể quản lý được bằng số chứng minh thư hoặc scan và lưu trên hệ thống chung của ngành y. Dù họ đi đến đâu, gặp phải hoàn cảnh bệnh tật nào cũng có thể đảm bảo an toàn hơn cho y bác sĩ lẫn người xung quanh.
Thời gian qua, nhiều thông tin về việc y bác sĩ tắc trách, không làm đúng nhiệm vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành y trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề đều có mặt trái, phải, người tốt hoặc xấu. “Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”, ngành y tác động trực tiếp đến người dân nên y bác sĩ dễ bị lên án hơn so với các ngành nghề khác. Vì vậy, Nhường Thúy bộc bạch: “Các bạn hãy đặt mình vào cương vị người khác trước khi bình luận, đánh giá. Điều đó mới chứng minh được bạn là người có kiến thức, có tâm. Làm thì khó, nói thì dễ. Những ai từng lên án nghề y xin hãy xem đây là minh chứng tốt của những y bác sĩ đã và đang hết mình vì nghề y”. Theo định nghĩa của Bộ Y tế, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong cuộc sống, bạn có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do:
– Bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm. Trong trường hợp gặp rủi ro, việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp bạn hoặc người thân hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV. Nhật My (Tổng hợp) |
Theo Zing