Chiều 9/7, trao đổi với phóng viên về kết quả xét nghiệm ban đầu với 18 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội khẳng định: tất cả đều âm tính với HIV.
Liên quan đến sự việc 18 nhân viên y tế của Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm với HIV sau khi cấp cứu một ca bệnh đặc biệt, ông Lê Nhân Tuấn xác nhận hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm của 18 bác sĩ, y tá, nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng theo ông Tuấn thì còn phải chờ 20 ngày nữa Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. Theo chia sẻ của ông Tuấn thì nguy cơ nhiễm rất thấp bởi bản thân bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định khi tiếp xúc và quá trình phẫu thuật cho người bệnh. Trước đó, ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận một ca cấp cứu hết sức nguy kịch. Bệnh nhân N.T. H ở Quảng Ninh cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh lên huyện Mỹ Đức, Hà Nội (chị H lấy chồng ở Quảng Ninh đưa con về thăm quê ngoại), khi đi đến khu vực Phố Nối, tỉnh Hưng Yên thì có hiện tượng chảy máu âm đạo và bị ngất xỉu. Con trai chị vội điện báo cho cô ruột đang làm việc tại Hà Nội. Xe khách tới nơi, chị H được em chồng và con đưa vào thẳng phòng cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo ra xối xả, ướt đẫm quần áo.
Theo chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội TS. Nguyễn Duy Ánh thì vì bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, tim ngừng đập, máu chảy không ngừng, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” nên bệnh viện đã huy động 18 y bác sĩ cho ca cấp cứu đặc biệt này. Lúc đó, sinh mạng của bệnh nhân được tính bằng giây nên các y bác sĩ tập trung vào việc cứu người trước tiên bởi nếu mặc trang phục bảo hộ sẽ mất tới 1-2 phút, không kịp. Thời điểm cấp cứu, không ai biết bệnh nhân bị HIV. “Chúng tôi chỉ biết làm theo bản năng của người thầy thuốc khi thấy sinh mạng của người bệnh chỉ tính bằng tích tắc” – TS Ánh chia sẻ. Và sự tận tâm, trách nhiệm, kịp thời của 18 lương y đã cứu sống chị H. Đến lúc tính mạng chị vượt qua được lưỡi hãi của tử thần thì họ mới nhận được tin: người bệnh bị HIV. Ngay trong ngày, 18 y bác sĩ đã được làm các thủ tục để uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Còn về phía bệnh nhân H, sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe tốt, chị đã được ra viện. Liên quan đến vấn đề này, sáng 9/7, TS Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với các y, bác sĩ trong ca cấp cứu đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là rất thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân viên y tế, Trung tâm phòng chống HIV Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm thủ tục cho các y bác sĩ uống thuốc kháng virut HIV. Chiều 9/7, Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – ông Nguyễn Khắc Hiền đã trao quyết định khen thưởng, biểu dương toàn bộ kíp cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho bệnh nhân N.T.H. T.H.
|
Theo CAND