Thời gian gần đây, không chỉ liên tiếp bị bắt tàu cá, ngư dân Việt Nam còn ghi nhận hàng trăm trường hợp tàu thuyền có công suất lớn của Trung Quốc xâm nhập vùng biển các tỉnh miền Trung với cường độ ngày càng nhiều.
Điều này khiến ngư trường đánh bắt của ngư dân Việt Nam ngày càng bị thu hẹp dần, trong khi đó vươn ra biển xa thì nơm nớp lo sợ phía Trung Quốc bắt giữ, lấy tàu.
Tàu cá của Trung Quốc bị biên phòng Quảng Ngãi bắt, đưa về cảng Sa Kỳ (Bình Châu, Bình Sơn – Quảng Ngãi) vào tháng 5.2007.
|
Ngư dân: “Ra mấy chục hải lý là thấy tàu cá Trung Quốc”
Trò chuyện với ngư dân tại xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi thấy bà con rất bức xúc khi nói về tình trạng tàu cá của Trung Quốc xâm nhập đánh cá ở vùng biển gần đảo Lý Sơn. Anh Bưu, một ngư dân tại đây cho hay: “Cứ ra biển cách đất liền mấy chục hải lý là gặp nhan nhản tàu cá Trung Quốc. Hãi hùng nhất là cách tàu Trung Quốc đánh cá”. Anh Bưu kể, vào tháng 3 và tháng 4 vừa rồi, tàu anh ra khơi gặp các tàu cá của Trung Quốc hành nghề giã cào, cứ hai tàu một cặp đánh bắt. Tàu cá Trung Quốc không đi đơn lẻ mà hàng chục tàu dàn hàng ngang trên mặt biển, cào tất tần tật từ cá, tôm, cua cùng các loài hải sản. Ngay đến cả lưới của ngư dân Lý Sơn và các địa phương khác đến vùng biển này giăng ra bắt cá cũng bị tàu cá Trung Quốc… cào hết.
“Sao ngư dân mình không phản đối?”, chúng tôi hỏi. Anh Bưu lắc đầu: “Tàu của họ to, còn tàu mình là nhỏ. Ngay cả tàu hải quân, cảnh sát biển của mình đứng với tàu Trung Quốc cũng nhỏ hơn nhiều. Tụi tui thấy nó là lo tránh, rủi nó đụng vào là tiêu liền”.
Nhiều ngư dân khác cũng bức xúc cho hay, có nhiều khi lưới thả ra, nhưng thấy tàu Trung Quốc đến, ngư dân mình lật đật cuốn lên, nếu không giàn lưới sẽ nát thành… tương. Thậm chí, tàu cá Trung Quốc giăng ngang hàng chục hải lý nên ngư dân mình thả lưới xuống thì họ không chịu, buộc kéo lên. Ngư dân ta rất ấm ức nhưng không làm gì được vì tàu cá Trung Quốc thuộc loại tàu “khủng”, lại đi từng đoàn.
Theo ngư dân Lý Sơn và xã Bình Châu, việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt ở gần vùng biển đảo Lý Sơn đã “quá quen” từ mấy năm nay. Nhất là vào những ngày tối trời, hàng chục tàu cá Trung Quốc thường xâm nhập vào đánh bắt cá. Còn theo một sĩ quan biên phòng ở Lý Sơn, ngay cả vào mùa biển động gió cấp 6 và 7, tàu Trung Quốc cũng đậu tại chỗ rồi thả canô cho ngư dân xuống vớt các loài cá cam nhỏ bị trôi dạt để về nuôi.
Đề nghị đóng tàu sắt công suất lớn Ngày 5.7, báo Thanh Niên dẫn nguồn từ ông Lê Văn Trúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, gần đây tàu cá Trung Quốc với số lượng đông đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của ta, lấn át ngư trường (có thời điểm gần 200 lượt tàu/ngày); một số tàu Trung Quốc gây áp lực không cho ngư dân ta đánh bắt. Trước tình hình này, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị cấp cho bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tàu vỏ sắt công suất 3.000CV để bảo vệ biển và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đồng thời kiến nghị nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt có công suất lớn để thành lập những tập đoàn đánh bắt hiện đại. |
Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, không chỉ ở vùng biển Quảng Ngãi, mà ngư trường từ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam… tàu cá Trung Quốc cũng xâm nhập rất nhiều lần. Đơn cử như đầu tháng 2, biên phòng thành phố Đà Nẵng phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc đang xâm nhập vùng biển miền Trung, cách bờ biển Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế chỉ khoảng 45 hải lý.
Chính quyền: Không dễ bắt tàu cá Trung Quốc
Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương xác nhận, tình hình tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào gần vùng biển gần Lý Sơn thì huyện đã biết. “Cụ thể bao nhiêu vụ thì huyện không nắm rõ”. Nhận xét chung của nhiều người cho rằng, thời gian qua tàu cá Trung Quốc gia tăng sự thâm nhập vào gần bờ biển miền Trung để đánh bắt hải sản. Ngư dân Dương Tân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn nói cùng với tàu to và công suất lớn, tàu cá Trung Quốc thường đi chung hàng đoàn từ 30 – 50 chiếc trở lên. Theo dõi của ngành chức năng cho thấy, vùng biển từ thành phố Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hiện có khoảng 100 tàu cá Trung Quốc lén ra vào đánh bắt hải sản. Khi gặp ngành chức năng Việt Nam hay các nước, các tàu cá này kết lại thành bè lớn, bảo vệ lẫn nhau hoặc tản ra, chặt lưới, thả vật cản tàu của ngành chức năng truy đuổi.
Trên thực tế, đã có nhiều mất mát, bị thương của lực lượng chức năng ta khi đối mặt với tàu cá của Trung Quốc. Cụ thể là bị ngư dân Trung Quốc đâm tàu cá vào, hoặc ép giữa hai tàu khi cán bộ lực lượng chức năng ta tiếp cận và lên tàu kiểm tra, xử lý.
Sáng 12.7, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Hoàng, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm chủ tịch hội nghề cá Quảng Ngãi cho rằng, việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Quảng Ngãi đánh bắt cá đã diễn ra từ nhiều năm qua và cường độ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không dễ bắt được tàu cá Trung Quốc, bởi trên các tàu này luôn có rađa theo dõi. Vì vậy khi lực lượng hải quân, cảnh sát biển xuất phát vài hải lý là tàu Trung Quốc phát hiện, bỏ chạy ra vùng biển Hoàng Sa (nơi có lực lượng quân sự Trung Quốc chiếm đóng) và vùng biển quốc tế ẩn núp. Sau đó, những tàu này lại quay vào đánh bắt tiếp tục.
Cũng theo ông Hoàng, bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã phối hợp với ngành chức năng các tỉnh khác tổ chức tuần tra truy bắt, xua đuổi tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển miền Trung. Tuy nhiên, một phần cũng do lực lượng chức năng của ta còn mỏng, do đó không giăng được hết ra khắp vùng biển miền Trung để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép.
“Theo tôi, ngành chức năng cần phải có biện pháp tăng cường sự hiện diện trên biển để vừa đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc xâm nhập, vừa bảo vệ ngư trường cho ngư dân ta”, ông Hoàng nói.
BÀI VÀ ẢNH: PHẠM ANH