Tinh Hoa

80% số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn

Mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật lên tiếng báo động về việc 80% số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn.

AFP photo

Người lao động nghèo ăn sáng ở vỉa hè Hà Nội hôm 17/11/2010

Đỗ Hiếu trình bày thêm thông tin vừa được báo Lao Động đăng tải.

Theo số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu mới nhất của  Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật,  thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay trên toàn thành phố chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu cung ứng thực phẩm cho người dân và các cơ sở doanh nghiệp và chế biến. 80% khối lượng còn lại, thành phố phải nhập từ các địa phương khác cũng như từ nước ngoài, nên nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều đó có nghĩa là thành phố không kiểm soát được hàng trăm tấn rau, quả, thịt heo, bò, gà vịt, thủy sản  cung cấp cho giới tiêu thụ, mỗi ngày.

Nhà nước quản lý không xuể

Báo cáo của ngành y tế cho thấy, trong năm 2010, toàn thành phố Saigon đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc tập thể, hơn 700 người được nhập viện khẩn cấp vì dùng thực phẩm mất vệ sinh. Những trường hợp bị ngộ độc lẻ tẻ vẫn thường xuyên xảy ra, mà không ai rõ chính xác là bao nhiêu.

Mặt khác trong các loại thức ăn nuôi gia súc, gia cầm, lái buôn pha trộn nhiều hóa chất giúp tăng trọng khiến người tiêu thụ bị ảnh hưởng và nhiễm độc theo “kiểu dây chuyền”.
Giáo sư tiến sĩ Khoa học Nguyễn Diệp Đăng, thuộc Phân viện Công nghiệp thực phẩm thành phố  Hồ Chí Minh nói là vấn đề thực phẩm mất an toàn là điều không thể phủ nhận, nhưng theo ông thì không nên quá bi quan:

“Thực phẩm bây giờ có mất an toàn nhưng không đến nỗi là 80%, khoảng 50% thôi. Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp cùng phối hợp để làm sao giảm về ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là trong nông nghiệp, người ta bón phân hóa học nhiều quá, dùng nhiều thuốc trừ sâu do đó thực phẩm bị nhiễm độc.”

Để làm giảm nguy cơ thực phẩm mất an toàn, ông kể ra một số biện pháp đang được áp dụng:

“Dùng phân bón hữu cơ, vi sinh, khoáng tổng hợp, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, đảm bảo hơn. Trước đây mình cứ dùng hóa chất hóa học rất nguy hiểm. Vừa qua có máy ozone, được sử dụng để khử trùng, khử các hóa chất độc, đây cũng là một biện pháp có thể sử dụng trong các gia đình được.”

Đây là trách nhiệm của nhà nước, của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn, vấn đề kiểm dịch rõ ràng, cần quản lý tốt vấn đề chăn nuôi, sản xuất, thì sẽ đỡ nhiễm độc hơn.

GSTS. Nguyễn Diệp Đăng

Theo ông thì vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe giới tiêu dùng có thể đạt kết quả với một số điều kiện:

“Đây là trách nhiệm của nhà nước, của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn, phải kiểm tra các thức ăn của heo, gà, phải sản xuất đảm bảo chất lượng hơn, đừng lợi dụng chất tăng trọng nhiều quá, vấn đề kiểm dịch rõ ràng, cần quản lý tốt vấn đề chăn nuôi, sản xuất, thì sẽ đỡ nhiễm độc hơn.”

Nhiều ý kiến nêu lên trong cuộc mạn đàm cũng cho rằng, việc quản lý thị trường lỏng lẻo, chồng chéo, chiếu lệ cộng với tình trạng thiếu nhân lực nên vấn đề vệ sinh an toàn bị “thả nổi”.

Người nghèo lãnh đủ

Về phía người tiêu dùng thực phẩm hàng ngày, cô Hòa, một công nhân có thu nhập kém, biết rõ là có chuyện không bảo đảm vệ sinh an toàn, nhưng món nào rẻ, ăn cho khỏi đói thì cứ phải mua ăn để sống: 

Một tiệm bán thịt bò tại chợ Gò Vấp. RFA photo

“Đúng ra là đời sống của người ta cũng cực lắm, thí dụ như rau muống trồng ở trên mấy con sông, ruộng sình lầy, rác, dơ bẩn, có quay lên TV và biết như vậy, nhưng mà đời sống khó khăn quá, nếu vô siêu thị mua thì một bó rau mười mấy ngàn, dân lao động nghèo đâu có tiền, mua bó rau muống bên ngoài chỉ hai, ba ngàn thôi. Dù người ta biết là dơ, vẫn phải ăn, chứ nếu ăn một bó rau 11 ngàn, thì rất ít, không đủ cho con người ta ăn, ở ngoài mua 2 bó có sáu ngàn, nếu mua hai bó, hai mươi mấy ngàn thì người ta không có tiền mua những thứ khác. Vô tiệm thì phải ăn sạch hơn, nhưng vì không tiền nên phải ăn cơm hàng, cháo chợ bên ngoài, thì vừa túi tiền. Vô tiệm ăn tô phở 50 ngàn, ở ngoài ăn nửa tiền, mười mấy, hai chục ngàn, như vậy cả gia đình mới ăn được buổi sáng, nếu vô tiệm chỉ có một người ăn thôi.”

Báo đài có hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng điều đó chỉ có thể áp dụng cho người có tiền, còn dân nghèo thì đành chịu, cô Hòa nói lên sự thật mà dân lao động phải đối mặt hàng ngày:

Những người buôn thúng, bán bưng, đâu có tiền vô siêu thị, biết là dơ thiệt nhưng mà vì cuộc sống, người ta phải đâm liều luôn.

Cô Hòa, công nhân ở SG

“TV có nói rõ chỗ này dơ, chỗ kia dơ, không nên ăn rau trồng như vậy, nên vô siêu thị, mua rau an toàn ăn, nhưng vì đời sống khó khăn quá, làm sao có tiền vô siêu thị mua được bó mau, mười một ngàn. Những người buôn thúng, bán bưng, đâu có tiền vô siêu thị, biết là dơ thiệt nhưng mà vì cuộc sống, người ta phải đâm liều luôn.”

Theo giới chuyên gia thì muốn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chánh quyền cần có những biện pháp đồng bộ, được sự hưởng ứng tích cực từ người quản lý, người sản xuất, người tiêu thụ, cùng hướng đến mục tiêu chung, với tâm niệm gìn giữ sức khỏe là trên hết, vì không có gì đánh đổi được. 

Theo rfa