“Trung Quốc đang ngăn chặn các cố gắng để giải quyết căng thẳng kéo dài đối với vụ tranh chấp trong Biển Đông”. Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời quan chức một số nước ASEAN trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Bà Clinton đã đến thủ đô Campuchia vào cuối ngày 11/7 để dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 45 (AMM 45) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Theo tờ The Wall Street Journal, bà Clinton và Thủ tướng Campuchia đã thảo luận vấn đề mở cửa đầu tư ở Campuchia như là một phần nỗ lực để mở rộng xây dựng mối quan hệ đồng minh của Washington ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ khi trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam |
Tuy nhiên, những căng thẳng trên vùng Biển Đông vẫn đang là một trong những quan ngại lớn nhất ở chuyến viếng thăm Châu Á kéo dài 1 tuần lễ của bà Clinton.
Bà Clinton cũng khẳng định, bà hy vọng các nước ở Châu Á sẽ cùng nhau hoàn thiện bộ luật ứng xử các hoạt động trên biển và đảm bảo những bất đồng trong tương lai sẽ được giải quyết một cách thân thiện.
Trong khi đó, bài bình luận trên Tân Hoa Xã – hãng tin Nhà nước của Trung Quốc cho rằng: “Cuộc họp ASEAN không phải là nền tảng thích hợp để thảo luận về vấn đề tranh chấp trên biển. Thay vào đó, các nước nên tập trung vào việc xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau”.
Trước đó, một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc đã mô tả các cuộc thảo luận về vùng Biển Đông như là “sự cố ý thổi phồng của quốc gia không liên quan” để can thiệp vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Nhiều nước trên thế giới phản đối chính sách tàu hải giám của Trung Quốc |
“Chắc chắn là luôn luôn có sự tồn tại của những quan điểm bất đồng. Tôi tin rằng thông qua sự từng trải và chia sẻ kinh nghiệm của các bên, sẽ có một sự thỏa thuận chung được thông qua đàm phán hòa bình.”, bà Clinton nói với những đồng nhiệm ở ASEAN.
Theo hãng tin AFP, trung tâm của AMM 45 sẽ là bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý soạn thảo bộ quy tắc này cách đây một thập kỉ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, lý do chính của việc chưa hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông là lập trường đàm phán song phương của Trung Quốc. Nước này luôn nói họ không đàm phán đa phương về những tranh chấp ở Biển Đông.
Những người chỉ trích chính sách của Trung Quốc nói, Bắc Kinh đang muốn cô lập các quốc gia có liên quan trong tranh chấp Biển Đông.
“Ngoại trưởng các nước ASEAN đang họp khẩn cấp nhằm xử lý cách diễn đạt về Biển Đông trong bản Tuyên bố chung này.
Nhưng những hy vọng cho sự tiến bộ của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đang diễn ra ở Phnom Penh có lẽ sẽ ở mức thấp nhất”, hãng tin AFP bình luận.
An Nhiên
(vtc.vn)