Ngay sau buổi thi Văn khối D kỳ thi ĐH 2012, nhiều bạn trẻ tự nhận là người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc đăng bài khắp các diễn đàn để “ném đá” đề thi này với lời lẽ khiếm nhã, gay gắt.
Sinh ra là người của Suju, chết là người của Suju
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã ra đề thi tuyển sinh ĐH môn văn khối D như sau: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa”.
Đề thi đã làm nhiều thí sinh thích thú, nhưng lại có một bộ phận bạn trẻ phản ứng. Ngay sau buổi thi, nhiều bạn trẻ tự nhận là người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc đăng bài khắp các diễn đàn để “ném đá” đề thi này với lời lẽ khiếm nhã, gay gắt.
Tâm thư của một tín đồ Suju gửi Bộ Giáo dục. Nguồn: voz.vn |
Một độc giả có tên là Lê Minh Hồ, 18 tuổi – tự nhận thí sinh dự thi khoa tiếng Hàn, ĐH Hà Nội gửi “huyết tâm thư” tới Bộ GD&ĐT và Ban ra đề thi văn ĐH 2012. Trích nguyên văn đoạn sau: “Từ khi biết tới Suju, tôi đã hiểu mình sinh ra là người của Suju, chết là người của Suju rồi”.
Nhân vật này hâm mộ thần tượng như tín đồ của một tôn giáo, trung thành đến tuyệt đối: “Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng khám phá ra rằng Suju chính là ánh dương soi đường chỉ lối cho chúng tôi vững bước. Suju là Đấng toàn năng mang nụ cười hạnh phúc đến với nhân loại”.
Bởi thế, độc giả này viết lá thư này kính gửi Bộ Giáo dục, tha thiết đề nghị nên có lời xin lỗi chính thức đối với những tín đồ K-Pop.
Trên cộng đồng mạng Facebook còn có “Hội những người tẩy chay đề thi Bộ Giáo dục”. Trong Hội này, những thành viên bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, hầu hết đều tỏ ra bức xúc khi đề thi đã chạm đến những sở thích riêng tư của họ.
Nick name Tôi Yêu Suju viết: “Hâm mộ ai, thần tượng ai là quyền của riêng người ta, vì sao các bạn lại cứ thích ném đá chúng tôi? Tại vì các bạn không dám thần tượng, không dám thể hiện niềm yêu thích của các bạn? Tôi yêu K-pop và tôi dám thể hiện tình yêu đó”.
Nhiều Facebook đã chia sẻ một status phản đối đề thi gay gắt: “Quá bực mình, đề thi khác gì chửi vào mặt fan K-pop bọn tôi… Đọc đề là đủ biết xoáy đểu fan K-pop rồi… Mình ghi vào bài thi là: K-pop là nhạc số 1, các loại khác chả có gì bằng được hết, rồi đi về, không thèm làm bài nữa…”.
Trong bối cảnh hiện đại, khi sự du nhập văn hóa ào ạt vào nước ta, nếu không biết chọn lọc các bạn trẻ dễ đánh mất đi bản sắc dân tộc. Hơn nữa, trong tâm lý tuổi mới lớn thường có nhiều biến động.
Không ít bạn trẻ xây dựng hình mẫu thần tượng cho mình bằng ảo tưởng dẫn đến sự quá khích, sai lệch trong cách biểu hiện với thần tượng. Cũng không ít người mắc hội chứng “lây lan” thần tượng hay tâm lý đám đông, họ hâm mộ một ai đó không phải vì con người thần tượng mà là vì muốn mình… không lạc hậu.
Tùy dòng nhạc, thời đại mà mỗi người thể hiện sự hâm mộ của mình một cách khác nhau. Thế nhưng, thể hiện sự hâm mộ bằng sự công kích, nói xấu, ném đá nhau là những hình ảnh xấu xí hiện đang xuất hiện tràn lan trên cư dân mạng.
Ranh giới giữa thần tượng và mê muội
Nếu đã từng theo dõi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chắc hẳn các bạn đều thấy được những câu chuyện bên lề xúc động. Đó là một cậu bé nghèo quê Nghệ An đã đi xe đạp 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội chỉ với 30.000 đồng.
Đó là cậu bé khuyết tật cao 1,1 mét, chỉ đi được khoảng vài trăm mét nhưng luôn khát khao vào ĐH để thay đổi cuộc sống của mình, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Thấp thoáng trong cảnh tượng hàng trăm phụ huynh đứng chờ đợi con giữa thời tiết nắng mưa của Hà Nội là ông cụ 80 tuổi đã 10 lần đưa cháu đi thi, là cô bé 12 tuổi đưa dì “tí hon” dự thi…
Hội những người ủng hộ đề thi của Bộ Giáo dục. |
Trong khi đó, những fan cuồng đã “tẩy chay” Bộ Giáo dục bằng cách không làm bài thi phần câu hỏi này để giữ tình yêu với thần tượng. Thử hỏi, bố mẹ các em có còn giữ nguyên được sự kỳ vọng? Sự việc này cũng là cảnh báo thật sự cho những ai đang đưa việc thần tượng đi quá xa, đúng như đề văn đã nêu đó là “mê muội” và “thảm họa”.
Đề thi chỉ ra sự khác nhau giữa “ngưỡng mộ” và “mê muội”, giữa “nét đẹp văn hóa” và “thảm họa” để thí sinh tự đi tìm đáp án cho riêng mình. Đương nhiên, trong những đề bài kiểu này sẽ không có một barem chấm nhất định.
Ngưỡng mộ thần tượng là sự yêu mến, hâm mộ một cách có chừng mực những cái hay, cái đẹp của một thần tượng cụ thể. Đây được coi là một hiện tượng tâm lý bình thường của con người. Còn, mê muội thần tượng là sự cuồng tín, đeo đuổi, đề cao thần tượng một cách quá mức. Điều này dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc.
Nếu mỗi cá nhân biết ngưỡng một thần tượng một cách có văn hóa thì sẽ làm bản thân mình tốt đẹp hơn và tạo nên sức sống dài lâu cho chính thần tượng của họ.
(Theo GDVN)
(bee.net.vn)