Tinh Hoa

Đối phó với quá trình tìm việc kéo dài

  Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp nhằm giúp những người đang trong giai đoạn chờ việc giữ vững động lực và vượt qua chướng ngại vật này:

Kiểm tra tình trạng tâm lý

Thời gian không làm việc càng lâu, bạn càng cảm thấy lo lắng, bất an, trầm cảm và tình trạng này có thể ảnh hưởng tới cơ hội tìm việc của bạn. “Tinh thần là phần tất yếu trong quá trình tìm việc và thật không may, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng tiêu cực khi mọi việc không như dự tính”, Helaine Z. Harris, một nhà tâm lý học ở Los Angesles, Mỹ, nói.

Vì vậy, hãy cố gắng bình tĩnh, thư giãn và giữ đầu óc tỉnh táo. Bạn có thể liên lạc với bạn bè, người thân và chia sẻ cảm xúc khi thất nghiệp của mình. Đồng thời, tránh đơn độc, tự giày vò bản thân.

Luyện tập thể dục

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng luyện tập thể chất giúp cải thiện tinh thần và giảm lo lắng. Tập gym hay thậm chí đi bộ hàng ngày quanh nhà mình có thể giúp ích cho quá trình tìm việc của bạn. “Những bài tập đều đặn tạo tính kỷ luật và chứng tỏ rằng bạn có thể vượt qua những việc khó khăn. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát cảm xúc và tâm trạng của mình khi nhận được những cuộc gọi không vui từ nhà tuyển dụng”, Penelope Trunk, người sáng lập mạng xã hội Brazen Careerist, cho biết.

Tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ

Nhiều người ngại phải giao lưu, nói chuyệnvới người khác về tình trạng của mình nên chỉ âm thầm “sống” trong “thế giới ảo”. Internet và mạng xã hội có thể hữu ích những chúng không phải là công cụ khả dụng duy nhất để tìm việc. Quá phụ thuộc vào chúng có thể khiến tình trạng thất nghiệp thêm kéo dài. Thay vào đó, hãy gặp mặt trực tiếp các thành viên trong mạng lưới quan hệ của bạn. Trong một tuần, bạn nên có ít nhất một buổi gặp mặt với bạn bè, đồng nghiệp/ khách hàng cũ để nắm bắt thông tin tuyển dụng, tình hình chung của lĩnh vực và để mọi người giúp đỡ bạn.

Đánh giá lại chiến lược tìm việc

Đầu óc sáng suốt hơn với cơ thể nhiều năng lượng và lịch trình xã hội bận rộn hơn, bạn có thể đánh giá chính xác hơn mức độ hiệu quả của quá trình tìm việc của mình. Chuyên viên đào tạo đề nghiệp, tiến sĩ Marty Nemko, khuyến khích người tìm việc không nên chủ quan cho rằng mình đã làm đúng, mình có CV hoàn hảo và nguyên nhân mình chưa có việc là do các yếu tố bên ngoài.

“Liệu bạn có chuyên tâm vào quá trình tìm việc? Bạn có năng nổ trong các tổ chức nghề nghiệp, gặp gỡ trực tiếp và online các mối quan hệ của mình? Sau mỗi cuộc phỏng vấn, bạn có viết thư cám ơn và giải thích rõ những gì mình có thể mang lại cho công ty? Bạn có nhờ người đáng tin cậy kiểm tra hồ sơ tìm việc của mình? Nếu đã thực hiện tất cả các việc trên mà vẫn chưa tìm được việc, bạn nên thay đổi mục tiêu việc làm của mình với công việc có nhu cầu cao hơn hay chức vụ thấp hơn”, Nemko nói.

Lấp đầy lỗ hổng trong CV

Theo Trunk, CV là lịch sử những thành tích bạn đã đạt được chứ không nhất thiết phải là liệt kê những công việc bạn đã từng làm theo thứ tự thời gian. Với tâm lý đó, bạn sẽ không có lỗ hổng nào trong CV. Trong thời gian, chưa có việc làm chính thức, bạn nên tiếp tục mở rộng kiến thức, trau dôi khả năng bằng cách học thêm, tham gia hoạt động tình nguyện… Sau đó, hãy trình bày những gì bạn đạt được trong thời gian chờ việc này trong CV.

Vũ Vũ

Theo Monster

(dantri.com.vn)