Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đổ đến chùa Hưng Mỹ (Bến Tre) để xem “rồng tái thế”. Nhiều câu chuyện ly kỳ đồn thổi làm người nghe hoang mang.
Ngày 4/7, chúng tôi đã có mặt tại chùa Hưng Mỹ (ấp Phước Khánh, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) để tìm hiểu sự việc. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đã có hơn 70 người kéo vào chùa để xem con vật chưa đầy 10 kg mà nhiều người gọi là rồng…
Cũng tại đây, chúng tôi đã nghe hàng chục câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn của những người cùng đến xem “rồng tái thế”.
“Rồng Indo cứu sanh độ thế”!
Ngay chuyện bắt được con vật đã được đồn đại li kỳ: Ngày 23/5 vừa qua, em Nguyễn Hoàng Thông (16 tuổi, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc) đi bắt cá thòi lòi ở rạch thì gặp con vật này.
Kỳ đà vân ở chùa Hưng Mỹ |
Thông dùng chài cá để bao bắt nhưng con vật giãy giụa rồi bỏ chạy. Em lột chiếc áo mình đang mặc chạy theo trùm lên đầu nó. Ngay tức khắc, nó nằm im thin thít cho em ôm về nhà.
Nhiều người truyền tai nhau rằng con vật này là “rồng Indo xuất hiện cứu sanh độ thế”. Có nhiều khách từ tỉnh xa đến ngỏ ý muốn mua “rồng Indo” với giá 10 triệu, 20 triệu rồi đến 50, 70 triệu đồng.
Những lúc cao điểm có cả ngàn người đến xem “rồng Indo”. Họ đi sạt cả bờ dừa của những nhà gần nhà Thông. Những người dân gần đó thừa cơ mở dịch vụ giữ xe máy với giá 10.000 đồng/chiếc.
Đồn đại sặc mùi mê tín
Người dân đồn đại sư cô ở các chùa trong huyện hẹn đến nơi cậu bé bắt được “rồng Indo” để thỉnh về. Các sư cô đến nơi đứng xung quanh, nếu rồng thích sư nào thì bò về phía sư ấy theo về chùa. Kết cục rồng bò về phía sư cô của chùa Hưng Mỹ.
Người dân đến xem “rồng”. |
Thế nhưng mẹ em Thông là bà Võ Thị Huệ xác nhận với người viết là con trai bà bắt được con vật lạ và bán cho một người với giá 22 triệu đồng, người này đã đem con vật cúng cho chùa.
Hằng ngày sư cô mượn người khiêng chuồng rồng ra phía trước sân chùa để mọi người được ngắm nhìn. Nhiều người còn đồn thổi rằng nếu ai bị bệnh tật không thể chữa khỏi thì cứ đến xem và dùng tay vuốt rồng rồi để tay lên nơi bị bệnh thì sẽ hết bệnh.
Rồng này là vật linh thiêng, đêm thường khè ra lửa nhưng bên ngoài cơ thể rồng lạnh lẽo nên mới cần chiếc áo của em Thông. Khi đắp bất cứ thứ loại mền vải đẹp nào rồng đều không chịu và thẳng thừng quậy tung thứ đó ra, chỉ khi đắp chiếc áo của cậu bé thì rồng hiền từ nằm ngủ nghe kinh Phật…
Kỳ đà hoa bắt được ở Mỏ Cày Nam |
Trong chùa còn nuôi một “rồng” nữa, trước kia trú trong đống củi của nhà một người dân ở Mỏ Cày Nam. Cứ vài đêm gà nuôi trong nhà bị mất mà không rõ nguyên nhân. Sau một thời gian theo dõi, chủ nhà mới phát hiện có một con kỳ đà khổng lồ đang trú trong đống củi.
Kỳ đà chứ không phải rồng! Hai con vật trên đều là kỳ đà chứ không phải rồng như mọi người đồn thổi. Một con là kỳ đà vân (kỳ đà khô) có tên khoa học là Varanusbengalensis. Thân con vật màu xám đất có các đốm trắng li ti không xếp thành hàng. Đầu vàng nhạt. Đuôi có hai dải vàng chạy dọc. Chúng ăn các loại động vật nhỏ, cá… Hiện ở Bến Tre có chín trại nuôi kỳ đà vân, khoảng 355 con, tập trung chủ yếu ở Bình Đại và Mỏ Cày. Giá thị trường kỳ đà vân khoảng 300.000-380.000 đồng/kg. Kỳ đà vân thuộc động vật quý hiếm nhưng do sinh sản được nên Nhà nước cấp phép cho nuôi. Việc em Thông bắt từ tự nhiên là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, em Thông không phải là người săn bắt chuyên nghiệp nên chi cục kiểm lâm không xử phạt. Kỳ đà ở Mỏ Cày Nam có tên gọi khoa học là Varanus Salvator (kỳ đà hoa). Thân màu xanh đá, có các đốm hoa tròn, to có chấm sẫm ở giữa. Các đốm hoa xếp thành hàng ngang. Đuôi có các vòng trắng và vàng đen xen kẽ nhau. Chúng ở bờ sông, bờ suối vùng trung du và miền núi, ăn các loài cá thân mềm, cua, ếch, nhái, bò sát, chim, chuột, sâu bọ. Ông Nguyễn Thế Nghĩa Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre Phạm điều cấm của đạo Phật Việc nuôi nhốt động vật hoang dã và cho ăn thịt cá sống trong chùa là vi phạm điều cấm trong đạo Phật. Việc này Ban Trị sự Phật giáo sẽ họp bàn với chùa Hưng Mỹ tìm cách phóng sanh. Thầy Thích Huệ Tấn, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre |
Theo PL TP.HCM
(vtc.vn)