Ghi nhận của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho thấy, khi khủng hoảng kinh tế, các nguy cơ phát sinh tranh chấp thương mại sẽ ngày càng gia tăng. Ở nhiều trường hợp, doanh nghiệp chơi xấu nhau bằng chính các kẽ hở pháp lý từ các bản hợp đồng.
Tại hội thảo “Những cảnh báo về các tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” do Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) và Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Tư Pháp tổ chức mới đây, nhiều luật sư- trọng tài viên đã than phiền về tình trạng, DN thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm với ký kết hợp đồng nên đã phải chịu hậu quả khôn lường về kinh tế, phát sinh những tranh chấp thương mại đáng tiếc.
Tranh chấp thương mại gia tăng
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng thời cũng là một trọng tài của Trung tâm VIAC đánh giá, khủng hoảng kinh tế đang làm gia tăng lớn các nguy cơ phát sinh tranh chấp thương mại.
Ông nêu ra 5 lĩnh vực, vấn đề có tiềm ẩn tranh chấp lớn nhất hiện nay. Đầu tiên, đó là lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam vẫn còn tới 100 tỷ USD cam kết nhưng chưa giải ngân. Tình trạng các dự án của FDI đã được cấp đất nhưng hoạt động dở dang, không thực hiện được, dẫn tới phải hủy bỏ, đình hoãn, hoặc rút giấy phép. Hệ quả của tình trạng này là phát sinh những rắc rối khi xử lý đất đã giao, cấp cho chủ đầu tư, đặc biệt ở các dự án lớn.
Phát sinh xảy ra chủ yếu giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư và nông dân. Nếu trong số các dự án này đã chuyển nhượng sang tên cho chủ đầu tư khác thì tranh chấp sẽ còn phức tạp nữa.
Lĩnh vực gia công hàng hóa cũng chiếm tới 5% so vụ tranh chấp (ảnh minh họa: PH) |
Ngoài ra, việc các DN FDI phá sản, đóng của, chủ sở hữu, người quản lý bỏ về nước vừa qua, cũng là nguy cơ dẫn tới phát sinh tranh chấp giữa người lao động với các bên chủ nợ liên quan.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ông Cung cho biết, nhiều tranh chấp đã và đang tồn tại trong quan hệ mua bán hàng hóa với người Trung Quốc vì thiếu sự minh bạch, ẩn chứa rủi ro.
Khi kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phá sản thua lỗ, người dân, các nhà đầu tư nợ ngân hàng, bạn bè, người than cũng phát sinh kiện tụng tranh chấp. Tình trạng doanh nghiệp không bán được hàng, lại không vay tiếp được vốn đã dẫn tới việc nhiều đơn vị chiếm dụng vốn của nhau, do không trả nợ, nội bộ nghi kỹ lẫn nhau, khiến cho các hoạt động hợp tác biến thành đối phó.
Đặc biệt, khi nợ xấu tăng mạnh, lên 10% như hiện nay, nguy cơ tranh chấp lớn có thể xảy ra là xử lý đất đai. Vì hiện nay, các tài sản thế chấp cho ngân hàng thường là tài sản đất đai.
Thiếu hiểu biết dễ bị chơi xấu
Tuy nhiên, theo nhiều vị luật sư của Trung tâm trọng tài Quốc tế, việc xử lý các tranh chấp thương mại vô cùng phức tạp, khó khăn mà nhiều trường hợp, khó khăn lại nằm ở chính chủ quan người bị hại.
Theo luật sư Châu Huy Quang, Công ty luật LCT Lawyers, trọng tài viên của VIAC cho biết, “chiêu” phổ biến nhất các doanh nghiệp bất ngờ thoái thác thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Khi khó khăn tài chính, việc thực hiện giao dịch hợp đồng trở nên bất lợi, những ông chủ doanh nghiệp có thể bất ngờ tuyên bố giải thể, phá sản, hoặc tự chấm dứt, hủy hợp đồng, tuyên bố hợp đồng bị vô hiệu hóa…Mánh khóe phổ biến nhất là các doanh nghiệp này vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để tìm ra kẽ hở pháp lý của đối tác trong hợp đồng đã ký, từ đó, có cơ sở pháp lý để tự mình đơn phương hủy hợp đồng.
TS Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, trọng tại viên của Trung tâm trọng tài Việt Nam cho hay, ở nhiều trường hợp, phía doanh nghiệp “bị hại” đã phải chịu thiệt vì thiếu hiểu biết, hoặc vô trách nhiệm khi ký một bản hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ thông tin đối tác. Khá nhiều tình huống mà đối tác ký hợp đồng tuy chức danh to như giám đốc, phó giám đốc… nhưng thực chất, về mặt pháp lý lại không có đủ tư cách là đại diện pháp nhân ký hợp đồng, hoặc không được ủy quyền đúng pháp luật để ký…
Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, qua xử lý gần 1000 vụ tranh chấp thời gian qua, 70% số các vụ tranh chấp kinh tế thuộc loại hình hợp đồng mua bán. Hai lĩnh vực gia công và xây dựng phát sinh tranh chấp đều chỉ chiếm tỷ trọng 5% vụ việc. Còn lại, 4% số vụ việc thuộc linh vực hợp tác đầu tư, 3 % số vụ việc thuộc lĩnh vực tài chính, dịch vụ.
Trong số các vụ việc trên, 71% tranh chấp có yếu tố nước ngoài và 29% tranh chấp giữa các doanh nghiệp, đơn vị trong nước.
Giá trị các vụ kiện lớn nhất khoảng 15 triệu USD. Trung bình, trị giá một vụ kiện vào khoảng hơn 438.269 USD.
“Khởi kiện” ra trọng tài thương mại thay vì tòa án
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chọn hình thức khởi kiện ra trọng tài thương mại thay vì tòa án kinh tế.
Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, so với việc khởi kiện ra tòa án, toàn bộ quá trình thủ tục phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì khi “nhờ” tới trọng tài thương mại, các doanh nghiệp được toàn quyền tự do thỏa thuận về trình tự, thời gian giải quyết vụ tranh chấp.
Thậm chí, doanh nghiệp có thể thỏa thuận về số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài, cách thức chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn trọng tài viên; thời gian giải quyết vụ tranh chấp; địa điểm giải quyết vụ tranh chấp v.v… Ngoài ra, đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có thể thỏa thuận về luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp và ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài.
Đặc biệt, một trong các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài là không công khai. Trong khi đó, khi thụ lý và xét xử vụ việc tại tòa án thì phải được công khai. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp hai bên, vì các vấn đề uy tín và bí quyết kinh doanh được bảo mật, trở nên an toàn hơn. Khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài, các nội dung tranh chấp này sẽ được giữ kín.
Tuy nhiên, các luật sư khuyến cáo, các doanh nghiệp cần lưu ý khi soạn thảo các ký kết các hợp đồng thương mại thì các điều khoản về giải quyết tranh chấp nên ghi rõ cơ quan xử lý được “nhờ” đến là trọng tài thương mại.
Phạm Huyền
(vietnamnet.vn)