Tinh Hoa

Những công ty bị ghét nhất nước Mỹ

1. Điện lực Long Island

Điểm: 58/100

Công ty này bị phàn nàn vì giá điện cao và thường xuyên đội giá hóa đơn hàng tháng cho khách do xếp nhầm hộ gia đình vào diện kinh doanh thay vì điện sinh hoạt. Cơn bão Irene hồi tháng 8 năm ngoái còn khiến công ty này cắt điện trên diện rộng trong một thời gian dài.

2. Điện lực Northeast

Điểm: 59/100

Cũng giống như Long Island, công ty này bị mất điểm trầm trọng khi cắt điện sau trận bão tuyết hồi tháng 10 làm hàng trăm nghìn người phải sống trong bóng tối suốt hai tuần lễ. Công ty điện lực lớn nhất New England còn bị chỉ trích vì đã thổi phồng số lãi trong báo cáo tài chính.

3. Charter Communications

Điểm: 59/100

Dịch vụ khách hàng tồi tệ và hóa đơn thiếu chính xác là những phàn nàn phổ biến về công ty truyền hình cáp lớn thứ 4 nước Mỹ này. Theo một khách hàng, ban đầu Charter Communications hứa hẹn khuyến mãi 3 tháng đầu là 24,95 USD (giá bình thường là 42,95 USD). Nhưng hết 3 tháng đó, họ lại tự động thu 56,95 USD một tháng, nhiều hơn tới 14 USD!

4. Comcast

Điểm: 61/100

Comcast mất điểm do thiết bị kém chất lượng và nhân viên kỹ thuật thiếu chuyên nghiệp. Một khách hàng phàn nàn rằng họ đã phải chờ nhân viên bảo hành 15 phút mà không được thông báo. Trong khi đó, khách hàng khác cho biết sau khi sửa xong, nhân viên Comcast còn bỏ hết cả đồ nghề và dây điện thừa tại thảm cỏ nhà họ.

5. United Airlines

Điểm: 62/100

Chẳng có gì ngạc nhiên khi United Airlines phải nhận danh hiệu hãng hàng không tồi tệ nhất nước Mỹ. Dịch vụ kém, hủy chuyến thường xuyên và mất hành lý như cơm bữa là những phàn nàn phổ biến nhất từ hành khách. Một khách hàng cho biết: “Tôi bị tính giá gấp đôi và khi phải đợi tới hơn 1 tiếng để được phàn nàn về việc thẻ tín dụng bị trừ quá quy định!”.

6. Time Warner

Điểm: 63/100

Mặc dù đã có cải thiện đôi chút so với năm 2011, nhưng tốc độ đường truyền chậm, hay mất cáp và dịch vụ tồi tệ đã làm cho khách hàng của Time Warner cảm thấy bực mình. Nhiều người còn phàn nàn về việc hãng này độc quyền cung cấp dịch vụ và họ chẳng thể chuyển sang nhà cung cấp khác được.

7. Cox Communication

Điểm: 63/100

Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình Cox bị kêu ca vì giá cước cao và nhiều loại phí. Một khách hàng cho biết anh đã bị tính giá cao hơn vì Cox tự ý đổi hợp đồng: “Tôi ký hợp đồng 2 năm, năm đầu là 29,99 USD, năm sau là 49,99 USD. Thế nhưng, mới qua 6 tháng, họ đã đổi cước thành 6 tháng đầu 29,99 USD, 6 tháng sau là 49,99 USD và 1 năm sau là 79,99 USD”.

8. American Airlines

Điểm: 64/100

Hãng hàng không thuộc tập đoàn AMR này đã phải nộp đơn phá sản vào tháng 11/2011. Trong một nghiên cứu gần đây, American Airlines cũng xếp hạng bét trong 10 hãng hàng không lớn của Mỹ khi hoãn chuyến mà không thông báo kịp thời cho khách hàng, buộc họ phải đợi trung bình 1 tiếng 32 phút và không trả lời thắc mắc trên Twitter.

9. US Airways

Điểm: 65/100

Các phàn nàn thường gặp về US Airways là hóa đơn thiếu chính xác, không thông báo cho hành khách khi hoãn chuyến và dịch vụ tồi tệ. Một khách hàng còn cho biết anh đã trông thấy thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay từ Charlotte tới Toronto to tiếng với một cụ già khi bà yêu cầu lấy đồ dùng ra khỏi vali xách tay.

Hãng hàng không có trụ sở tại Arizona này sắp phải sáp nhập với American Airlines. Vì vậy, có lẽ số chuyến bay tới một vài thành phố sẽ ít hơn và giá vé cũng theo đó mà cao lên.

10. Delta

Điểm: 65/100

Phần lớn các lời phàn nàn về hãng hàng không Delta đều liên quan đến việc nhân viên chăm sóc khách hàng có thái độ thiếu chuyên nghiệp. Kể từ khi mua được Northwest Airlines năm 2008, độ thỏa mãn của khách hàng đối với Delta ngày càng giảm và năm 2011 là mức thấp nhất. Tuy nhiên, dường như hãng này đã cải thiện chút ít vì điểm hài lòng năm nay có nhỉnh hơn năm ngoái.

(vnexpress.net)