Các doanh nhân người Philippines sẽ đưa ra sáng kiến để góp phần chấm dứt những tranh cãi kéo dài giữa các bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông, trong đó có Philippines và Trung Quốc.
Ảnh: travelblog
Theo đó, họ sẽ tập hợp mọi phòng kinh doanh từ các quốc gia khác nhau có quan tâm và lợi ích ở Biển Đông trong một cuộc gặp thiên về kinh tế hơn là chính trị nhằm tìm ra các giải pháp cho tranh cãi.
Động thái trên diễn ra sau khi hôm 2/6, Bắc Kinh lần nữa khẳng định không vi phạm một thỏa thuận hiện tại với sự hiện diện của các tàu thăm dò hàng hải ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông khiến những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác (gồm cả Philippines) mạnh mẽ phản đối.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila nói rằng, báo cáo về việc “các tàu Trung Quốc xâm nhập” là không đúng sự thực. Họ cho hay: “Đó chỉ là các tàu nghiên cứu hàng hải thực hiện hoạt động nghiên cứu thông thường ở Biển Đông”.
Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) đã gửi thư ngoại giao phản đối với Trung Quốc trên cơ sở những báo cáo về việc phát hiện các tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Theo Francis Chua, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Philippines (PCCI), cách tiếp cận vấn đề từ góc độ kinh tế với các bên tuyên bố chủ quyền để cùng hưởng lợi là chìa khóa cho giải pháp tranh chấp ở Biển Đông. “PCCI sẽ kêu gọi tất cả các tổ chức kinh doanh từ các nước này tham dự một cuộc họp. Chúng tôi sẽ bắt đầu với các tổ chức tư nhân, chúng tôi sẽ đến với giải pháp kinh tế và sau đó đưa ra yêu cầu với các chính phủ”, ông Chua, từng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Philippines – Trung Quốc, nói với BusinessMirror.
Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vùng biển được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí.
Ông Chua khẳng định, họ không tin là vấn đề sẽ leo thang trở thành một cuộc xung đột quân sự vì Trung Quốc không coi đó là chọn lựa để đối phó với các đối tác thương mại chính. “Asean là thị trường lớn của Trung Quốc. Trung Quốc không thể gây chiến với các khách hàng của mình. Mọi lo lắng chỉ là suy đoán. Liệu họ có điều quân chiếm các đảo? Tôi không nghĩ là như vậy”, ông Chua nói.
Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp kinh tế và sau đó ngồi lại với các chính phủ”.
Sắp lại trật tự
Một quan chức ngoại giao cấp cao Philippines tiết lộ hôm qua (2/6) rằng, “hiện tại có một xu hướng khá logic” về các hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Đó là nó có thể liên quan tới việc Trung Quốc đệ đơn lên LHQ xin khai thác biển sâu ở một số phần của Ấn Độ Dương. Động thái này có thể ảnh hưởng tới Biển Đông.
Theo các quan chức DFA, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và các hoạt động của họ ở Trường Sa trong bốn tháng cuối 2010.
Tại cuộc họp báo ở DFA cùng ngày, một quan chức ngoại giao cấp cao đã nhấn mạnh, chính phủ Philippines “cần sắp xếp lại trật tự và đứng trên nền tảng đạo đức” bằng cách thông qua các luật hàng hải phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) để bảo vệ các lợi ích của nước này trong các đảo tranh chấp tại Biển Đông.
Hiện Philippines đang thúc đẩy sự tham gia lớn hơn của quốc tế và khu vực để đối phó với sự hiện diện và các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Người phát ngôn DFA Eduardo Malaya cho rằng, cách hành xử của Trung Quốc tại các đảo tranh chấp dẫn tới việc cần nhanh chóng soạn thảo một “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” mang tính ràng buộc hơn nữa. Việc soạn thảo bộ quy tắc này hiện là tâm điểm bàn cãi giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN.
Quan chức Philippines cho biết, Trung Quốc đã gia tăng hiện diện và hoạt động ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông năm nay bắt đầu từ 25/2 tại Cồn san hô Jackson Atoll, cách Palawan 140 hải lý. Khi đó, tàu quân sự Trung Quốc được cho là đã bắn vào các tàu cá Philippines. Philippines cũng đã phản đối về vụ việc xảy ra ở Reed Bank hồi tháng 3.
-
Thái An (Theo abs-cbnnews)