Tại các khu vực dự trữ than lớn nhất nước, những núi than tồn đọng khổng lồ đang ngày một cao thêm bởi các nhà máy điện giờ đã tiêu thụ ít hơn do nhu cầu điện sụt giảm. Nhưng quan chức địa phương và tỉnh đã buộc các nhà máy không được báo cáo toàn bộ sự việc tới Bắc Kinh, lãnh đạo một nhà máy điện chia sẻ với tờ New York Times.
Hoạt động sản xuất và tiêu thụ điện được xem như chỉ báo rõ ràng nhất cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như chính một số quan chức Trung Quốc, đây là thước đo vàng cho những gì đang thực sự diễn ra trong nền kinh tế trong bối cảnh việc thu thập và báo cáo dữ liệu tại quốc gia này không thực sự đáng tin cậy như các nước khác.
“Trên thực tế, lãnh đạo không ít tỉnh và thành phố còn thổi phồng những con số về sản lượng kinh tế, doanh thu của các doanh nghiệp, lợi nhuận cũng như các khoản nộp ngân sách”, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng như các nhà kinh tế chia sẻ. “Chính quyền làm vậy bằng cách đề nghị doanh nghiệp lập ra nhiều loại sổ sách với mục tiêu chỉ đưa ra những kết quả tích cực, vốn không có thực”.
Theo ước tính sơ bộ của các nhà kinh tế cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp, việc báo cáo không trung thực này có thể làm các chỉ số kinh tế lệch đi 1 – 2 điểm %. Điều đó có nghĩa là mặc dù tình hình kinh tế có thể rất xấu nhưng tin tức trên các bản tin thời sự chỉ là hơi xấu. Những người tiết lộ thông tin trên với tờ New York Times đã yêu cầu được giấu tên vì lo ngại việc công bố danh tính sẽ làm hỏng mối quan hệ của họ với các quan chức Trung Quốc, vốn là chỗ dựa cả về nguồn dữ liệu lẫn các hợp đồng kinh tế.
Cục thống kê quốc gia của Trung Quốc, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về hầu hết các dữ liệu kinh tế phủ nhận việc số liệu bị “phù phép”. “Đây là cáo buộc không hề có căn cứ”, người phát ngôn của cơ quan này tuyên bố. Đến giờ không ít người vẫn tin vào các số liệu thống kê chính thức. Nhưng một nhà kinh tế có quan hệ thân thiết với Cục thống kê quốc gia cho biết các quan chức đã bắt đầu đặt dấu hỏi sau khi phát hiện có những dấu hiệu cho thấy số liệu về sản lượng tiêu thụ điện bị phóng đại.
Thực tế là từ nhiều năm nay đã luôn có những hoài nghi về chất lượng cũng như độ chính xác về dữ liệu kinh tế Trung Quốc nhưng đến thời điểm này sự lo ngại đã lên đến mức bất thường. Đây là năm đầu tiên kể từ 1989, sự suy giảm mạnh của kinh tế trùng vào thời điểm có sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất, vốn diễn ra 10 năm 1 lần.
Vẫn theo nguồn tin kể trên, chính quyền ở mọi cấp của Trung Quốc chịu sức ép phải báo cáo những kết quả kinh tế tốt lên Bắc Kinh trong lúc chờ đợi những quyết định cất nhắc hay giáng chức, thuyên chuyển từ trung ương. “Các quan chức chính phủ không muốn thấy những số liệu tiêu cực bởi vậy họ đề nghị lãnh đạo các nhà máy điện báo cáo không có sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ điện”, một tổng giám đốc trong ngành điện tiết lộ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khác của Trung Quốc, người được tiếp cận với những con số thực về tình hình tiêu thụ điện tại 2 tỉnh thuộc trung tâm công nghiệp nặng của nước này là Shandong và Jiangsu khẳng định, nhu cầu tiêu thụ ở 2 tỉnh trên trong tháng 5 đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một số tỉnh phía Tây, sản lượng tiêu thụ điện cũng giảm. Thế nhưng một nhà kinh tế có quan hệ với Cục thống kê cho biết hầu hết các tỉnh và thành phố trên toàn Trung Quốc đều báo cáo nhu cầu điện không giảm hoặc tăng nhẹ.
Rohan Kendall, nhà phân tích cấp cao về thị trường than châu Á tại Wood Mackenzie, một công ty tư vấn năng lượng toàn cầu khẳng định, lượng than tồn kho tại cảng Qinhuangdao tháng qua đã lên tới 9,5 triệu tấn do lượng than chuyển về vượt xa nhu cầu của các nhà máy điện miền Nam Trung Quốc.
Con số này cao hơn cả mức kỷ lục 9,3 triệu tấn được ghi nhận hồi tháng 11/2008, thời điểm kinh tế thế giới gần chạm đáy. “3 khu vực dự trữ than lớn nhất Trung Quốc khác là Tianjin, Caofeidian và Lianyungang cũng ghi nhận mức tồn kho cao kỷ lục”, một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ với tờ New York Times.
Rất nhiều chỉ số của kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sự suy giảm diễn ra từ mùa Xuân khi lượng đầu tư vào các tài sản cố định tháng 5 vừa qua tăng chậm nhất kể từ năm 2001. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng xuống dưới 10% trong khi sản lượng phát điện chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 1,5% so với tháng 4.
Câu hỏi được đặt ra là liệu sự suy giảm thực sự tệ đến mức nào? Những dữ liệu chính thức không nhất quán của chính phủ có thể giải thích vì sao giá các loại hàng hóa như dầu, than và đồng lao dốc hồi đầu năm cho dù theo các con số thông kê thì kinh tế chỉ giảm tốc rất nhẹ. Ngoài ra việc “phù phép” số liệu cũng gợi mở lí do một số nhà bán buôn hàng bán lẻ và vật liệu xây dựng nói rằng doanh số của họ giờ ảm đạm như đầu năm 2009.
Tương tự, việc ém lại những số liệu chính thức để sử dụng nội bộ còn khi công bố cho công luận hay thị trường tài chính lại dùng những con số khả quan hơn cũng có thể giúp trả lời vì sao ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất hồi đầu tháng này.
Nghiên cứu của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cùng các định chế khác những năm qua cho thấy, các nhà thống kê Trung Quốc thường làm đẹp số liệu tăng trưởng các quý, báo cáo tốc độ tăng trưởng thấp hơn thực tế khi kinh tế tăng trưởng nóng và thổi phồng các dữ liệu này khi đối mặt suy giảm.
Stephen Green, một nhà kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered cho biết kinh tế nước này có thể phục hồi trong mùa Thu tới khi các ngân hàng nới tín dụng để kích thích kinh tế. Nhưng một khảo sát các nhà quản trị mua hàng công nghiệp của Trung Quốc do HSBC và Markit tiến hành độc lập cho thấy, tình hình kinh tế hiện đang kém khả quan nhất kể từ tháng 3/2009.
Thanh Tùng
Lược dịch theo New York Times
(dantri.com.vn)