Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington D.C đã nhấn mạnh về việc Mỹ sẽ tìm cách làm việc với Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Ông khẳng định: “Chúng tôi muốn xua tan bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á rằng chúng tôi xem đây là nơi cạnh tranh lớn mà có thể gây bất ổn và không giúp ích gì cho các bạn bè Đông Nam Á. Rõ ràng là có mức độ cạnh tranh trong bất kỳ mối quan hệ nào, và ở đây là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trong một cách thích hợp ở khu vực Đông Nam Á”.
Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á là tâm điểm bài phát biểu của ông Campbell.
|
Ông Kurt Campbell. Ảnh: mbctv |
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ đẩy mạnh các cam kết của mình trong khu vực là nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh từng bất mãn khi Mỹ tuyên bố quan tâm tới việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á (Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines) đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc luôn khẳng định có quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này. Đây là khu vực được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí. Bắc Kinh yêu cầu giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường song phương chứ không phải đa phương.
Khi được hỏi về vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, ông Campbell không đưa ra bình luận trực tiếp nào, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội đàm trong giải quyết các vấn đề như vậy. “Chính sách chung của chúng tôi vẫn như vậy, chúng tôi không khuyến khích sử dụng vũ lực hay đe dọa trong những trường hợp như thế. Chúng tôi muốn chứng kiến tiến trình đối thoại. Chúng tôi thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các nước có liên quan tới Biển Đông và chúng tôi muốn tiếp tục điều này”.
Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, kể từ khi bắt đầu nhậm chức hai năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Clinton đã nỗ lực làm việc để tăng cường sự tham gia của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong năm 2009, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên họp với toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Ông Campbell nói, Ngoại trưởng Clinton đã bảy lần tới châu Á, trong đó có nhiều chuyến đi tới Đông Nam Á. Bà Clinton hy vọng sẽ tới thăm tất cả các nước Đông Nam Á trong thời gian đương nhiệm.
Một động thái quan trọng cho thấy nỗ lực này của Mỹ là lần đầu tiên Mỹ sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 này tại Bali, Indonesia. Ông Campbell cho biết, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton đều cảm thấy việc tham gia lần này là rất quan trọng.
Nhiều lần trong bài phát biểu, ông Campbell đã đề cao vai trò mà ASEAN đang nắm giữ và có thể nắm giữ trong khu vực. “Khối này đã trở thành một tổ chức quan trọng. Nó tham gia vào một số vấn đề khó khăn và thách thức nhất mà châu Á đối mặt trong nhiều năm qua, những vấn đề liên quan tới phương cách tốt nhất để thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực, nhất là trong vấn đề an ninh hàng hải”, ông nói.
Ông Campbell nói rằng, Mỹ muốn nâng tầm quan hệ song phương với Indonesia – là Chủ tịch hiện tại của ASEAN. Ông ủng hộ việc Jakarta nỗ lực thúc đẩy đối thoại ASEAN – Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh, Mỹ đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với chính phủ mới của Philippines và đã làm những gì mà ông gọi là “tiến bộ quan trọng” trong quan hệ chiến lược song phương với Việt Nam.
Ông Campbell nhấn mạnh, mục tiêu chung của Mỹ trong khu vực là để đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ cam kết lâu dài với khu vực, không chỉ với Đông Bắc Á, mà còn ngày càng gia tăng với Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, một số chi tiết của cam kết này sẽ được phác thảo khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tham dự Hội nghị an ninh khu vực tại Singapore cuối tuần này.
-
Thái An (Theo VOA, AP, Chosun)