Tinh Hoa

10 ông bố tận tụy nhất hành tinh

Trong lúc nhân loại chào mừng Ngày của cha hôm qua, giới khoa học cũng điểm mặt những ông bố chăm sóc con với tinh thần trách nhiệm rất cao trong thế giới động vật.

Gà cát Namaqua ấp trứng trong sa mạc Kalahari tại Nam Phi. Khác với nhiều loài gà, nhiệm vụ ấp trứng của gà cát Namaqua do con trống đảm nhiệm. Mỗi khi cần lấy nước cho con, chúng tìm tới nguồn nước rồi nhúng phần lông bụng xuống nước. Khi chúng trở về tổ, gà con sẽ uống nước từ những chiếc lông bụng của bố. Ảnh: Corbis.
Bọ nước khổng lồ đực cũng là những ông bố mẫn cán. Sau khi giao phối, con cái đẻ trứng lên lưng con đực rồi tiết ra một chất khiến trứng bám chặt vào lưng. Con đực cõng trứng suốt ba tuần. Trong khoảng thời gian đó, nó phải tránh mọi kẻ thù để bảo đảm sự an toàn cho con của nó. Thỉnh thoảng nó ngoi lên mặt nước để đón ánh sáng mặt trời, một biện pháp khiến rêu không thể sinh trưởng trên trứng. Ảnh: Visual Unlimited.
Khỉ đuôi sóc đực không chỉ bế con mà còn cho ăn và bắt rận cho chúng. Ngoài ra, khi những con cái sinh nở, khỉ đuôi sóc đực còn làm vệ sinh cho con bằng cách liếm sạch cơ thể chúng. Sự tận tụy của khỉ đực bắt nguồn từ việc khỉ cái phải hy sinh rất nhiều trong quá trình mang thai và sinh con. Bào thai của khỉ sóc thường chiếm tới 25% khối lượng của con mẹ. Ảnh: EPA.
Phần lớn con cái trong các loài sinh con, song ở loài cá ngựa, trách nhiệm đó. Đến mùa sinh sản, cá ngựa cái đẻ hàng nghìn quả trứng vào một túi ở bụng con đực. Trứng nở thành con sau khoảng 15-20 ngày. Cá ngựa bố bảo vệ con tới khi chúng có thể tự tìm thức ăn. Ảnh: National Geographic.
Một con thiên nga cổ đen trống bơi trên hồ cùng đàn con của nó. Cả con trống và con mái cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi con tới khi chúng có thể sống tự lập. Ảnh: WCS.
Trong thế giới của khỉ cú, một loài động vật linh trưởng phân bố tại Nam Mỹ, con đực đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm nuôi con. Những con đực và con cái kết thành đôi trong phần lớn cuộc đời chúng. Ảnh: AP.
Vào mùa sinh sản, những con cái trong loài đà điểu lớn – một loài động vật ở Nam Mỹ – giao phối với nhiều con đực. Sau đó chúng chọn ổ của một con đực để đẻ khoảng 50 trứng vào đó. Con đực làm chiếc tổ sẽ ấp trứng trong 6 tuần và chăm sóc những con non. Nó sẽ tấn công mọi con vật tới gần con non, kể cả đà điểu cái. Ảnh: ramonmollerjensen.com.
Một con ếch sủa đực ngồi gần đám trứng của nó gần một suối tại bang Texas, Mỹ. Sau khi ếch cái đẻ trứng dưới những tảng đá hoặc khúc gỗ, ếch đực chăm sóc trứng rất chu đáo. Chúng nằm cạnh ổ trứng cả ngày để thường xuyên tưới nước giải vào trứng mỗi khi trứng khô. Khi trứng nở thành nòng nọc, ếch đực thường xuyên bơi cạnh con. Nếu gặp trường hợp nguy hiểm, ếch bố há miệng để nòng nọc bơi vào. Sau đó ếch bố ngậm miệng lại để che chở cho con. Ảnh: Alamy.
Chim cánh cụt hoàng đế trống luôn phải chịu đựng nhiệt độ âm trong quá trình ấp trứng. Sau khi chim mái đẻ quả trứng duy nhất vào ổ, chim đực sẽ dùng cơ thể của chúng để giữ ấm cho quả trứng. Trong 4 tháng chim trống hầu như không rời khỏi trứng, trong khi chim mái kiếm mồi dưới biển. Ảnh: squidoo.com.
Gián là những con bọ đáng ghét đối với loài người, song giới khoa học thừa nhận những con đực của loài gián ăn gỗ là những ông bố mẫu mực. Chúng trộn dịch vị với bột gỗ để làm tổ, sau đó tìm kiếm thức ăn cho ấu trùng. Đây là hành vi rất khác thường trong thế giới côn trùng. Những con gián đực cũng săn lùng phân chim, thứ chứa nitơ và rất cần thiết đối với sự phát triển của ấu trùng, để mang về tổ. Chúng cũng thường xuyên làm sạch tổ để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Ảnh: National Geographic.

Minh Long

(vnexpress.net)