Tinh Hoa

Cuộc đoàn tụ đẫm lệ ở Ấn Độ sau 25 năm

Bức ảnh đoàn tụ của hai mẹ con Fatima – Saroo. Ảnh: AP

Saroo xuống tàu và hòa mình vào không gian ồn ào đã ám ảnh những giấc mơ của anh trong suốt nhiều năm qua.

Đó là ngày 12/2/2012, và Saroo chưa từng có cơ hội trở lại nơi này sau gần 25 năm, từ chuyến tàu kinh hoàng đã đẩy anh đi xa khỏi gia đình. Nếu không được một cặp vợ chồng tốt bụng người Australia nhận nuôi, có lẽ giờ chàng trai trẻ này vẫn đang sống tại khu vực cho những người vô gia cư.

Saroo đã mất nhiều năm tìm kiếm trên Internet trước khi có được thông tin về thị trấn này. Sau từng đó thời gian, liệu gia đình anh có còn ở đây? Nếu có, họ sẽ nói gì khi nhìn thấy anh? Và anh sẽ thấy thế nào khi được gặp họ?

Gia đình cha mẹ nuôi của Saroo ở Australia cảnh báo anh đừng hy vọng quá nhiều. Tất cả những gì anh còn nhớ về mái ấm ở Ấn Độ là căn nhà tồi tàn nơi cả 5 mẹ con từng sống, những cơn đói, sự nghèo khổ. Anh đã dành nhiều năm tự hỏi về gia đình của mình, và chuẩn bị tâm lý để vượt qua những điều tồi tệ nhất.

Giờ đây, qua đôi mắt của một chàng trai đã trưởng thành, mọi thứ dường như nhỏ bé hơn so với những gì còn lại trong tâm trí của Saroo. Nhưng âm thanh và cảm giác thì vẫn vậy, và khung cảnh không khác nhiều so với những gì anh từng biết. Anh bước dọc những con phố, và ký ức về 25 năm trước bỗng dưng lại ùa về.

Ở một góc khác, bà Fatima đang cố gắng chợp mắt sau ca làm đêm. Tâm trí bà không ngừng nghĩ về Saroo. Thời gian gần đây bà có nghe nói về một người đàn ông mất trí đang sống lang thang ở khu trung tâm thị trấn vì không thể tìm được gia đình.

Liệu người đó có phải Saroo không? Bà tự hỏi. Fatima nghe được rằng người đàn ông này có vóc dáng thấp nhỏ, không giống với những đứa con của bà. Nhưng dù sao, bà cũng sẽ đến gặp người này trong vài ngày tới, ít nhất là để nhận được một câu trả lời chính xác.

Saroo chăm chú ngắm nhìn một căn nhà. Đây chính là nơi cả gia đình anh từng sinh sống. Tuy nhiên, nó có vẻ nhỏ bé một cách bất thường, với chiếc cửa ra vào chỉ cao tới ngực anh. Trong lúc Saroo đang mải mê tìm hiểu ngôi nhà, một người phụ nữ tới gần và bắt chuyện với anh bằng tiếng Hindi, rằng liệu Saroo có cần giúp đỡ gì không.

Saroo cho bà xem một tấm ảnh hồi nhỏ của anh do bố mẹ nuôi chụp và cố gắng giải thích. Anh nói tên của mẹ, các anh trai và em gái, chờ đợi câu trả lời của người phụ nữ. Nhưng đáp lại thắc mắc của Saroo chỉ là những cái lắc đầu. Gia đình anh không còn ở đây nữa? Hay anh đã lạc mất họ mãi mãi?

Saroo cố gắng hỏi thêm nhiều người ở những ngôi nhà xung quanh. Liệu có ai biết về gia đình anh?

Bất chợt, một người đàn ông với lấy tấm ảnh từ tay Saroo. “Đợi tôi”, ông nói, và vội vã chạy đi. Vài phút sau, ông trở lại.

“Đi với tôi”, ông nói. “Chúng ta sẽ cùng đi gặp mẹ cậu.”

Saroo được đưa tới trước mặt một người phụ nữ trung niên. “Đây là mẹ cậu.”

Trước đó không lâu, trong khi đang ngồi trên hiên nhà, Fatima chợt nghe thấy những âm thanh mà bà đã chờ đợi từ lâu. “Saroo về rồi”, một người hàng xóm hét lên trong khi chạy về phía Fatima.

Trái tim bà dường như ngừng đập. Saroo, bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt bà.

25 năm đã trôi qua, Fatima vẫn không thể quên hình ảnh của cậu con trai. Bà ôm chầm lấy Saroo trước khi cùng anh về nhà.

“Saroo của tôi đã trở về”, bà nói. “Các vị thần đã cuối cùng đã đáp lại nguyện ước của tôi. Cuối cùng Saroo của tôi cũng đã trở về.”

Saroo cũng không thể kìm nén được cảm xúc. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt anh.

Anh muốn nghe mọi chuyện từ Fatima. Bà kể cho anh về những tháng ngày tìm kiếm con trai và sự tuyệt vọng kéo dài. Saroo đã không thể ngăn được nước mắt khi biết người anh trai, Guddu, đã mất trên chính chuyến tàu đó.

Nhưng đó chưa phải là kết thúc có hậu của câu chuyện dài. Thắc mắc lớn nhất của Saroo lúc này, là anh sẽ phải làm gì trong tương lai. Liệu người mẹ và con trai, sau hàng thập kỷ chia cắt, có thể hòa hợp với nhau?

Hai người nhanh chóng nhận ra trở ngại quan trọng: họ không thể giao tiếp với nhau. Fatima chưa từng được đi học và không hề biết nói tiếng Anh. Trong khi đó, Saroo chỉ còn nhớ một vài từ Hindi. Họ đã mất hàng giờ tìm một người hàng xóm có thể phiên dịch.

Sau vài ngày, họ chuyển sang nói chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể. Vì mọi thứ còn rất lạ lẫm, nên Saroo chỉ ngồi một chỗ và theo dõi mọi người trong gia đình.

10 ngày bên nhau trôi qua rất nhanh. Truyền thông địa phương cố gắng phỏng vấn anh và tìm hiểu về câu chuyện đoàn tụ có một không hai. Có rất ít thời gian để cả gia đình được ở bên nhau.

Ngày tạm biệt mẹ ở sân bay trước khi lên đường trở về Australia, Saroo đã hứa sẽ sớm trở về.

Tại Australia, Saroo phải đối mặt với nhiều thay đổi. Giới truyền thông cố gắng tiếp cận câu chuyện của anh. Cuộc sống của các thành viên trong gia đình anh cũng liên tục bị làm phiền. Saroo thậm chí phải tắt cả điện thoại để ngăn những cuộc gọi không mong muốn.

Từ bên kia đại dương, Saroo vẫn đều đặn gửi cho bà Fatima 150 USD mỗi tháng, số tiền đó có thể giúp bà khỏi phải đi dọn nhà và rửa bát thuê. Nhưng Fatima lại quyết định làm ngược lại. Bà vẫn duy trì công việc chỉ giúp bà kiếm được 30 USD mỗi tháng và gửi toàn bộ số tiền được Saroo chu cấp vào ngân hàng.

Bà vẫn sống trong căn nhà chật hẹp, sống bằng hàng trợ cấp và ăn những chiếc bánh mỳ nguội. Đôi lúc, Fatima không khỏi cảm thấy tủi hổ khi so sánh bản thân với gia đình giàu có của Saroo ở Australia.

Khoảng cách giữa hai mẹ con ngày một lớn hơn.

Những cuộc nói chuyện điện thoại giữa hai người, thông qua phiên dịch, bắt đầu không có gì khác thường, về công việc, cuộc sống. Nhưng rồi bà Fatima bắt đầu phàn nàn về việc Saroo không thường xuyên gọi về nhà.

“Sao con không nói chuyện với mọi người?”, bà hỏi. “Ít nhất hãy hỏi mẹ đang làm gì chứ.”

Saroo giải thích rằng anh ít nói chuyện là bởi họ không dùng chung ngôn ngữ, và đó chính là vấn đề. Khi nói chuyện, anh luôn gặp trở ngại.

Fatima nói bà đã gửi cho anh một tin nhắn và đã khóc khi anh không gọi lại cho bà. Bà không giấu nổi nỗi đau qua giọng nói.

“Con không thể lúc nào cũng nói chuyện được, điều này thật khó khăn”, anh nói.

Và điều đó đã khiến trái tim của người mẹ già đau đớn như bị bóp nghẹt. Bà chuyển từ buồn bã sang giận dữ. “Hãy lo cho gia đình con đang sống cùng. Đừng quan tâm tới những người ở đây”, bà nói.

Đáp lại, Saroo nói mọi người cần phải hiểu tình thế khó khăn mà anh đang phải chịu đựng.

“Con quan tâm tới tất cả, mẹ biết mà. Con không muốn bỏ bê gia đình Australia và dành quá nhiều sự quan tâm tới những người thân ở Ấn Độ.”

Rồi anh nói mình sẽ trở lại và xây cho bà một ngôi nhà mới.

“Không, không!”, bà từ chối bằng vẻ tức giận. “Đừng tới đây làm gì. Mẹ chỉ sống được vài tháng nữa thôi. Sẽ không có ai ở đây để gặp con đâu.”

“Mẹ chỉ mong con trai mẹ có thể trở về. Nếu con không về nữa thì sao”, bà khóc qua điện thoại. “Mẹ đã cầu nguyện bằng cả trái tim và tâm hồn với các vị thánh toàn năng. Tại sao mong ước của mẹ lại không được đáp lại? Hãy tiếp tục ở lại đó, con trai. Con chỉ được phép có một gia đình thôi.”

Saroo không muốn nghĩ về những điều mẹ anh đã nói. Đối với anh, sự đoàn tụ này đáng lẽ phải là kết quả của một phép màu với kết thúc có hậu.

“Tôi cảm thấy trĩu nặng”, anh nói. “Ngay cả khi đi ngủ, tôi vẫn không thể ngừng suy nghĩ”. Bản thân Saroo vẫn luôn hy vọng có thể sắp xếp thời gian và về Ấn Độ một tới hai lần trong năm, nhưng anh không thể làm được điều đó. Anh còn có gia đình, công việc, và những gánh nặng khác ở Australia.

“Đây là nơi tôi sống”, anh nói. “Khi tôi trở về Ấn Độ, bất kể sớm hay muộn, tôi cũng sẽ bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ giữa hai mẹ con.”

Điều đó khiến Fatima vô cùng bối rối và thất vọng. Bà hoàn toàn không muốn Saroo trở về đây. Nhưng mặt khác, Fatima lại luôn mong được ở bên anh. Có thể bà sẽ chuyển tới Australia, Fatima nói vậy.

Nhưng ngay sau đó, bà lại thay đổi ý kiến. Bà không thể bỏ cuộc sống hiện tại và chuyển tới một nơi xa lạ, nơi bà thậm chí không thể nói chuyện với ai vì khác biệt ngôn ngữ.

Ít nhất, sự trở về của Saroo đã mang lại cho bà một “cảm giác yên bình”. Bà cố gắng chấp nhận sự thật rằng anh đã có một gia đình mới, những kỳ vọng mới và một cuộc sống mới.

Điều duy nhất Fatima mong muốn, chỉ là thi thoảng được nhìn thấy anh, được nói chuyện với anh, ngay cả khi hai người không có chung ngôn ngữ.

“Hiện tại”, bà nói, “chỉ cần được gặp nó là đủ với tôi rồi. Và thằng bé gọi tôi là Amma”. Amma, trong tiếng Ấn Độ, nghĩa là Mẹ.

Quỳnh Hoa (theo AP)

(vnexpress.net)