Năm 2015, về cơ bản kinh tế Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng, đã có nhiều sự kiện quan trọng, tác động tới nền kinh tế cả theo hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, làm cho bức tranh chung cũng thực sự có nhiều mảng màu trái ngược.
Nhân dịp trước thềm năm mới, chúng ta cùng tổng hợp những sự kiện kinh tế nổi bật 2015 để rút kinh nghiệm, tránh những mảng tối để cho năm 2016 thành công hơn.
1. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng
Ngày 5/5/2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc chính thức được ký kết tại Hà Nội, mang lại cơ hội mới, đảm bảo cân bằng lợi ích 2 bên.
Ngày 29/5/2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu được ký kết, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Ngày 4/8/2015, sau gần 3 năm đàm phán, Việt Nam và EU đã công bố việc kết thúc cơ bản đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU, hai bên xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế.
Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề và chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán.
Ngày 22/11/2015, văn kiện hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là 1 trong 3 trụ cột, đã được lãnh đạo 10 nước ASEAN ký kết và chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12/2015.
2. Thu ngân sách không đủ trả nợ, căng thẳng nợ công
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016 trong ngày 22/10 không khí bất ngờ lo lắng khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tình hình ngân sách rất căng thẳng, với con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng.
Năm 2015 trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được.
Nợ công sắp chạm ngưỡng, Bộ Tài chính cho biết, đến 31/12/2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Như vậy, dư nợ công vẫn ở dưới mức trần cho phép 65%. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là, dư nợ công đã liên tục tăng trong những năm qua.
Giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp khóa 13, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng dư nợ quá cao, lên đến 20%/năm.
3. Đầu tư công lãng phí làm nóng dư luận
Năm 2015 trong lúc ngân sách đang thiếu trầm trọng, thu không đủ chi, vay không đủ để trả nợ, nợ công tăng cao, thế nhưng hiện tượng đầu tư công vẫn lãng phí trên diện rộng, gây bức xúc dư luận, làm nóng nghị trường Quốc hội.
Đó là những công trình xây dựng trụ sở hàng nghìn tỷ đồng, xây to đẹp, nguy nga, hoành tráng, bên cạnh những nhà của dân nghèo gây ra rất phản cảm. Đó là dự án xây dựng cụm tượng đài ở Sơn La với kinh phí 1.400 tỷ đồng, tại tỉnh nghèo nhất nước, hiện có 27% hộ nghèo, tức cứ 4 người thì có 1 hộ nghèo. Đó là hàng loạt những cụm tượng đài tốn kém hàng nghìn tỷ vẫn đang được xây dựng?
4. Thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn để tăng thu ngân sách
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Để bù đắp ngân sách Trung ương, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội xin bán bớt phần vốn ở 10 DNNN, có thể về khoảng 40 nghìn tỷ đồng, xin dùng 10.000 tỷ đồng để bù đắp thiếu hụt ngân sách trung ương.
Có nhiều nhà phân tích đã quan ngại, khi thiếu tiền mà còn có DNNN để bán lấy tiền tiêu, còn khi hết DNNN thì bán gì để tiêu? Cũng nhiều quan ngại khi bán DNNN sẽ dễ bị nước ngoài mua hết cổ phần, họ sẽ chi phối? Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tiền bán DNNN nên để tái đầu tư, tạo ra lợi nhuận trong tương lai, để còn có nguồn thu trả nợ, chứ không nên đem đi tiêu như thế.
5. Lần đầu tiên NHNN mua lại 3 NHTM cổ phần với giá 0 đồng
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước công bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng/cổ phần.
Như vậy chỉ trong nửa đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố mua 0 đồng đối với 3 ngân hàng yếu kém để chuyển thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu.
Việc NHNN mua lại ngân hàng thì người gửi tiền sẽ có thể không bị mất tiền gửi đó. Nhưng cổ đông của các ngân hàng yếu kém này bỗng nhiên trở thành trắng tay vì sự lựa chọn đầu tư sai. Đây là bài học cho các nhà đầu tư, khi đầu tư vào những lĩnh vực mà mình không am hiểu và chứa đựng nhiều rủi ro như lĩnh vực ngân hàng thì có nguy cơ sẽ mất hoàn toàn vốn đầu tư.
6. Đưa ra xét xử 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm
Phiên họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm ra xét xử.
Đó là các vụ án xảy ra tại Công ty chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng; Agribank Chi nhánh 7 Tp. Hồ Chí Minh; Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Công ty Dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Agribank Chi nhánh 6 Tp. Hồ Chí Minh; Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II); tại ALC II, Công ty Công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH Vận tải biển Đại Phát; Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
7. Sản xuất thực phẩm, rau quả bẩn ở mức báo động
Vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu quay trở lại và càng gia tăng ở mức độ đáng báo động trong năm 2015. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1, ngành nông nghiệp đang điều tra, truy đến cùng nguồn gốc cung cấp các chất cấm để xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp.
8. Thị trường tiêu thụ nông, thủy sản khó khăn
Năm 2015, trước khó khăn “kép” về thời tiết và thị trường, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chỉ đạt khoảng 30,13 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2014. Nhiều mặt hàng chủ chốt như cà phê ước giảm tới 28,1%, thủy sản giảm 16,5%.
Các mặt hàng như gạo, chè và cao su giảm từ 2,9-14,4%. Đây cũng là năm mà thị trường tiêu thụ các mặt hàng như hành tím, dưa hấu… có lúc rơi vào tình trạng dư thừa trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của nông dân và khiến nhiều cơ quan, tổ chức phát động phong trào thu mua hàng nông sản để ủng hộ nông dân.
Đã có những chấn động dư luận cả nước về việc chung tay giúp nông dân giải cứu dưa hấu Ninh Thuận, hành tím Sóc Trăng…
9. Giá dầu thế giới giảm 40%, xăng trong nước chỉ giảm 6%
Giá dầu Brent tại London ngày 21/12/2015 có thời điểm giảm 2%, còn 36,17 USD/thùng, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây, và thấp hơn mức đáy 36,2 USD/thùng thiết lập vào đêm Giáng sinh năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn cao trào.
Vô lý, xăng trong nước giảm nhỏ giọt, ngày 6/1/2015 là lần giảm giá xăng dầu đầu tiên trong năm 2015, giá bán các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm 307 đồng/lít xăng RON 92 xuống mức 17.574 đồng/lít, nếu so với giá trong lần điều chỉnh giá cuối cùng ngày 18/12/2015, giá xăng trong nước đã giảm về mốc 16.400 đồng/lít, thì giá xăng cuối năm nay chỉ giảm 1.174 đồng/lít, giảm 6,65% so với đầu năm.
Trong chi phí giá xăng dầu hiện nay, thuế, phí đã tăng lên chiếm tới gần 50% cơ cấu giá. Thực tế, thuế nhập khẩu xăng dầu năm nay đã có lúc tăng lên tới 35% và mới chỉ giảm xuống 20% do Việt Nam phải thực thi Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA). Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng tăng lên tới 300% từ 1/5/2015. Đây là những yếu tố điển hình nhất khiến giá xăng dầu không giảm.
10. Lần đầu tiên kinh tế trong nước nhập siêu 20 tỷ Đô la Mỹ sau 3 năm xuất siêu
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê vừa được công bố, trong năm 2015 cả nước nhập siêu 3,2 tỷ USD, bằng 1,97% kim ngạch xuất khẩu. Riêng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên nhập siêu sau 3 năm liên tiếp xuất siêu.
11. Phá giá tiền Việt Nam 6%
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là đồng NDT của Trung Quốc liên tục phá giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, tỷ VND/USD đã biến động mạnh, NHNN đã phá giá tiền đồng 6% trong năm 2015.
Tính đến cuối năm, tỷ giá đã tăng 6%, cùng với đó, biên độ tỷ giá được nới lên +-3% thay vì +-1%. Bên cạnh điều chỉnh tỷ giá, để ổn định thị trường và chống tình trạng đô lá hóa, lần đầu tiên trong lịch sự lãi suất tiền gửi USD của doanh nghiệp và các nhân đều được đưa về 0%/năm.
12. Thị trường BĐS phục hồi
Bộ Xây dựng cho biết, đến tháng 12/2015, giá trị gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay được 80% sau gần 3 năm triển khai.
Cùng với gói tín dụng 30.000 tỷ, trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát phân loại các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại.
Nhờ đó, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp. Lượng giao dịch thành công tại Hà Nội và TP HCM tăng.
13. Nông dân người dân tộc ở Tây Nguyên vay nợ tín dụng đen
Không thể tin được, phần lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, đáng lo ngại là phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tín dụng đen với lãi suất lên tới 50-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, đang là thực trạng đáng báo động hiện nay.
Chiều 9/12, tại Hà Nội, đông đảo đại biểu đã tham dự và lắng nghe những phân tích, chia sẻ từ một trong những nghiên cứu đầu tiên về tình trạng mắc nợ của nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay.
Nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ rất lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số tại chỗ đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, với mức độ nợ từ 50 – 240 triệu. Đáng chú ý, tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, 7 – 8% là để trả các khoản nợ đã có (đảo nợ). Khoảng 90% số hộ được hỏi cho biết họ cảm thấy gánh nặng nợ là nghiêm trọng cho tới rất nghiêm trọng.
Đáng chú ý hơn nữa, phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50-60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.
14. Báo động dân tộc thiểu số đói nghèo
Đây là thông điệp được đưa ra tại “Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số 2015” do Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)… phối hợp tổ chức sáng 9/12/2015 tại Hà Nội.
Vùng dân tộc và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của Việt Nam, là địa bàn sinh sống của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm 14,28% dân số cả nước.
Nhưng 53 dân tộc thiểu số luôn bị thiệt thòi, tỷ lệ đói nghèo rất cao, do hầu hết ở các vùng sâu, vùng xa, núi cao nên những phúc lợi mà họ được hưởng rất ít, nhiều nơi còn chưa điện, chưa phủ sóng điện thoại, chưa có nước sạch, chưa có đường nông thôn, chưa có trường học, trạm y tế…
Theo ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội thì có một thực tế vẫn rất đáng quan tâm là ở các vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến 47%, trong khi họ chỉ chiếm chưa đến 15% dân số cả nước, số hộ dân tộc thiểu số tái nghèo còn rất phổ biến…
15. Kinh tế Việt nam thực chất đã tụt hậu?
Mặc dù chúng ta tự hào kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng cao trong khu vực, song vì quy mô GDP khoảng hơn 186 tỷ USD, khá nhỏ hơn so với các nước trong khu vực. Tuy từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị doãng ra.
Năm 2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương với Malaysia vào năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010, Hàn Quốc năm 1982. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/14 Hàn Quốc và bằng 1/27 Singapore. Đồng thời, xét trên góc độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm…
16. Năng suất lao động bằng 1/18 Singapore, 50 năm nữa bằng Thái Lan
Thông tin về vấn đề năng suất lao động tại hội nghị trực tuyến chính phủ với các bộ ngành, địa phương diễn ra vào ngày 28/12/2015. Trước nhiều thông tin, số liệu khác nhau đã được công bố, thậm chí có báo cáo chỉ ra đến năm 2069 năng suất lao động của Việt Nam mới bằng Thái Lan, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng không nên công bố như vậy, cho dù có thể không sai nhưng đó cũng chỉ là một cách tiếp cận“.
Theo Daikynguyenvn