Kể về những câu chuyện bí ẩn xảy ra ngay trong chính ngôi nhà mình, ông Phạm Quang Tứ (SN 1954, ngụ thôn Hà My, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) một mực khẳng định: “Tôi không hề mê tín dị đoan, tuy nhiên có những câu chuyện trong nhà tôi vì không ai có thể lý giải được nên nếu không chấp nhận “sống chung với ma” thì cả nhà hoặc là bỏ nhà mà lang thang tay trắng, hoặc chết dần chết mòn vì hoang mang lo lắng. Những hành động mà tôi đã và đang làm cứ tưởng như… tâm thần này là giúp gia đình mình có một cuộc sống yên ổn”.
Tai ương liên tiếp
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1999, khi gia đình ông Tứ đã dành dụm được một khoản tiền kha khá và quyết tâm xây dựng một ngôi nhà tại xã Điện Dương để vợ chồng cùng bốn đứa con có một chốn đi về ấm cúng. Tuy nhiên, ngày ăn mừng ngôi nhà khang trang lại không thể nào diễn ra như dự định. Con lũ lịch sử năm ấy đã xô ập tường rào, làm sụt lún nền móng nhiều công trình phụ khác trong nhà… Buổi khánh thành nhà phải hoãn lại để sửa sang lại những chỗ hư hỏng, rồi buổi khánh thành cũng không diễn ra nữa mà chỉ có mâm cơm gọi là “dọn về nhà mới”.
Sau một khoảng thời gian cả nhà dọn về nơi ở mới, vợ chồng ông bỗng cảm nhận được nhiều lục đục bỗng dưng nảy sinh mà vốn trước đây ở trong căn nhà tranh vách đất họ chưa từng gặp. Cứ mỗi lần ông đi công tác xa về là bà vợ lại hục hặc vô lối; con cái cũng đâm ra hư hỏng, ăn chơi phá phách mà ba mẹ có dạy bảo cũng không nghe. Đỉnh điểm của những “nỗi đau và rắc rối ập đến”, ông Tứ gọi như vậy là vào năm 2003. Ngay ngày đầu năm, ông bị tai nạn giao thông nhưng lý do thì hết sức “trời ơi”. Khi đó ông đã cẩn thận đi bộ men theo sát lề đường tránh xe cộ nhưng chiếc xe gây tai nạn thì lại cố tình leo lề tông trúng phải ông rồi thản nhiên chạy về lòng đường và chạy mất tích, không ai phát hiện ra chiếc xe đó màu gì, người cầm lái có đặc điểm như thế nào.
Đã đang ấm ức vì tai nạn “trên trời rơi xuống” khiến ngày đầu năm đã phải nằm viện điều trị, gia đình lại tiếp tục gặp vận đen khi vợ ông bỗng nhiên nổi cơn đau viêm đường ruột cấp tính và theo chồng nhập viện. “Gia đình tôi cứ như loạn hết cả lên khi hai người trụ cột lo kinh tế gia đình, chăm con ăn học thì đều đã nằm một chỗ bất động”, ông Tứ nhớ lại.
Tai họa chưa buông tha gia đình này. Khi vợ chồng vừa gượng ngồi dậy được thì bàng hoàng nhận được tin dữ bay đến từ Quy Nhơn. Đứa con trai của ông bà sinh năm 1982 khi ấy đang học tại một trường đại học ở đây ngày thường thì hiền như đất, bỗng hôm đó gây hấn với người khác nên bị đâm một nhát vào ngực đang cấp cứu trong bệnh viện. Tức tốc gom góp vay mượn tiền bạc, hai vợ chồng dìu nhau lên xe vào Quy Nhơn lo cứu chữa cho con.
|
Ông Phạm Quang Tứ. |
Điều lạ lùng mà đến bây giờ khi nhớ lại, ông Tứ vẫn không khỏi rùng mình lẫn thở phào: Bị đâm nhưng con trai ông vẫn còn may mắn nên thoát khỏi bàn tay “tử thần”. Con dao gây án là một con dao cực bén, thế nên khi mũi dao chạm lồng ngực con trai ông thì xuyên qua xương sườn. “Bác sĩ nói hôm đó nếu là con dao cùn thì sẽ trượt xương sườn mà thấu vào tim và con tôi sẽ cầm chắc cái chết”, ông Tứ thuật lại.
Người dưng đột tử trong nhà hóa “con đầu thai”?
Những tai họa liên tiếp giáng xuống không chỉ khiến các thành viên trong gia đình mệt mỏi mà còn hao tốn tiền của và chỉ biết trách số phận. Đều là những tai nạn nên khi đó ông Tứ chẳng mảy may suy nghĩ đến vấn đề “ma tà quỷ quái” mà trước sau chỉ khẳng định đó là vận đen. Quan niệm này của ông sau đó ít ngày đã lung lay vì những chuyện lạ khác tiếp tục kéo đến.
Ít ngày sau khi bị đâm xuyên cái xương sườn nên may mắn thoát chết, con trai ông về thăm nhà và rủ bạn là anh Phạm Anh Tuấn (SN 1980, ngụ tỉnh Kon Tum) cùng về chơi. Đối với người xứ Quảng, tính hiếu khách là điều có thừa nên sau khi cho con trai cùng bạn tự nhiên ăn uống, vui chơi, ông Tứ bố trí cho bạn của con trai ở trong căn phòng trên tầng 2, nơi mà các con ông dành để học bài. Sáng hôm sau, khi gọi khách dậy đánh răng rửa mặt ăn sáng, cả chục lần gọi mà không thấy thưa nên ông vào lay người khách. Không có tiếng đáp trả mà chỉ thấy người khách cứng đơ. Thì ra khách đến chơi nhà trong đêm đầu tiên đã chết “bất đắc kỳ tử”, không khi nào tỉnh lại.
Công an lúc ấy đến nhà khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân đã nhanh chóng xác định người này đột tử vì cảm gió. Thế nhưng lời khai của con trai ông Tứ khiến nhiều người không lý giải được về lý do dẫn đến mối quan hệ thân thiết giữa anh và nạn nhân. Con trai ông khi đó cho biết: “Tuy học khóa trên và hơn tôi 2 tuổi, thông thường thì ít khi sinh viên khác khóa chơi với nhau, nhưng tôi và anh Tuấn lại tình cờ gặp và khá thân thiết nhau, quý nhau như anh em. Trước đó anh Tuấn khá khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh gì. Việc anh theo tôi về thăm nhà cũng hoàn toàn ngẫu nhiên. Khi thấy tôi có ý định về nhà, tự nhiên anh cũng mang ba lô đến xin đi cùng chứ anh em không bàn tính trước”.
Cũng theo lời khai của con trai ông Tứ: “Tối ấy, trước khi đi ngủ tôi có rủ anh đi uống cà phê nhưng anh từ chối và bảo “Thích ở nhà với ba má”. Nghe câu trả lời này tôi rất ngạc nhiên nhưng không hỏi vì nghĩ có khi anh quý mình, coi ba mẹ mình như bậc cha mẹ anh ấy nên mới nói thế. Rồi không hiểu vì sau, nói xong câu đó anh vào phòng nằm và không thức dậy lần nào nữa”.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân vội vã từ Kom Tum xuống nhận xác con cũng không có cớ gì để gây khó dễ cho gia đình ông Tứ vì cái chết chỉ là tai nạn. Song có lẽ trong mắt họ lúc bấy giờ, gia đình ông Tứ cứ như “tội đồ” vì đứa con trai của họ đã đen đủi chết trẻ trong căn nhà ông, bị “ám” cái “dây đen” gia đình nhà ông.
Những chuyện không may tiếp tục đeo bám căn nhà này vì chưa đầy một tuần sau khi gia đình nạn nhân nhận xác con để đưa về quê an táng, ba mẹ Tuấn tiếp tục quay lại nhà ông Tứ để cầu siêu và xin đưa “hồn” Tuấn theo xác. Thế nhưng những chuyện mâu thuẫn mới vừa phát sinh của hai gia đình bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ thay đổi theo hướng trở thành thân thiện, khi bất ngờ “hồn” Tuấn không chịu theo xác về cùng ba mẹ ruột.
Ông thầy cúng đi cùng gia đình nạn nhân sau khi làm lễ cầu an, cầu siêu, xin kêu (thảy đồng xu, một tập tục cúng bái theo quan niệm mê tín để “hỏi” xem “người chết” có đồng ý hay không – PV) bỗng “phán”: “Nó thấy cả nhà mình xuống nên lẩn tránh không chịu về. Nó nói rằng vốn là con của ông bà Tứ, trước đây được đầu thai và phải mượn tạm xác để sống cùng nhà ông bà trên Kon Tum. Nay khi cần yên nghỉ thì Tuấn muốn về lại ngay nhà ba mẹ ruột của mình. Bây giờ Tuấn chỉ ở đây chứ không theo xác đi đâu cả”.
Cả hai bên gia đình khi nghe đến đây đều điếng hồn nhưng khi ngẫm lại họ mới thấy có nhiều điều trùng hợp: Tuấn cũng mang họ Phạm như ông Tứ; ngày Tuấn còn ở Kon Tum chưa đi học, gia đình Tuấn cũng đô
;i lần thấy con trai nói về chuyện sẽ đi Quảng Nam để tìm người thân ở đó nhưng người cha lúc này không hề để ý đến vì nghĩ con mình học hành xa, có quen biết, kết thân người ở nơi khác cũng là chuyện thường.
Vậy là sau khi bàn bạc với nhau, hai bên gia đình chọn giải pháp cho nạn nhân “hồn một nơi, xác một nơi”; để ông Tứ thờ cúng cho Tuấn và coi cậu sinh viên trước đây là người dưng nay thành… con trong nhà. Cứ cách năm một, gia đình trên Kon Tum và nhà ông Tứ lại thay phiên nhau làm giỗ to cho con, bên kia sẽ từ Kom Tum xuống Quảng Nam để thắp nén nhang cho hương hồn con, hoặc bên này lại từ Quảng Nam chạy ngược Kom Tum lên để dọn cỏ, quét tước mộ, thay bát nước trên mộ “con đầu thai”.’
(còn nữa) (Theo Pháp luật Việt Nam)