Trong “cơn bão” mới nhất ở Biển Đông kéo dài gần 2 tháng nay, người ta bất ngờ trước sự nổi lên của một “con sóng lớn”. Con sóng này khiến Trung Quốc – cường quốc số 1 khu vực, phải “giật mình” và dè chừng. Đó chính là con sóng mang tên Ấn Độ.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong khi đó, các nước nhỏ hơn cũng quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình đến cùng. Đây là nguyên nhân khiến cho các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn diễn ra quyết liệt và nóng bỏng.
Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh tìm mọi cách ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc vào những cuộc tranh chấp giữa họ với các nước láng giềng nhỏ bé hơn trong khu vực. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Với tư cách là nước lớn, Trung Quốc có ý đồ giải quyết lần lượt với từng nước nhỏ để giành thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp đó. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này của Bắc Kinh khó mà thực hiện được khi giờ đây một loạt cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản… không ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông hiện nay, người ta thấy nổi lên một nhân tố khá bất ngờ. Đó là Ấn Độ. Với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu trong khu vực và cũng là một “đối thủ” của Trung Quốc, Ấn Độ đã có một số động thái ngầm ý cho thấy, họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược này.
Sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông
Ấn Độ bắt đầu thể hiện sự quan tâm của họ đến Biển Đông bằng việc điều một loạt tàu hải quân tới Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua. 4 tàu của Lực lượng Hải quân Ấn Độ gồm INS Rana, Shakti, Shivalik và Kurmak đã thực hiện một hải trình dài một tuần trên Biển Đông. Đáng chú ý nhất là 2 trong số 4 con tàu này đã đến thăm Lực lượng Hải quân Philippines ở Vịnh Subic. Philippines là nước đang có cuộc đối đầu trực diện và quyết liệt với Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự hiện diện cùng lúc của 4 tàu Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông ngay sau chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Mỹ và các tàu quân sự Nhật Bản đã khiến cho cuộc “đua” tàu chiến của các cường quốc ở vùng biển đầy sóng gió này thêm “nóng”.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, trong những ngày cuối cùng của tháng 5, một quan chức cấp cao của Ấn Độ đã thẳng thừng tuyên bố sẽ đáp trả bằng vũ lực trước bất kỳ hành động “hiếu chiến” nào của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cáo buộc Trung Quốc đang dùng chiến tranh tâm lý với Ấn Độ, lãnh đạo cấp cao của Đảng Bharatiya Janata Hindu (BJP) – ông Yashwant Sinha hôm 30/5 tuyên bố, nếu được bầu lên nắm quyền, đảng của ông sẽ đáp trả thẳng tay bất kỳ hành động nào như thế từ Bắc Kinh. “Vũ lực sẽ được đáp trả bằng vũ lực”, ông Sinha đã phát biểu như vậy tại Viện Brookings khi được hỏi về chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Trung Quốc nếu đảng BJP lên cầm quyền.
Ông Sinha “tố” Trung Quốc đang dùng chiến tranh tâm lý với Ấn Độ bằng việc thường xuyên xâm phạm lãnh thổ nước này cũng như đưa ra những lời đe dọa đối với việc Ấn Độ tham gia khai thác dầu khí ở Biển Đông. Lãnh đạo cấp cao của Đảng BJP tuyên bố mạnh mẽ và đầy thách thức rằng, New Delhi sẽ không để Trung Quốc giành thế thượng phong trong cuộc chiến tranh tâm lý đó.
“Tàu thuyền của chúng tôi đang tìm kiếm hydro carbon ở Biển Đông và Trung Quốc tìm cách dọa dẫm chúng tôi. Quan điểm của BJP là chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu với họ. Vũ lực sẽ được đáp trả bằng vũ lực”, ông Sinha tuyên bố.
Những động thái trên của New Delhi cho thấy, họ đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng can thiệp vào tình hình ở Biển Đông.
Vì sao Ấn Độ quyết “ngáng đường” Trung Quốc?
New Delhi chắc chắn không thể không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông bởi nước này có lợi ích lớn trong khu vực này. Có hai lý do chính để Ấn Độ hợp tác với các cường quốc khác ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thứ nhất, với tư cách là một cường quốc Châu Á, Ấn Độ muốn duy trì một vai trò mạnh của mình trong khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên này. Từ đó, Ấn Độ sẽ dần khẳng định vị thế là một cường quốc thế giới. Rõ ràng, Ấn Độ đang ngày một mạnh lên. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Cùng với sự phát triển kinh tế của mình, New Delhi đã mạnh tay đầu tư cho quân đội. Ấn Độ là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua.
Ấn Độ đang nỗ lực chạy đua vào vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi hội đồng này được mở rộng. Vì thế, nước này cần phải khẳng định vị trí ngang bằng với 5 cường quốc trong hội đồng hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Để khẳng định vị thế cường quốc của mình, Ấn Độ cần phải thể hiện họ là một quốc gia có trách nhiệm và có ảnh hưởng đối với các vấn đề quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới. Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng đang là một điểm nóng và cũng là một khu vực quan trọng đối với thế giới. Và New Delhi thấy mình cần phải có trách nhiệm góp tiếng nói vào những tranh chấp ở đây.
Lý do thứ hai thúc đẩy Ấn Độ can thiệp vào tình hình Biển Đông là sự quan ngại của nước này trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. New Delhi tin rằng, sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.
Thực tế trên được thể hiện qua phát biểu gần đây của ông Sinha. Vị lãnh đạo cấp cao của đảng BJP này cho rằng, hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan đang để mắt tới lãnh thổ của Ấn Độ. “Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, đó là bang Arunachal Pradesh. Nhiều người trong chúng tôi tin rằng, Trung Quốc đang tìm cách bao vây Ấn Độ từ mọi phía để kiềm chế sự phát triển của chúng tôi. Vì thế, thỉnh thoảng họ lại khiêu khích chúng tôi ở biên giới”, ông Sinha cho biết.
Ngoài ra, Biển Đông được cho là đóng vai trò then chốt trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Trong tháng 7 tới, các quan chức Mỹ và Ấn Độ sẽ tiến hành những cuộc thảo luận về một dự án lớn ở Đông Nam Á. Đó là dự án thiết lập hành lang kết nối Mêkông Đông-Tây. Dự án này là sự hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Theo dự án trên, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ thiết lập một hành lang thương mại và giao thông đa tầng trải dài từ Ấn Độ, đi qua Myamar, Thái Lan, Campuchia và Lào trước khi kết thúc ở Việt Nam.
theo vnmedia